Brazil vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp ngô lớn nhất cho Trung Quốc
Brazil đã vượt qua Mỹ để trở thành nước xuất khẩu ngô hàng đầu sang Trung Quốc, chỉ một năm sau khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu ngô từ quốc gia Nam Mỹ này.
Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu lên tới 8,79 triệu tấn ngô từ Brazil trong 11 tháng đầu năm, tương đương 40% trong tổng số 22,18 triệu tấn. Trong khi nhập khẩu ngô từ Mỹ đạt 6,5 triệu tấn, gần 30% tổng lượng và giảm hơn một nửa so với một năm trước đó.
Từng phụ thuộc vào Mỹ và Ukraine, Trung Quốc đã tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp khi lượng mua tăng mạnh, một động thái trùng hợp với vụ mùa kỷ lục ở Brazil. Nhập khẩu ngô của Trung Quốc đã vượt quá 20 triệu tấn trong ba năm liên tiếp do nước này tìm cách bổ sung kho dự trữ, đồng thời đáp ứng nhu cầu từ ngành công nghiệp chế biến và thức ăn chăn nuôi.
Cherry Zhang, nhà phân tích của Shanghai JC Intelligence cho biết: “Brazil đã có một vụ thu hoạch bội thu và ngô của họ lại rẻ”. Các công ty kinh doanh hàng hóa đã đặt mua một lượng lớn ngũ cốc từ Brazil vào đầu năm nay và hiện những lô hàng này đang được giao đến. Tổng lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đạt mức cao kỷ lục theo dữ liệu từ năm 2005.
Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Brazil vào năm ngoái để mua ngô của nước này, lô hàng đầu tiên sẽ đến vào tháng 1. Theo ước tính của Shanghai JC, nhập khẩu ngô từ Brazil của Trung Quốc trong tháng 12 dự kiến đạt ít nhất 1,5 triệu tấn và có khả năng duy trì ở mức cao trong năm mới.
Tuy nhiên, giá ngô giảm ở Chicago và các vấn đề hậu cần hạn chế xuất khẩu của Brazil có thể bắt đầu đẩy các công ty quay trở lại nguồn cung của Mỹ.
Trong khi đó, các nhà cung cấp sẽ phải vật lộn với thị trường nội địa yếu kém. Hợp đồng tương lai giá ngô trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã giảm 16% vào năm 2023, xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm.
“Sự bi quan đang tràn ngập thị trường… Nông dân phải đối mặt với nhiều áp lực phải bán ngũ cốc, trong khi các công ty thu mua hàng hóa không muốn xây dựng kho dự trữ”, công ty môi giới Holly Futures của Trung Quốc cho biết.
Mặc dù Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với ngũ cốc, nhưng người tiêu dùng chính - nông dân chăn nuôi và chế biến - đang phải vật lộn để kiếm lợi nhuận, khiến nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới bị lu mờ.