BRICS: Nga 'mở rộng cửa đón người cùng chí hướng', 4 quốc gia khác tiếp tục chờ, Trung Quốc lên tiếng về cơ chế mở rộng mới
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ca ngợi cơ chế đối tác quốc gia BRICS là 'một cột mốc quan trọng khác', nâng cao vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, khi Điện Kremlin công bố thêm 9 quốc gia trở thành đối tác BRICS.
Việc bổ sung các quốc gia đối tác BRICS là một sự kiện mang tính bước ngoặt khác, sau sự kiện mở rộng tư cách thành viên BRICS (tháng 1/2024). Sự kiện này đã khẳng định khả năng “củng cố hợp tác rộng lớn hơn của nhóm BRICS", đồng thời cho thấy “sự trỗi dậy tập thể của Nam Bán cầu trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay”, theo quan điểm của các chuyên gia Trung Quốc mà tờ Global Times tiếp cận và phỏng vấn.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã ca ngợi cơ chế quốc gia đối tác BRICS là "một cột mốc quan trọng khác" trong quá trình phát triển BRICS, sau khi trợ lý Điện Kremlin Yury Ushakov (ngày 23/12) cho biết, Moscow đã nhận được xác nhận từ một số quốc gia rằng - họ đã sẵn sàng trở thành đối tác của BRICS, điều đó có nghĩa là các quốc gia đối tác sẽ được cấp quy chế đối tác BRICS kể từ ngày 1/1/2025.
Ngoài ra, theo kỳ vọng từ các chuyên gia và truyền thông Trung Quốc, dự kiến vào năm 2025, cơ chế BRICS sẽ được xây dựng tốt hơn và nội dung phong phú hơn, đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy hơn nữa thế giới đa cực, bình đẳng và có trật tự cũng như toàn cầu hóa kinh tế toàn diện mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Luôn “mở cửa” đón người cùng chí hướng
Quy chế "quốc gia đối tác" mới đã được phê duyệt tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10, do Nga tổ chức tại Kazan. Quy chế này quy định việc tham gia thường xuyên của các đối tác vào các phiên họp đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh BRICS và các cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao, cũng như các sự kiện cấp cao khác. Các quốc gia đối tác cũng có thể đóng góp vào các tài liệu kết quả của nhóm, RT của Nga đưa tin.
Trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov đã chính thức xác nhận 9 quốc gia sẽ chính thức gia nhập BRICS với tư cách là các quốc gia đối tác vào ngày 1/1/2025 và BRICS tiếp tục “mở cửa” cho các đối tác có cùng chí hướng.
“Tính đến thời điểm này, Nga đã nhận được xác nhận sẵn sàng trở thành quốc gia đối tác BRICS từ Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan. Từ ngày 1/1/2025, họ sẽ chính thức nhận được quy chế là quốc gia đối tác BRICS... Nhưng chúng tôi hy vọng, trong tương lai gần sẽ có thêm phản hồi từ 4 quốc gia khác nữa - những quốc gia mà chúng tôi cũng đã gửi lời mời", ông Ushakov nói với các hãng truyền thông, Tass đưa tin.
Trợ lý Điện Kremlin cũng cho biết thêm, hơn 20 quốc gia, ngoài các quốc gia đối tác được lựa chọn, đang thể hiện sự quan tâm đến một cuộc đối thoại với nhóm BRICS, Tass cho biết trong một báo cáo.
Bình luận về xác nhận của phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, "Hồi tháng 10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan và đạt được sự đồng thuận quan trọng với các nhà lãnh đạo của các quốc gia BRICS khác về việc thành lập một cơ chế quốc gia đối tác, đây là một cột mốc khác trong quá trình phát triển BRICS sau sự mở rộng thành viên mang tính lịch sử".
Sau hội nghị thượng đỉnh này, Trung Quốc đã tích cực làm việc với Nga - quốc gia chủ tịch BRICS và các quốc gia BRICS khác, về mục tiêu triển khai cơ chế này. Bà Mao Ninh xác nhận thông tin về 9 quốc gia đối tác BRICS mới và cho biết thêm về quan điển của Bắc Kinh rằng, "cùng với việc các quốc gia đối tác tham gia vào gia đình BRICS, hợp tác BRICS đã được nâng lên một tầm cao mới - đưa cơ chế BRICS có tính đại diện lớn hơn, đồng thời chứng kiến sức hấp dẫn và ảnh hưởng ngày càng tăng, trở thành nền tảng chính để thúc đẩy tình đoàn kết và hợp tác giữa các nước Nam Bán cầu".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các thành viên BRIC và các nước đối tác khác để theo đuổi tinh thần cởi mở, bao trùm và hợp tác cùng có lợi, mở rộng hợp tác thực tế trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy mở rộng hơn sự phát triển chất lượng cao của hợp tác BRICS, xây dựng nên một cộng đồng chung tương lai cho nhân loại.
Giám đốc Viện các nước đang phát triển Wang Youming, tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, phân tích thêm, 9 quốc gia, từ châu Âu, Á, Phi và Mỹ Latinh - đại diện rộng hơn cho các khu vực trên thế giới và nới rộng “vòng tay bạn bè”, sẽ giúp các nước Nam bán cầu cùng nhau nâng cao vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế.
GS. Wang cũng nhận định, việc 9 quốc gia đối tác gia nhập thành công vào gia đình BRICS cũng cho thấy ứng dụng thành công cơ chế "BRICS+" do Trung Quốc đề xuất trong quá trình phát triển nhóm.
Vai trò của Trung Quốc trong sự phát triển của BRICS?
Trong khi đó, nhìn nhận vấn đề ở một góc khác, Giáo sư Wang Yiwei tại Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, sự phổ biến ngày càng tăng của BRICS và sự trỗi dậy tập thể của Nam bán cầu đang diễn ra, làm nổi bật nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi về một trật tự thế giới công bằng hơn và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.
Chuyên gia Wang lưu ý rằng, hiện chủ nghĩa dân túy đang thịnh hành ở một số nước phương Tây và họ ngày càng trốn tránh trách nhiệm của mình trong các vấn đề quốc tế, hạn chế thực hiện các cam kết. Mặt khác, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt đối với Nga đã khiến nhiều quốc gia nhận ra rằng, thứ cuối cùng họ có thể phải nhận là vũ khí và logic cơ bản đằng sau nó là bạo lực và không có thiện chí.
Không giống như một số nhóm do phương Tây thành lập, BRICS được thành lập mà không nhấn mạnh vào đối đầu về ý thức hệ, thay vào đó, lời kêu gọi của Nam Bán cầu cho thấy mục tiêu về tính bao trùm, phát triển chung và hợp tác cùng có lợi, GS. Wang Youming cho biết.
Theo cách tiếp cận không đối đầu, bao trùm và cởi mở của BRICS, không có áp lực nào buộc các nước Nam Bán cầu phải đứng về phe nào. Chẳng hạn, Quy định của Ngân hàng Phát triển Mới (trước đây gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS) cho biết rõ, các thành viên BRICS có cổ phần và quyền biểu quyết ngang nhau, bất kể sự khác biệt về trọng lượng kinh tế của họ.
Tổng kết năm 2024, thế giới đã được chứng nhiều đột phá và thành tựu lớn của BRICS. Nhưng theo GS. Wang Youming, trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, sự trỗi dậy và phát triển của BRICS có triển vọng thay đổi cục diện thế giới, nhưng có thể chưa được đánh giá cao, thậm chí bị bỏ qua.
Thực tế, trong 18 năm kể từ khi thành lập, BRICS đã tiếp tục phát triển và lớn mạnh, chiếm gần một nửa dân số thế giới, hơn 30% trọng lượng kinh tế thế giới và đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng kinh tế thế giới. Không chỉ chào đón các thành viên mới trong những lần mở rộng mang tính lịch sử, năm 2024, ít nhất 34 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm muốn tham gia BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại cuộc họp cấp cao BRICS vào đầu tháng 9. Các quốc gia trong danh sách chờ thậm chí có cả Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO.
Brazil sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch BRICS 2025 vào ngày 1/1. Được biết, phương châm cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo tại Brazil sẽ là "Tăng cường hợp tác ở Nam bán cầu để quản trị toàn diện và bền vững hơn".
GS. Wang Youming của Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Wang Youming kỳ vọng, sẽ có nhiều dấu ấn nổi bật hơn, cơ chế BRICS sẽ được xây dựng tốt hơn với nội dung phong phú hơn, trong hợp tác BRICS vào năm 2025; đánh dấu rõ ràng những động lực lớn hơn của nhóm. Chẳng hạn, xây dựng được một hệ thống tài chính quốc tế đa dạng, thể hiện rõ các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm nghèo và xóa bỏ sự phân cực giữa Bắc và Nam bán cầu, các vấn đề nhức nhối toàn cầu như biến đổi khí hậu, có khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cơ chế BRICS.
Về vai trò của Trung Quốc trong BRICS, các chuyên gia Trung Quốc đều đề cập vai trò lãnh đạo tích cực của nước này. Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất trong số các nước BRICS, với tiềm năng là một thị trường khổng lồ. Ngoài ra, trong lĩnh vực số hóa, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh và các lĩnh vực công nghệ cao khác, Trung Quốc đều đang thể hiện sức mạnh công nghệ không thua kém Mỹ - và điều này rất được các thành viên BRICS quan tâm.
Vị chuyên gia Trung Quốc cũng nhấn mạnh thêm rằng, Bắc Kinh luôn ủng hộ một thế giới đa cực công bằng và có trật tự, toàn cầu hóa kinh tế bao trùm và luôn tuân thủ tiêu chí này trong hợp tác BRICS.
Theo GS. Wang Youming, vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh cũng được phản ánh trong thực tế là Trung Quốc đã tích cực phối hợp tất cả các bên để đạt được sự đồng thuận và thực hiện Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh BRICS tháng 10/2024.
Chẳng hạn, Bắc Kinh gần đây đã thành lập Trung tâm phát triển và hợp tác trí tuệ nhân tạo Trung Quốc-BRICS và sẽ thành lập hàng loạt "đầu não quan trọng" Trung tâm nghiên cứu quốc tế về tài nguyên biển sâu BRICS, Trung tâm hợp tác phát triển các đặc khu kinh tế của Trung Quốc tại các nước BRICS, Trung tâm năng lực công nghiệp BRICS của Trung Quốc và Mạng lưới hợp tác hệ sinh thái số BRICS. Trung Quốc đang rất hoan nghênh và chào mời sự tham gia tích cực của tất cả các bên quan tâm.
Một điều mà GS. Wang Youming tâm đắc rằng - Trung Quốc luôn lên tiếng bảo vệ lợi ích của Nam Bán cầu trong khuôn khổ BRICS, hoàn toàn khác với tư duy đối đầu và bá quyền của một số nước phát triển.
Về Việt Nam, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, ngày 31/10, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã trả lời câu hỏi về việc Việt Nam nằm trong danh sách các nước đối tác của BRICS và triển vọng hợp tác với khối này.
"Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các cơ chế của tổ chức, diễn đàn đa phương, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của Việt Nam" ông Đoàn Khắc Việt cho biết.
Việt Nam sẽ nghiên cứu những thông tin về quy chế đối tác của BRICS. Việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và quốc tế luôn được nghiên cứu và xem xét trên cơ sở phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, điều này cũng thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, đó là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.