Brazil và những kỳ vọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS 2025
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước BRICS diễn ra tại Rio de Janeiro từ 28-29/4 là cơ hội để quốc gia chủ nhà Brazil thể hiện vai trò ngày càng nổi bật của mình trong việc định hình tương lai BRICS và thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương.
Brazil sẽ khẳng định vai trò dẫn dắt
Khi Brazil đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của BRICS vào năm 2025, quốc gia này đứng trước cơ hội quan trọng để dẫn dắt khối hướng tới tầm ảnh hưởng và sự gắn kết lớn hơn, đặc biệt với tư cách là đại diện cho các quốc gia Nam bán cầu.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro ngày 28 và 29 tháng 4.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS tổ chức tại Rio de Janeiro ngày 28 và 29/4, cũng như Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17, dự kiến diễn ra tại Rio de Janeiro ngày 6 và 7/7, mang đến cho Brazil một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy chương trình nghị sự đầy tham vọng của mình.
Dựa trên những kết quả đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2024 tại Kazan (Nga) và tận dụng sự khéo léo trong ngoại giao, Brazil sẵn sàng tăng cường hợp tác Nam-Nam, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế, mở rộng thành viên khối, giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và giảm căng thẳng xung đột. Và, với tư cách là Chủ tịch BRICS, Brazil có thể định hình quỹ đạo của khối và khuếch đại tiếng nói của các quốc gia đang phát triển trong quản trị toàn cầu.
Là quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, đứng thứ 5 thế giới về diện tích và thứ 6 về dân số, Brazil mang sức nặng địa chiến lược đặc biệt. Đất nước này có truyền thống chính sách đối ngoại thiên về chủ nghĩa đa phương ôn hòa, nhấn mạnh đối thoại, thương lượng và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025.
Brazil không tìm cách đối đầu trực diện với bất kỳ cực quyền lực nào, mà chủ trương thúc đẩy vai trò của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) theo hướng công bằng, dân chủ hơn. Cách tiếp cận "trục mềm" này khiến Brazil trở thành một đối tác trung gian đáng tin cậy nội bộ BRICS, giúp nhóm duy trì đối thoại xây dựng ngay cả khi xuất hiện những khác biệt quan điểm sâu sắc.
Brazil luôn nỗ lực đưa các ưu tiên của các nước đang phát triển vào chương trình nghị sự của BRICS, từ xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững. Trong nhiều kỳ hội nghị trước, tiếng nói của Brazil đã góp phần quan trọng trong việc BRICS mở rộng hợp tác với các quốc gia bên ngoài nhóm, nhất là ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi, tạo tiền đề cho định hướng mở rộng BRICS+ hiện nay.
Đề cập tới vai trò của Brazil trong BRICS, ông Celso Amorim - Cố vấn trưởng về đối ngoại của Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết nước này sẽ là cầu nối để củng cố những nỗ lực và vị thế của các nước đang phát triển trong phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, tài chính và kinh tế, cũng như hạn chế những tác động tiêu cực về tài chính.
Tăng cường hợp tác Nam bán cầu
Nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS của Brazil sẽ được neo giữ bởi chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam bán cầu để quản trị toàn diện và bền vững hơn”. Khẩu hiệu này phản ánh cam kết lâu dài của Brazil đối với tình đoàn kết Nam-Nam, một nguyên tắc bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của nước này từ những năm 1960.
Một trong những mục tiêu chính của Brazil là thúc đẩy các sáng kiến tài chính được nêu tại Kazan, đặc biệt là những sáng kiến nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), đặt trụ sở tại Thượng Hải và do cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff lãnh đạo, sẽ đóng vai trò trung tâm.
Kể từ khi thành lập vào năm 2014, NDB đã tài trợ hơn 35 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững trên khắp các quốc gia BRICS và Nam bán cầu. Brazil đang muốn tìm cách mở rộng năng lực cho vay của NDB, ưu tiên các dự án về năng lượng tái tạo, giao thông và cơ sở hạ tầng số.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến in Rio de Janeiro tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS, ngày 28/4.
“Sáng kiến thanh toán xuyên biên giới BRICS” và cơ sở hạ tầng “BRICS Clear” được đề xuất cũng quan trọng không kém. Bằng cách thúc đẩy thương mại bằng tiền tệ địa phương, Brazil muốn bảo vệ các nền kinh tế Nam bán cầu khỏi biến động tỷ giá và các biện pháp trừng phạt của Mỹ, vốn đã làm gián đoạn thương mại của một số thành viên BRICS.
Ví dụ, Ấn Độ và Nga ngày càng thanh toán thương mại bằng rupee và rúp, một mô hình mà Brazil có thể áp dụng với các đối tác Mercosur. Tuy nhiên, các thách thức vẫn còn, bao gồm rào cản công nghệ và nhu cầu đồng thuận giữa các thành viên có hệ thống tài chính khác nhau. Kinh nghiệm của Brazil trong hội nhập khu vực, thông qua Mercosur và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), giúp nước này có khả năng hòa giải các cuộc thảo luận này, đảm bảo tiến bộ từng bước.
Các quốc gia thành viên BRICS cũng bắt đầu thảo luận sơ bộ về việc thành lập một cơ chế bảo lãnh đầu tư đa phương, nhằm tăng cường vai trò của khối trong việc ổn định nền kinh tế toàn cầu. Theo bà Tatiana Rosito - Thư ký phụ trách quan hệ quốc tế tại Bộ Tài chính Brazil - cơ chế mà BRICS đề xuất mô phỏng theo MIGA (Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương của Ngân hàng Thế giới), một cơ quan hỗ trợ các nước đang phát triển thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng cách cung cấp bảo hiểm rủi ro chính trị và bảo lãnh tín dụng.
MIGA bảo hiểm các rủi ro như quốc hữu hóa, bất ổn tỉ giá, vi phạm hợp đồng và gián đoạn liên quan đến xung đột. Được thành lập vào năm 1988, cơ quan này đã giúp giảm thiểu rủi ro cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng ở một số môi trường bất ổn nhất thế giới. Nếu được thành lập, phiên bản MIGA của BRICS có thể được bổ sung vào bộ công cụ tài chính của khối cùng “Thỏa thuận dự trữ dự phòng” (CRA), được ký kết vào năm 2014 và có hiệu lực từ năm 2016.

Ông Celso Amorim - Cố vấn trưởng về đối ngoại của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Bà Rosito cho biết, củng cố ổn định tài chính giữa các thành viên BRICS - những quốc gia chiếm khoảng 41% GDP toàn cầu - là một trong những mục tiêu hàng đầu của Brazil trong năm mà nước này giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối. “Cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế là ưu tiên của Brazil, trong đó có tăng cường các cơ chế đặc thù của BRICS như Ngân hàng Phát triển BRICS và CRA”, bà Rosito nhấn mạnh.
Trong khi đó, trước những biến động địa chính trị sâu sắc hiện nay, nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS cũng mang đến cho Brazil cơ hội nâng cao vai trò của mình như một nhà hòa giải. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Lula da Silva đối với một nhà nước Palestine và sự chỉ trích của ông đối với bạo lực ở Gaza được nhiều quốc gia Nam bán cầu đồng tình.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh 2025, Brazil có khả năng sẽ thúc đẩy các tuyên bố mạnh mẽ hơn của BRICS về giải quyết xung đột, đặc biệt ở Trung Đông. Truyền thống ngoại giao không liên kết của Brazil, bắt nguồn từ sự ủng hộ cho một thế giới đa cực, cho phép nước này tạo điều kiện đối thoại mà không làm leo thang căng thẳng.
Thách thức và kỳ vọng
Nhiệm kỳ chủ tịch của Brazil không phải không có thách thức. Việc phối hợp một khối đa dạng với các ưu tiên khác nhau - sự tập trung của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng, sự thận trọng của Ấn Độ về phi USD hóa, sự quyết đoán địa chính trị của Nga - đòi hỏi những nỗ lực ngoại giao khéo léo.
Sự chênh lệch kinh tế giữa các thành viên cũng có thể khiến việc xây dựng đồng thuận gặp khó khăn. Các áp lực bên ngoài, bao gồm thuế quan của Mỹ và sự hoài nghi của phương Tây đối với tham vọng của BRICS, sẽ làm tăng thêm sự phức tạp của những chương trình nghị sự.
Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu gia tăng, nguy cơ BRICS bị lôi kéo vào các trục đối đầu cũng là điều mà Brazil phải thận trọng ứng xử. Việc giữ vững tính độc lập, không liên kết trong các đề xuất chính sách sẽ là chìa khóa để Brazil duy trì vai trò trung gian hòa giải, củng cố đoàn kết nội bộ BRICS.
Các nhà phân tích cho biết, Brazil cũng cần quản lý các hạn chế trong nước, như thách thức tài chính và phân cực chính trị, để duy trì sự tập trung vào chương trình nghị sự BRICS, tìm kiếm điểm đồng thuận trong những vấn đề phức tạp như cải cách tài chính quốc tế, an ninh năng lượng, hay biến đổi khí hậu.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS tại Rio de Janeiro là phép thử đối với bản lĩnh và tầm nhìn đối ngoại của Brazil.
Ngoài ra, Brazil cũng đối mặt với kỳ vọng ngày càng cao từ các nước đang phát triển khác. Với tư cách là một trong những "cường quốc Nam bán cầu", Brazil cần thể hiện tính lãnh đạo không chỉ trong việc thúc đẩy lợi ích của riêng mình, mà còn phải đại diện cho các mối quan tâm rộng lớn hơn của các nước đang phát triển, từ châu Phi, châu Á tới Mỹ Latinh.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS tại Rio de Janeiro lần này không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của khối, mà còn là phép thử đối với bản lĩnh và tầm nhìn đối ngoại của Brazil. Thành công của hội nghị sẽ tiếp thêm động lực cho BRICS, đồng thời khẳng định vai trò ngày càng vững chắc của Brazil như một điểm tựa cho hợp tác toàn cầu thời đại mới.