Brian Moynihan - Người xoay chuyển BoA từ bờ vực
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đẩy nhiều ngân hàng lớn đứng bên bờ vực phá sản, thậm chí sụp đổ. Tuy không nằm trong số này, nhưng Bank of America (BoA) cũng bị sa sút vì vướng vào nhiều vụ kiện tụng, điều tra liên quan đến các khoản thế chấp và tiết lộ tài chính. Song có một người đã lặng lẽ xoay chuyển, 'hô biến' BoA thành 'Ngân hàng tốt nhất thế giới': CEO Brian Thomas Moynihan.
Nhiều ngờ vực
Moynihan đến Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1-2010, chỉ vài tuần sau khi đảm nhận công việc cao nhất tại BoA. Hàng loạt câu hỏi được đưa ra ngay khi ông ngồi ăn tối với khoảng 40 lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ, bao gồm cả người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Bộ trưởng Tài chính của Pháp. Nhiều khách mời đã đổ lỗi cho Phố Wall vì đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính 2 năm trước đó.
Họ muốn nghe lời giải thích. Moynihan là ông chủ ngân hàng Phố Wall duy nhất có mặt, nhưng ông không cố làm chệch hướng các chỉ trích. “Ông ấy chỉ nhận nó và đã trả lời các câu hỏi theo cách đã trở thành thương hiệu của ông là rõ ràng, không phô trương hay bình luận” - bà Anne Finucane, cựu CEO của BofA, người đi cùng ông Moynihan, nói.
Tính cách khiêm tốn của Moynihan đã giúp ông rất nhiều trong 12 năm điều hành BoA, trong giai đoạn các công ty Phố Wall thường bị phỉ báng vì lòng tham thái quá và không kiểm soát, dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008. Bất chấp một số sai lầm ban đầu, ông đã chèo lái ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia từ bờ vực sụp đổ đến đạt được lợi nhuận kỷ lục.
Không giống nhiều người đồng cấp của ông, những người thường được đưa lên trang nhất với các quan điểm hoặc hành động của họ, Moynihan đã giải quyết vấn đề phần lớn bằng các hoạt động phía sau sân khấu. “Tôi chỉ cố gắng hoàn thành công việc” - ông nói trong một cuộc phỏng vấn. Trái với các ông chủ ngân hàng thường ăn nói lưu loát, ông Moynihan nói nhỏ, và đôi khi lầm bầm.
Khi Moynihan tiếp quản vị trí CEO, BoA đã phải nhận 45 tỷ USD “ứng cứu” từ chính phủ, sau khi mua lại Merrill Lynch, gã khổng lồ ngân hàng đầu tư và Countrywide, từng là công ty cho vay thế chấp lớn nhất quốc gia. Ngân hàng phải gánh chịu khoản lỗ hàng chục tỷ USD liên quan đến việc đánh cược của Merrill vào các khoản thế chấp dưới chuẩn, khi bong bóng nhà đất vỡ vào năm 2008.
Hoạt động kinh doanh trên Phố Chính của ngân hàng này cũng sa sút do những người đi vay phải vật lộn để trả các khoản vay của họ. Người ta không biết liệu BoA có thể tồn tại, và càng không rõ liệu Moynihan, người hầu như chưa có tên tuổi gì lúc đó trong ngành ngân hàng, có thể xoay chuyển tình thế.
CEO của các CEO Trong vài năm đầu, có thể thấy rõ sự phẫn nộ của công chúng. Năm 2012, những người biểu tình đã cắt ngang lời Moynihan khi ông phát biểu tại một hội nghị, hô vang: “Hãy phá hủy BoA trước khi nó phá hủy nước Mỹ”. Cùng năm đó, các cổ đông đã chỉ trích ông tại cuộc họp thường niên của ngân hàng vì các hoạt động tịch thu tài sản. Các nhà lập pháp đã chất vấn ông về tiền lương của nhân viên ngân hàng. Ngay cả khi ngân hàng cố gắng sửa chữa khoản nợ thế chấp, vẫn có những sai lầm mới.
Năm 2011, phản ứng dữ dội với kế hoạch tính phí 5USD cho khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ của họ đã buộc ngân hàng phải loại bỏ kế hoạch. 3 năm sau, ngân hàng đã phóng đại vốn của mình lên 4 tỷ USD, do một lỗi kế toán, khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tạm thời ngăn BoA mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức. Trong thập niên hậu khủng hoảng, ngân hàng đã trả 76,1 tỷ USD tiền phạt - nhiều nhất so với bất kỳ công ty cho vay nào của Mỹ - theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.
Về sau, BoA đã trả lại khoản cứu trợ của chính phủ, đồng ý giải quyết vấn đề lạm dụng thế chấp và bắt đầu cắt giảm chi phí và cố gắng khôi phục danh tiếng của mình. Ngày nay, BoA có khoảng 67 triệu khách hàng, sử dụng hơn 208.000 công nhân viên và được coi là người hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Dưới sự điều hành của Moynihan, cổ phiếu ngân hàng đã tăng hơn gấp đôi. Năm ngoái, ngân hàng đã công bố kế hoạch nâng mức trả lương theo giờ cho người lao động lên 25USD vào năm 2025.
Danh tiếng của Moynihan cũng lên cao. Sau cuộc họp trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc tại Glasgow vào tháng 11-2021, Marc Benioff, người sáng lập Salesforce, đã gọi Moynihan là “CEO của các CEO”, bởi ông thường xuyên được mời đưa ra lời khuyên kinh tế cho các nhà lãnh đạo thế giới. Sự thay đổi này đã làm ngạc nhiên những người nghi ngờ, những người nói rằng ông Moynihan sẽ không chịu được sự phẫn nộ của công chúng, sự giám sát của chính phủ và tình trạng hỗn loạn tài chính từng bao vây công ty.
Mike Mayo, nhà phân tích kỳ cựu trong ngành ngân hàng tại Wells Fargo, cho biết: “Tôi là người chỉ trích gay gắt nhất, nói rằng anh ta nên bị sa thải. Những năm đầu tiên chỉ là “bán, bán, bán”, thật là một ngân hàng khủng khiếp”. Nhưng đến nay, Mayo lên tiếng khen ngợi Moynihan: “Phong thái cởi mở, khiêm tốn và hành động của ông ấy lớn hơn lời nói”.
Năm 2016, chính Mayo đã nâng cấp khuyến nghị của mình đối với cổ phiếu BoA. Cổ phiếu này hiện là lựa chọn hàng đầu của ông, phần lớn do Moynihan đã nỗ lực giảm cho vay rủi ro, giải quyết các vụ kiện và cắt giảm chi phí trong khi bổ sung tiền gửi và xây dựng các dịch vụ kỹ thuật số của ngân hàng.
Một trong những người ủng hộ ban đầu quan trọng nhất của ông Moynihan là tỷ phú Warren E. Buffett, người đã đầu tư 5 tỷ USD vào ngân hàng năm 2011, đặt cược rằng giám đốc điều hành có thể xoay chuyển công ty. “Tôi không sai về Brian” - ông Buffett nói. Theo Buffett, Moynihan có bản lĩnh và khả năng phán đoán hợp lý để tránh những “điều ngớ ngẩn” - như chấp nhận rủi ro quá mức - mà các chủ ngân hàng khác có thể làm.
Moynihan được dự báo có thể điều hành ngân hàng trong nhiều năm nữa. Nhiệm kỳ lâu dài của Moynihan không phải là hiếm ở Phố Wall, một phần vì các hội đồng quản trị ngân hàng đã coi trọng sự ổn định hơn. Năm ngoái, ông đã nhận được khoản trợ cấp cổ phiếu đặc biệt có trị giá 50 triệu USD nếu ông ở lại đến năm 2026, theo The Wall Street Journal.
Cuối năm 2004, Moynihan gia nhập BoA với tư cách là Chủ tịch quản lý tài sản và đầu tư toàn cầu, sau đó trở thành Giám đốc điều hành của BoA vào năm 2010.