BRICS - đối trọng của trật tự kinh tế cũ?

Các nước BRICS có tiềm năng thay đổi trật tự thế giới hiện tại và biến liên minh của họ thành một đối trọng với G7, đồng thời là một lựa chọn thay thế cho IMF trên vũ đài toàn cầu, chuyên gia Anthony Rowley nhận định trong bài viết của mình trên tờ South China Morning Post.

Nguồn: Photo Stock

Nguồn: Photo Stock

Các quốc gia BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hiện đang bận rộn xây dựng một ngôi nhà lớn hơn, với “quy mô gia đình” của họ có vẻ sẽ tăng lên đáng kể. Nhưng quy mô không quan trọng bằng các lĩnh vực đa dạng mà ảnh hưởng của các thành viên BRICS thể hiện. Một số người cho rằng khối này đang xây dựng vai trò lớn hơn trong việc cải cách hệ thống tài chính và kinh tế quốc tế cũng như bảo đảm tiếng nói lớn hơn và bỏ phiếu cho các quốc gia đang phát triển tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). BRICS cũng đã ra mắt Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và các thành viên đang thúc đẩy các thỏa thuận dự trữ và tiền tệ mới.

Sức hút không thể phủ nhận của BRICS

Hơn 40 quốc gia đã chính thức đăng ký hoặc bày tỏ mong muốn tham gia BRICS. Theo Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Naledi Pandor, tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 sẽ diễn ra vào ngày 22 - 24.8 tại Johannesburg và do Nam Phi chủ trì, các nhà lãnh đạo của các nước BRICS sẽ thảo luận về khả năng mở rộng nhóm này. Theo bà Naledi Pandor, 23 quốc gia, trong đó có tên tuổi đáng kể bao gồm Ảrập Xêút, Iran, Argentina, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Indonesia, đã nộp đơn chính thức xin gia nhập BRICS.

Ban đầu, BRICS tỏ ra quá đa dạng về kinh tế và phân tán về mặt địa lý nên không thể phát huy hiệu quả khi nó ra đời với tư cách là nhóm BRIC vào năm 2006, thời điểm chưa có Nam Phi. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này dường như đã giúp BRICS hướng tới một viễn cảnh toàn cầu rộng khắp hơn so với các nhóm khu vực khác.

Sự thật này đang bị các nhà bình luận bỏ qua trong thời gian Nam Phi đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh BRICS hàng năm lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Johannesburg sắp tới. Báo giới có vẻ chỉ chú ý đến quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin không trực tiếp tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý rằng, sự hiện diện hay không của Tổng thống Putin, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine, không phải là tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh, mà là cách các quốc gia quan tâm những động thái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị.

Một trong những lý do khiến rất nhiều nền kinh tế mới nổi cân nhắc trở thành thành viên của BRICS hiện nay là vì họ đã quá mệt mỏi với việc bị thuyết phục phải đứng về phía nào trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như trong cuộc chiến giữa Nga - Ukraine mà đằng sau đó là Nga - phương Tây.

Trong bối cảnh đó, BRICS là một lực lượng thu hút tự nhiên vì trọng tâm chính của tổ chức này là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, một số người cho rằng những nguyên tắc này hiện đang gặp nguy hiểm do cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ngay cả khi BRICS với tư cách là một lực lượng cân bằng trong các vấn đề thế giới đang có sức hút ở mức cao nhất mọi thời đại.

Đối trọng với G7

Một chuyên gia của Atlantic Council nhận định, BRICS “có thể phát triển để trở thành đối trọng của Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) trong các vấn đề thế giới, dẫn đến tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế”. Điều này là tích cực hay tiêu cực đối với thế giới phụ thuộc vào cách tiếp cận của Trung Quốc hay Ấn Độ chiếm ưu thế ở trong BRICS.

Chuyên gia này cho biết, Ấn Độ “đã cố gắng tiết chế lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm biến nhóm BRICS thành một tổ chức hỗ trợ cho chương trình nghị sự địa chính trị của Trung Quốc, chẳng hạn như thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường hay Sáng kiến Phát triển Toàn cầu của Bắc Kinh.

Thay vào đó, New Delhi đã cố gắng tập trung sự chú ý của nhóm BRICS vào “các dự án hợp tác tài chính và kinh tế Nam - Nam; các sáng kiến nhằm giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào hệ thống thanh toán và tài chính quốc tế dựa trên đồng đô la Mỹ; cũng như cải cách các tổ chức tài chính quốc tế để mang lại cho các nước đang phát triển nhiều tiếng nói và đại diện hơn”.

NDB - lựa chọn thay thế cho IMF của các nước đang phát triển?

Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới cũng sẽ chứng kiến sự hiện diện của cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, người vừa được bầu làm chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) vào tháng 3 năm nay. Ngân hàng NDB được các quốc gia thuộc nhóm BRICS thành lập nhằm mục tiêu tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và dự án phát triển bền vững ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển”. Ngân hàng này trước đây đã nhận được xếp hạng tín nhiệm quốc tế "АА+" từ Fitch Ratings và S&P Global Ratings, cho phép họ thu hút hiệu quả nguồn vốn dài hạn trên thị trường vốn quốc tế và địa phương.

Kể từ khi thành lập, NDB đã phê duyệt 98 dự án trị giá khoảng 33,2 tỷ USD, hỗ trợ các lĩnh vực như giao thông, nước, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật số, cũng như xây dựng đô thị.

Ngân hàng NDB đã bắt đầu mở rộng thành viên vào năm 2021, bằng cách chấp nhận đơn gia nhập của Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Uruguay và Ai Cập.

Bà Rousseff đã nhấn mạnh rằng, NDB đang hướng tới mục tiêu cung cấp 30% nguồn tài chính bằng đồng nội tệ của các nước thành viên, điều này phù hợp với mục đích giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la - một mục tiêu được cả Trung Quốc và Ấn Độ chia sẻ.

Sự hiện diện của bà Rousseff tại hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ tạo ra một tâm điểm chú ý xung quanh đó các quốc gia sáng lập BRICS có thể đoàn kết bằng cách nhấn mạnh các ưu tiên đa phương của mình.

Vào năm 2015 khi NDB được thành lập, BRICS đã đưa ra Thỏa thuận dự trữ dự phòng trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ các thành viên trong trường hợp gặp vấn đề về cán cân thanh toán, có khả năng cung cấp cho các thành viên BRICS một nguồn tài chính thay thế cho IMF.

Thậm chí trước đó, vào năm 2010, nhóm đã đưa ra một cơ chế hợp tác liên ngân hàng để tạo điều kiện thanh toán và thanh toán xuyên biên giới giữa các ngân hàng ở các quốc gia thành viên bằng đồng nội tệ. Việc liên kết các hệ thống thanh toán quốc gia của họ cũng đang được một số quốc gia thành viên khám phá.

Từ khóa BRIC xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2001 khi nhà kinh tế Jim O'Neil của Goldman Sachs đề xuất từ viết tắt để mô tả bốn thị trường mới nổi chính bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (thời điểm chưa có Nam Phi). Nhưng không ai vào thời điểm đó có thể nghĩ rằng, khối kinh tế này hiện nay có thể chiếm hơn một phần tư GDP toàn cầu, và càng không thể nghĩ tới việc họ đang trở thành một đối trọng với trật tự kinh tế đã được thiết lập.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/brics-doi-trong-cua-trat-tu-kinh-te-cu--i340510/