BRICS - Động lực cho tăng trưởng toàn cầu

Dự kiến sự kiện quốc tế tuần tới (từ ngày 11 đến 17-11)

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 11 đã diễn ra tại thủ đô Brasilia của Brazil trong hai ngày 13 và 14-11. Với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế mở ra tương lai sáng tạo”, hội nghị năm nay tập trung thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư nội khối khi nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 diễn ra trong bối cảnh trật tự kinh tế toàn cầu đầy biến động, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc đang xảy ra căng thẳng thương mại, cùng với các chính sách đối ngoại khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm tổn thương tất cả các thành viên của BRICS, trước hết là Trung Quốc. Bởi 5 nước BRICS chiếm khoảng 23% GDP toàn cầu, riêng nền kinh tế Trung Quốc chiếm tới 15% (gấp 5 lần Ấn Độ), cả hai nước Brazil và Nam Phi chiếm hơn 2,8%, trong khi Nga chỉ chiếm 1,7%.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh căng thẳng thương mại thì Trung Quốc có thể mất nhiều hơn về ngắn hạn, nhưng lâu dài nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có khả năng phục hồi, còn Mỹ sẽ phải chịu hậu quả khó lường hơn.

Nói cách khác, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đi xa hơn và phá vỡ trực tiếp chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự leo thang này sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước mà Trung Quốc đang hợp tác đầu tư, nhất là khối BRICS.

Do đó, ngay trước thềm hội nghị, phía Trung Quốc hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này sẽ phát đi thông điệp ủng hộ chủ nghĩa đa phương - điều mà Tổng thống D.Trump luôn hoài nghi.

Không nằm ngoài kỳ vọng, tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS - sự kiện nổi bật nhất trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang khiến hoạt động thương mại và đầu tư gặp nhiều rủi ro hơn, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga kêu gọi tìm kiếm các cơ chế hội tụ nhiều hơn để bảo đảm việc mở rộng trao đổi thương mại trong nhóm BRICS, cũng như đề xuất những hướng đi mới thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện doanh nghiệp của 5 nước thành viên BRICS đã đề xuất một loạt biện pháp để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các bên như tăng cường kết nối, thiết lập tiêu chuẩn quản trị chung trong các lĩnh vực sản xuất, giảm rào cản và thuận lợi hóa thương mại.

Các doanh nghiệp nhất trí cho rằng, việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NBD) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai với việc có thể thực hiện các giao dịch bằng đồng nội tệ của các nước thành viên BRICS.

BRICS chiếm khoảng 42% dân số, 18% thương mại toàn cầu và 30% lãnh thổ thế giới. Dù từng có những quan ngại về vị thế và tương lai của tổ chức này, nhưng sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Tổng thống V.Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Brasilia cho thấy vai trò hết sức quan trọng của BRICS trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều biến động như hiện nay.

Hơn một thập niên qua, BRICS đã, đang phát huy vai trò trong các vấn đề quốc tế và khu vực. BRICS là lực lượng quan trọng trong xây dựng kinh tế, bảo vệ trật tự cũng như thúc đẩy sự thay đổi trong quản trị toàn cầu.

Thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức chưa từng có, trong đó chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy mạnh mẽ phủ bóng đen lên phồn vinh và sự ổn định của thế giới. Trong bối cảnh đó, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới trở thành điểm sáng, được cộng đồng quốc tế kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/950421/brics---dong-luc-cho-tang-truong-toan-cau