Brazil và Argentina thảo luận thiết lập đồng tiền chung
Brazil và Argentina, hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, đang khởi động lại cuộc thảo luận về việc thiết lập một đồng tiền chung sử dụng cho các giao dịch tài chính và thương mại song phương để giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Hai bên cũng có ý định mời các nước Mỹ Latin khác tham gia đồng tiền chung này.
Bloomberg cho biết trong nhiều thập niên qua, Brazil và Argentina đã xem xét các phương án để phối hợp đồng tiền của họ nhằm thoát khỏi sự chi phối của đồng đô la Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, họ đạt được rất ít tiến triển trong các cuộc thảo luận do sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô dai dẳng của cả hai nước, cùng với những cản lực chính trị thường xuyên đối với ý tưởng đồng tiền chung.
Trước thềm cuộc họp cấp cao tại thủ đô Buenos Aires của Argentina hôm 23-1, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và người đồng cấp Argentina Alberto Fernandez đã viết một bài báo chung trên tờ Perfil (Argentina) nhấn mạnh việc sử dụng đồng tiền chung có thể giúp thúc đẩy thương mại khu vực.
“Chúng tôi muốn vượt qua các rào cản đối với trao đổi thương mại của chúng tôi bằng cách đơn giản hóa, hiện đại hóa các quy tắc và thúc đẩy việc sử dụng các loại tiền tệ địa phương. Chúng tôi cũng quyết định thúc đẩy thảo luận về một đồng tiền chung của Nam Mỹ, có thể được sử dụng cho các giao dịch tài chính và thương mại, giúp giảm chi phí hoạt động và tính dễ bị tổn thương với môi trường bên ngoài của chúng tôi”, bài báo cho biết.
Đề xuất mới nhất được đưa ra khi Argentina đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao nhất trong hơn ba thập niên và khi nhiều thị trường mới nổi sốt sắng tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đồng đô la Mỹ. Nền kinh tế Brazil dự kiến tăng trưởng yếu trong năm nay, trong khi ông Lula da Silva, người mới đắc cử tổng thống hồi tháng 10 năm ngoái, có kế hoạch tăng chi tiêu công đáng kể để thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông.
Theo một quan chức chính phủ Brazil, cuộc đàm phán để thiết lập đồng tiền chung chỉ mới ở giai đoạn sợ bộ và hai bên không đặt ra thời hạn hoàn thành. Đồng tiền chung giữa Brazil và Argentina ban đầu sẽ được sử dụng song song với đồng peso của Argentina và đồng real của Brazil. Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad nói với các phóng viên ở Buenos Aires rằng Argentina đang nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương. Ông xác nhận một đồng tiền chung cho các giao dịch tài chính và thương mại giữa hai nước là một trong những ý tưởng đang được xem xét.
“Chúng tôi đang phân tích nhiều phương án, cho phép chúng tôi tăng cường thương mại vì Argentina là một trong những quốc gia mua nhiều hàng hóa sản xuất từ Brazil và xuất khẩu của chúng tôi sang Argentina đang giảm”, ông Haddad nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times hôm 22-1, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa cho biết Brazil và Argentina sẽ mời các nước khác ở Mỹ Latin tham gia đồng tiền chung này. Nhưng ông cũng lưu ý ông không muốn tạo ra bất kỳ “kỳ vọng sai lầm” nào vì hội nhập thương mại sẽ mất nhiều thời gian. Ông cho biết châu Âu phải mất 35 năm để tạo ra đồng tiền chung euro.
“Chúng tôi quyết định bắt đầu nghiên cứu các thông số cần thiết cho một đồng tiền chung, bao gồm mọi thứ từ các vấn đề tài chính đến quy mô nền kinh tế và vai trò của các ngân hàng trung ương”, Bộ trưởng Sergio Massa nói.
Theo ước tính của Financial Times, một liên minh tiền tệ bao trùm toàn bộ châu Mỹ Latin sẽ chiếm khoảng 5% GDP toàn cầu. Liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới, khu vực sử dụng đồng euro, chiếm khoảng 14% GDP toàn cầu.
Năm 1987, các nhà lãnh đạo của Brazil và Argentina tuyên bố thành lập một đồng tiền chung, được gọi là gaucho, để làm phương tiện thanh toán cho giao dịch thương mại giữa hai bên. Nhưng rút cục, ý tưởng này đã không được triển khai trong bối cảnh có nhiều bất đồng và những lo ngại biến động vĩ mô quá lớn của các nước liên quan.
Hiện tại, sáng kiến đồng tiền chung của hai nước cũng đối mặt với những trở ngại lớn. Argentina có lạm phát hàng năm cao gần 100% so với 5,8% của Brazil. Đồng peso của Argentina mất giá nhanh so với đồng real của Brazil. Argentina hầu như bị cắt đứt khỏi thị trường nợ quốc tế kể từ khi vỡ nợ năm 2020 và vẫn còn nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hơn 40 tỉ đô la. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Brazil cũng có thể phản đối sáng kiến về đồng tiền chung.
Trên toàn cầu, nhiều nước đang tìm cách tránh sử dụng đồng đô la Mỹ và bán phần lớn trái phiếu bằng nội tệ. Nga đã thực hiện các khoản thanh toán cho các đối tác thương mại ở nước ngoài bằng đồng rúp sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây cắt đứt Moscow khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift. Các nước ở châu Á cũng đang tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA) đang có kế hoạch mở rộng thương mại phi dầu mỏ bằng đồng rupee của Ấn Độ.
Theo Bloomberg, Financial Times