BRICS hướng tới đồng tiền chung
Trước việc Mỹ cùng đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề đối với Nga, gia tăng bao vây, cô lập Trung Quốc…, các thành viên chủ chốt của BRICS đang cân nhắc thiết lập một loại tiền tệ chung cho khối này.
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg cuối tháng 8, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva kêu gọi các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi; vừa đồng ý kết nạp thêm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ảrập Xêút và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất - UAE) tạo ra một loại tiền tệ chung cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên với nhau, giảm bớt khả năng bị tổn thương trước những biến động của tỷ giá hối đoái đô la Mỹ. Tổng thống Brazil cho rằng, đồng tiền BRICS sẽ “tăng các lựa chọn thanh toán của chúng ta và giảm thiểu các lỗ hổng liên quan”, Reuters đưa tin.
Trung Quốc chưa bình luận về ý tưởng này. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu rằng, sẽ thúc đẩy “cải cách hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế”. Trước khi dự họp online, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hội nghị thượng đỉnh sẽ thảo luận về việc chuyển đổi thương mại giữa các nước thành viên BRICS từ đồng đô la Mỹ sang tiền tệ quốc gia.
Mục đích
Hệ thống tiền tệ xưa nay do đồng đô la Mỹ thống trị, chi phối. Hiện tại, đô la Mỹ được sử dụng trong hơn 74% tổng số giao dịch thương mại quốc tế, 90% giao dịch tiền tệ, gần 100% giao dịch dầu mỏ và gần 60% tổng dự trữ ngoại tệ do các ngân hàng trung ương nắm giữ, theo Investing News. Dù tỷ trọng đồng tiền dự trữ của USD đã giảm khi đồng euro và đồng nhân dân tệ trở nên phổ biến, nhưng USD vẫn là đồng tiền dự trữ được sử dụng rộng rãi nhất, tiếp theo là euro, yên, bảng Anh và nhân dân tệ.
Mấy năm gần đây nổi lên nhiều thách thức tài chính toàn cầu (sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ, FED tăng lãi suất liên tục, lạm phát tăng mạnh ở nhiều nước, nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Đức…). Cùng với đó, chính sách đối ngoại của Mỹ mang tính diều hâu hơn (gia tăng cấm vận Nga, Iran, Triều Tiên…; đe dọa trừng phạt một số nước khác; bao vây, cô lập Trung Quốc…).
Vì thế, đồng tiền mới của BRICS sẽ tạo điều kiện cho 5 nước sáng lập và những nước khác tham gia duy trì và gia tăng sự độc lập kinh tế của họ, bảo đảm tốt hơn các lợi ích kinh tế của họ, giảm phụ thuộc vào USD và euro. Đồng tiền BRICS cũng có khả năng cạnh tranh với hệ thống tài chính quốc tế hiện nay, nếu khối này thu hút thêm nhiều nước tham gia, giới quan sát nhận định.
Theo giới quan sát, trong số 5 nước BRICS hiện nay, Nga muốn thúc đẩy việc thiết lập đồng tiền chung nhất, theo sau là Trung Quốc. Lý do là Nga bị Mỹ cùng đồng minh cấm vận càng lúc càng nhiều vì xung đột với Ukraine và Trung Quốc bị Mỹ cùng đồng minh gia tăng bao vây, cô lập nhiều mặt, thể hiện qua chiến tranh thương mại, hạn chế xuất khẩu liên quan khoa học-công nghệ (đặc biệt là bán dẫn, chip đời mới, thiết bị sản xuất chip).
Đồng tiền mới sẽ tập trung tận dụng các lợi thế về công nghệ, về tiến bộ khoa học công nghệ, như công nghệ chuỗi khối (blockchain), tiền kỹ thuật số, hợp đồng thông minh… Nếu BRICS làm tốt được điều này, đồng tiền mới có thể tạo ra cuộc cách mạng trong hệ thống tài chính toàn cầu, nhiều nhà phân tích nhận định.
Nhân dân tệ đã thay thế USD trong giao dịch ở Nga. Hồi tháng 2, lần đầu tiên, nhân dân tệ vượt USD trong khối lượng giao dịch trong một tháng.
Đồng tiền mới có thể neo với vàng vì Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil sở hữu lượng vàng lớn thứ 5-6-9-31-130 thế giới, theo Fortune India. Tính đến đầu tháng 5, tổng lượng vàng nắm giữ của ngân hàng trung ương của các quốc gia BRICS chiếm hơn 15% tổng lượng vàng nắm giữ tại các ngân hàng trung ương trên thế giới. Theo báo chí Ấn Độ, Nga hiện có hơn 2.376 tấn vàng, Trung Quốc hơn 2.068 tấn, Ấn Độ gần 795 tấn, Brazil gần 130 tấn và Nam Phi hơn 125 tấn. Theo nghiên cứu của công ty Mỹ Madison Trust, Nga có 2.299 tấn vàng dự trữ, Trung Quốc 1.948 tấn, Ấn Độ 785 tấn.
Đồng tiền mới BRICS có thể neo với vàng và/hoặc neo với một hàng hóa nào đó như dầu mỏ, đất hiếm. Cuối tháng 3, bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Nga ở New Delhi, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Alexander Babakov nói rằng, đồng tiền BRICS mới có thể được hỗ trợ bởi các tài sản như vàng, đất hiếm…
Xúc tiến
Tại Thượng đỉnh BRICS 14 (được tổ chức vào tháng 6/2022 ở Trung Quốc), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các nước BRICS có kế hoạch phát hành đồng tiền dự trữ toàn cầu mới và sẵn sàng làm việc linh hoạt với tất cả đối tác thiện chí của khối.
Tháng 4/2024 tại Trung Quốc, trong chuyến thăm trụ sở Ngân hàng Phát triển mới (một ngân hàng đầu tư đa quốc gia do BRICS thành lập năm 2015, trụ sở ở Thượng Hải), Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố ủng hộ thiết lập đồng tiền chung BRICS. Ông nói: “Tại sao một tổ chức như ngân hàng BRICS (tức Ngân hàng Phát triển mới) không thể có một loại tiền tệ để thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa Brazil và Trung Quốc, giữa Brazil và tất cả các quốc gia khác trong BRICS? Ai đã quyết định rằng đồng đô la Mỹ là tiền tệ (giao dịch) sau khi thời kỳ bản vị vàng kết thúc?”.
Đang có thêm nhiều nước cân nhắc trở thành thành viên mới của BRICS. Hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS, trong đó có 22 nước đã chính thức đề nghị, The Independent đưa tin ngày 28/8. Hồi tháng 4, ông Anil Sooklal, Đại sứ Nam Phi tại BRICS, nói rằng: “Mười ba quốc gia đã chính thức xin gia nhập BRICS và sáu quốc gia khác đã không chính thức xin tham gia. Chúng tôi đang nhận được đơn đăng ký tham gia mỗi ngày”, ông Sooklal nói. Những nước này thường có nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú và/hoặc có vị trí địa chiến lược quan trọng.
Tác động
Theo các chuyên gia, nếu đồng tiền chung của BRICS ra đời, nó sẽ giúp giao dịch xuyên biên giới thông suốt hơn, hiệu quả hơn, tăng độ bao trùm tài chính trong và ngoài khu vực, từ đó thúc đẩy thương mại và hội nhập kinh tế giữa các nước BRICS với nhau và giữa BRICS với các nước ngoài khối này. Đồng thời, góp phần làm giảm vị thế của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng nghĩa giảm phụ thuộc vào USD và góp phần giảm ảnh hưởng của Mỹ nói chung trên vũ đài toàn cầu. Ngoài ra, giúp giảm các nguy cơ liên quan sự biến động, bất ổn toàn cầu do các biện pháp đơn phương.
Tuy nhiên, nhiều quan chức và nhà kinh tế đã chỉ ra những khó khăn liên quan đến một dự án như vậy, do sự chênh lệch về kinh tế, chính trị và địa lý giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Các nước BRICS (và ngoài BRICS tham gia đồng tiền chung) có trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau nên sẽ có sự lệch pha, đồng nghĩa có sự chênh lệch về quyền lợi, nghĩa vụ, dẫn tới vấn đề về tính thống nhất và vai trò trung tâm.
Trong khi đó, xung đột với Ukraine và hậu quả cấm vận sẽ tiếp tục làm suy yếu kinh tế Nga và giá trị của đồng rúp, trong khi Trung Quốc đang có ý định nâng cao sức mạnh của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế. Nếu đồng tiền mới của BRICS được phát hành thành công và có vị thế nhất định, nhiều nước khác có thể theo gương, thành lập các liên minh để phát triển các đồng tiền chung của khu vực.
Cụ thể, nếu đồng tiền BRICS ổn định và phát triển, nó sẽ làm suy yếu sức mạnh của các giao dịch Mỹ, dẫn tới giá USD giảm. Giá USD giảm mạnh có thể gây ra khủng hoảng kinh tế ở Mỹ. Nếu đồng BRICS đủ mạnh, nó sẽ tác động lớn tới kinh tế Bắc Mỹ và các nhà đầu tư hoạt động ở đó. Những lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm: dầu khí, tài chính-ngân hàng, hàng hóa, thương mại quốc tế, công nghệ, du lịch-lữ hành, thị trường ngoại hối, theo Business Insider. Đồng BRICS sẽ thúc đẩy xu hướng chống đô la hóa ở nhiều nước trên thế giới…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/brics-huong-toi-dong-tien-chung-post1564899.tpo