Brexit và triển vọng kinh tế Anh vẫn mờ mịt

Các nhà lập pháp Anh hôm thứ Ba (3/9) đã giành chiến thắng quan trọng trong việc ngăn cản ông Boris Johnson đưa Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, khiến Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ ngay lập tức xúc tiến một cuộc bầu cử sớm.

Brexit có thể tiếp tục bị trì hoãn

Với 328 phiếu thuận và 301 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu kết thúc vào rạng sáng 4/9 (giờ Việt Nam), các nhà lập pháp đối lập liên minh với một số nghị sĩ “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đánh bại Chính phủ để giành quyền kiểm soát tiến trình Brexit.

Thủ tướng Johnson đang tìm kiếm một cuộc bầu cử sớm

Thủ tướng Johnson đang tìm kiếm một cuộc bầu cử sớm

Chiến thắng hôm thứ Ba của các nhà lập pháp chỉ là bước đi đầu tiên cho phép họ nắm quyền kiểm soát tiến trình Brexit. Bước đi tiếp theo là họ sẽ tìm cách thông qua một đạo luật buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải yêu cầu EU trì hoãn Brexit lần thứ ba cho đến ngày 31/1/2020, trừ khi ông đưa ra được một thỏa thuận Brexit mới và được Quốc hội phê chuẩn.

Đã hơn 3 năm trôi qua kể từ khi Anh tiến hành cuộc bỏ phiếu để trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ tiến trình Brexit sẽ đi theo hướng nào. Với diễn biến hiện nay, kịch bản Brexit hỗn loạn hay Brexit không thỏa thuận, thậm chí là cả trường hợp hủy bỏ Brexit đều có thể xảy ra.

Hiện ông Johnson đang ở trong một tình thế tương tự như người tiền nhiệm Theresa May - người đã ba lần thất bại trong việc giành được sự ủng hộ của các nhà lập pháp đối với bản thỏa thuận Brexit mà bà đã dày công đàm phán với EU, thậm chí dẫn tới việc từ chức của bà sau đó. Việc làm đầu tiên của ông có lẽ là chỉnh đốn lại đảng Bảo thủ.

Trong một tuyên bố sau khi có kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện, người phát ngôn của đảng Bảo thủ cho biết 21 nghị sĩ Bảo thủ đã bỏ phiếu chống lại ông Johnson sẽ bị khai trừ khỏi đảng này. Trong số những nghị sĩ Bảo thủ đang phải đối mặt với việc trục xuất khỏi đảng có Nicholas Soames - cháu trai của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill và hai cựu bộ trưởng tài chính - Philip Hammond và Kenneth Clarke.

Tiếp đó, ông đang xúc tiến việc bầu cử sớm. “Tôi không muốn bầu cử, nhưng nếu các nghị sĩ bỏ phiếu vào ngày mai để ngừng đàm phán và bắt buộc một lần trì hoãn vô nghĩa nữa đối với Brexit, có khả năng trong nhiều năm, thì đó sẽ là cách duy nhất để giải quyết vấn đề này”, Thủ tướng Anh Johnson nói với Quốc hội sau cuộc bỏ phiếu.

Tương lai mờ mịt

Trong cuộc đấu lịch sử giữa Thủ tướng và Quốc hội, các đối thủ của Johnson cho biết họ muốn ngăn ông chơi trò “roulet Nga” với một quốc gia từng được coi là “trụ cột tự tin của sự ổn định kinh tế và chính trị phương Tây”. Họ lập luận rằng, rủi ro Brexit không có thỏa thuận là rất lớn khi nó cắt đứt ngay lập tức mọi quan hệ kinh tế với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh và điều đó chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế bị rối loạn.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson - người vừa chính thức nhậm chức khoảng 6 tuần trước - lại cho rằng cách tiếp cận mạnh mẽ của ông sẽ đưa đến một thỏa thuận rới khỏi EU tốt hơn và sẽ làm hài lòng Quốc hội. Trước cuộc bỏ phiếu, ông nói sẽ không bao giờ chấp nhận một sự trì hoãn khác đối với thời hạn Brexit sau ngày 31/10.

“Quốc hội đang đứng trước bờ vực của sự phá hủy mọi thỏa thuận mà chúng ta có thể sử dụng để đàm phán ở Brussels”, Johnson nói. “Bởi vì dự luật của ngày mai sẽ trao quyền kiểm soát các cuộc đàm phán với EU (cho Quốc hội)”.

Hiện Chính phủ của Thủ tướng Johnson đang tìm cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu để phê chuẩn một cuộc bầu cử sớm, rất có thể là vào ngày 14/10. Theo đó để được phê chuẩn, Chính phủ cần phải giành được sự ủng hộ của hai phần ba Hạ viện bao gồm 650 ghế, nhưng trong bối cảnh hiện nay, không rõ liệu các đảng đối lập có ủng hộ một động thái như vậy hay không.

Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 đã cho thấy một Vương quốc Anh bị chia rẽ nhiều hơn so với Liên minh châu Âu. Nó cũng đã gây ra cuộc nội chiến bên trong cả hai đảng chính trị lớn nhất của Vương quốc Anh.

Đồng bảng Anh, vốn đã sụt giảm mạnh kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 và hiện đang rất nhạy cảm với triển vọng của một kịch bản Brexit không thỏa thuận, đã giảm xuống mức thấp nhất là 1,1959 USD/GBP, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016.

Những lo ngại về kịch bản Brexit không có thỏa thuận cũng đang gia tăng. Ủy ban châu Âu cho biết một kịch bản như vậy là “khả năng rất rõ ràng” và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng đó là kịch bản có khả năng nhất.

Trong một tài liệu mà Reuters nhìn thấy, Ủy ban châu Âu đã dự kiến các hỗ trợ sẽ được công bố vào thứ Tư nhằm trợ giúp tài chính cho các doanh nghiệp, công nhân và nông dân EU nếu Anh rời khỏi khối mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Những hỗ trợ này dựa trên quan điểm rằng một cuộc ly hôn không thỏa thuận sẽ “đánh” vào đến kinh tế Anh mạnh hơn so với EU.

Cơ quan thương mại UNCTAD của Liên Hợp quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Anh vào EU sẽ giảm 16 tỷ USD với kịch bản Brexit không thỏa thuận. Trong khi Ngân hàng đầu tư của Mỹ JPMorgan cho biết, một cuộc bầu cử sẽ khiến kịch bản Brexit không thỏa thuận hơn càng nhiều khả năng hơn.

Hoàng Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/brexit-va-trien-vong-kinh-te-anh-van-mo-mit-91784.html