Brazil thắt chặt quan hệ với Nga và Trung Quốc giữa 'bão' thuế quan của Mỹ
Chưa đầy 1 tuần sau chuyến công du châu Á, Tổng thống Lula da Silva ngày 31/3 thông báo kế hoạch thăm Nga và Trung Quốc. Thông báo đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị áp thuế đối ứng với hầu hết các quốc gia trên thế giới và Brazil cũng không nằm ngoài tầm ngắm.
Thông báo của Văn phòng Tổng thống Lula da Silva nêu rõ, Nhà lãnh đạo Brazil dự kiến sẽ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9/5. Sau đó, ông sẽ đến Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe vào ngày 12/5. Đây sẽ là chuyến đi chính thức đầu tiên của ông Lula da Silva tới Nga và là chuyến đi thứ hai tới Trung Quốc trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3. Trong các nhiệm kỳ trước (2003-2010), ông đã tới thăm Nga hai lần và Trung Quốc ba lần.

Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: Reuters
Brazil, Nga và Trung Quốc đều là thành viên sáng lập của BRICS gồm các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu và được xem là đối trọng với Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển G7. Brazil hiện giữ chức Chủ tịch luân BRICS năm 2025 và sẽ đăng cai tổ chức một loạt Hội nghị thượng đỉnh của khối trong năm nay.
Nhiệm kỳ Chủ tịch của Brazil được dự báo là nhiều thách thức trong bối cảnh chính quyền mới tại Mỹ đã có những thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại và quan hệ với các quốc gia khác. Chính sách của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tập trung vào việc tái cấu trúc để gia tăng sức mạnh nội địa và kiểm soát trật tự toàn cầu.
Mỹ và Brazil là 2 nền kinh tế lớn nhất tại Tây bán cầu. Tới nay, cả Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Brazil Lula da Silva đều tránh những phát biểu mang tính công kích lẫn nhau. Mặc dù không gọi điện trực tiếp cho ông Donald Trump để chúc mừng chiến thắng, song Tổng thống Lula da Silva đã sử dụng mạng xã hội để định hình mối quan hệ hai nước khi nhấn mạnh “thế giới cần đối thoại và làm việc chung để có thêm hòa bình, phát triển và thịnh vượng”.
Tuy nhiên, những căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ 2 nước cũng không hề ít từ tham vọng toàn cầu của khối các nước BRICS, cách tiếp cận các thể chế đa phương, biến đổi khí hậu đến ảnh hưởng ngày càng tăng của các tỷ phú trong chính quyền Tổng thống Donald Trump. Và năm 2024, Brazil ghi nhận thâm hụt thương mại nhẹ 283,8 triệu USD với Mỹ và cũng không nằm ngoài tầm ngắm thuế quan của Mỹ.
Trong bình luận mới đây về chính sách thuế quan của Mỹ, Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh: “Tôi tin rằng ông Donald Trump, với tư cách là Tổng thống Mỹ, có quyền đưa ra quyết định liên quan đến nước Mỹ. Điều ông cần làm là cân nhắc hậu quả của những quyết định này. Quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Mỹ? Thành thật mà nói, nếu ông ấy đang nghĩ đến việc đưa ra quyết định đánh thuế mọi thứ mà Mỹ nhập khẩu, tôi nghĩ điều đó sẽ gây bất lợi cho Mỹ, làm tăng giá hàng hóa và có thể dẫn đến lạm phát- điều mà ông ấy vẫn chưa nhận ra”.
Chính vì thế việc Tổng thống Brazil dồn dập công du nước ngoài vào thời điểm hiện nay, từ những nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản đến các đối thủ như Trung Quốc hay Nga đã phần nào cho thấy ý định của chính quyền Tổng thống Lula da Silva.
Thực tế, mối quan hệ của quốc gia này với Nga và Trung Quốc ngày càng chặt chẽ trong những năm gần đây. Năm 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm cấp nhà nước tới Brazil trong khuôn khổ G20. Hai nước đã ký kết một số thỏa thuận và mối quan hệ đối tác này ngày càng liên quan đến công nghệ và các lĩnh vực cạnh tranh với Mỹ. Ngoài Nga và Trung Quốc, Tổng thống Brazil cũng kế hoạch tới Honduras vào tháng 4 và Pháp vào tháng 6.