BRICS khó làm nên chuyện trước phương Tây tại thượng đỉnh sắp tới?

Mâu thuẫn lợi ích, khó khăn chống chất đang cản trở tham vọng nâng tầm ảnh hưởng BRICS của các thành viên khối.

Tuần tới, các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ tham dự thượng đỉnh tại Johannesburg.

Chắc chắn, cả Nga và Trung Quốc đều mong muốn thổi làn gió mới vào BRICS, biến khối này trở thành đối trọng lớn nhất với Mỹ và phương Tây.

Khối đã thu hút sự quan tâm của toàn cầu khi có đến 40 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập. Sự kiện lớn nhất của tổ chức này vào tuần tới sẽ có sự tham gia của hơn 67 nhà lãnh đạo trên thế giới.

Sarang Shidore, Giám đốc Chương trình Nam Bán cầu tại Viện nghiên cứu Quincy Institute cho biết: “Các quốc gia Nam bán cầu chắc chắn rất muốn thấy các cường quốc và nước đang phát triển làm cách nào để giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây, nhất là thế lực lớn này đang có chính sách tăng lãi suất mạnh, bất chấp khó khăn do đại dịch và xung đột Nga-Ukraine”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS lần thứ 7 tại Ufa, Nga, vào ngày 9/7/ 2015. Nguồn: Foreign Policy

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS lần thứ 7 tại Ufa, Nga, vào ngày 9/7/ 2015. Nguồn: Foreign Policy

Còn theo Rebecca Ray, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, BRICS đáp ứng được mong muốn của nhiều quốc gia mà không bất kỳ tổ chức nào làm được. Do vậy, nhiều quốc gia thậm chí không nộp đơn thành viên cũng tham dự thượng đỉnh ở Johannesburg.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng của nhiều nước, mọi thứ đang khá mơ hồ khi có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh, như việc mở rộng thành viên hay xung đột lợi ích trong nội bộ BRICS.

Trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đang mâu thuẫn chồng chất, Nam Phi và Brazil không thể giúp Nga nhiều do các vấn đề liên quan đến ngoại giao. Bên cạnh đó, việc tất cả thành viên đang đối mặt với thách thức kinh tế khiến cho tham vọng cạnh tranh tầm ảnh hưởng của khối này với G7 khó khăn hơn bao giờ hết.

Oliver Stuenkel, giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế tại Fundação Getulio Vargas, Brazil cho biết mặc dù BRICS nâng tầm các thành viên trong cuộc chiến với phương Tây, khối các nước này khó đảm bảo đủ nguồn lực cho cuộc chiến đường dài với thế lực kinh tế lớn nhất thế giới hiện tại là G7.

Với Nga, hội nghị thượng đỉnh BRICS là cơ hội để chứng minh siêu cường này hoàn toàn “sống khỏe” dù phương Tây có nỗ lực cô lập bằng bất kỳ biện pháp nào. Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự trực tiếp lại đang là dấu hỏi lớn, do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đang có lệnh bắt giữ ông liên quan đến xung đột ở Ukraine. Với tư cách là một thành viên của ICC, Nam Phi sẽ buộc phải có nghĩa vụ phải tôn trọng lệnh bắt giữ này.

Trong khi đó, việc mở rộng BRICS nhằm thúc đẩy tầm ảnh tại bán cầu Nam của Trung Quốc đang gặp khó khăn khi nhiều thành viên khác phản đối, do e ngại trước sức mạnh của phương Tây.

Ông Stuenkel cho biết: “ Hình như Trung Quốc không lo lắng chút nào về việc gây ra rủi ro giảm sút chất lượng của BRICS nếu kết nạp nhiều thành viên hơn. Siêu cường này đang làm mọi cách để khẳng định vị thế bá chủ của mình tại khu vực Nam bán cầu, giống bất kỳ dự án khác như: Sáng kiến Vành đai và Con đường; Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á và ngân hàng BRICS”.

Cũng theo chuyên gia này, Bắc Kinh đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng thêm thành viên, các thành viên BRICS khác là Ấn Độ và Brazil lo ngại về tầm ảnh hưởng của mình trong nhóm sẽ bị sụt giảm do một loạt quốc gia khác tham gia.

Bên cạnh đó, đề xuất về phát triển đồng tiền chung BRICS nhằm cạnh tranh với USD đang vấp phải sự hoài nghi đến từ nhiều chuyên gia khác nhau. Nhà kinh tế Jim O'Neill cho rằng ý tưởng về một đồng tiền chung BRICS thực sự không hợp lý.

Theo John Peter Pham, một cựu phái viên ngoại giao của Mỹ tại các khu vực châu Phi, sự khác biệt về lợi ích và quỹ đạo phát triển của các quốc gia sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất đồng tiền chung”.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có đồng tiền chung, Bắc Kinh tận dụng BRICS để thúc đẩy nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Minh chứng rõ ràng nhất là việc ngày càng nhiều quốc gia như Brazil và Argentina sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại để đối phó với tình trạng thiếu USD.

Tất nhiên, các quốc gia sẽ thúc đẩy sử dụng đồng tiền chung tại Johannesburg hoặc thậm chí là sau đó nhằm đối phó với USD, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra.

Daniel McDowell, chuyên gia về kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Syracuse, cho biết việc thảo luận về đồng tiền chung BRICS thực sự phản ánh mong muốn của một bộ phận quốc gia trong việc có loại tiền tệ đủ sức đối chọi với USD, nhưng điều này sẽ rất khó để thực hiện.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/brics-kho-lam-nen-chuyen-truoc-phuong-tay-tai-thuong-dinh-sap-toi.html