BRICS cam kết tăng cường chủ nghĩa đa phương
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bởi sự phân cực và chia rẽ, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS-gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), tuy là một diễn đàn kết nối hợp tác kinh tế, thương mại, nhưng đã góp phần thúc đẩy các mục tiêu chung của thế giới, bao gồm tăng cường chủ nghĩa đa phương, duy trì hòa bình và ổn định thế giới.
Diễn ra trong hai ngày 13 và 14-11, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 tại thủ đô Brasilia của Brazil, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo các quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới, như: Tổng thống Nga Vladirmir Putin, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, cho thấy đây là một diễn đàn có vai trò đáng kể trong việc đối phó với những thách thức chung toàn cầu.
Tuyên bố chung của Hội nghị BRICS cam kết tiếp tục tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các nhà nước có chủ quyền nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới. Trong đó, các nước BRICS cũng nhấn mạnh quyết tâm hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua những thách thức quan trọng mà chủ nghĩa đa phương đang phải đối mặt, cũng như giữ vững vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong các vấn đề quốc tế. BRICS cho rằng cần phải nỗ lực để xây dựng một trật tự quốc tế đa cực công bằng hơn, công minh hơn và mang tính đại diện hơn.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới cũng cho rằng các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần phải tránh các biện pháp đơn phương và bảo hộ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Theo BRICS, những căng thẳng thương mại, biến động chính trị đã gây ảnh hưởng tới niềm tin, thương mại, đầu tư, tốc độ tăng trưởng và vì vậy, cần phải có các biện pháp để tạo dựng môi trường kinh doanh, thương mại công bằng và không có sự phân biệt đối xử.
Tại diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị, với sự có mặt của hơn 500 doanh nghiệp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang khiến hoạt động thương mại và đầu tư gặp nhiều rủi ro hơn và có thể làm giảm tốc tộ tăng trưởng kinh tế thế giới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga kêu gọi tìm kiếm các cơ chế hội tụ nhiều hơn để bảo đảm việc mở rộng trao đổi thương mại trong nhóm BRICS, cũng như đề xuất những hướng đi mới để thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Tổng thống nước chủ nhà Jair Bolsonaro cho biết, việc kim ngạch trao đổi thương mại giữa các nước thành viên BRICS vượt ngưỡng 10 tỷ USD trong năm ngoái cho thấy các bên đã sẵn sàng để xích lại gần nhau hơn. Các doanh nghiệp BRICS nhất trí cho rằng việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NBD) của khối sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai với việc có thể thực hiện các giao dịch bằng đồng nội tệ của các nước thành viên BRICS.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo các nước BRICS cũng bày tỏ cam kết vì sự thành công của Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP25), sẽ được tổ chức tại Tây Ban Nha vào tháng 12 tới sau khi Chile rút lui không tổ chức, đặc biệt liên quan đến việc đạt được kết quả cân bằng và toàn diện về tất cả các vấn đề nổi bật trong chương trình làm việc của Thỏa thuận Paris.
BRICS cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ và tái khẳng định nhu cầu hoạt động khám phá và sử dụng không gian bên ngoài cho mục đích hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ. Các nước thành viên nhấn mạnh, nhu cầu cấp thiết để đàm phán một công cụ đa phương ràng buộc về mặt pháp lý có thể lấp đầy khoảng trống trong các cơ chế pháp lý quốc tế áp dụng cho không gian bên ngoài, bao gồm cả việc ngăn chặn triển khai vũ khí ngoài vũ trụ.
Chức chủ tịch luân phiên sắp tới của BRICS sẽ do Nga đảm nhiệm, hứa hẹn sẽ có thêm những bước tiến mới như xây dựng nhóm BRICS mạnh mẽ hơn với những thỏa thuận hợp tác cụ thể.