Britannica Education sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam gia tăng kho học liệu giáo dục
Chiều 21/9, tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với tổ chức Britannica Education.
Britannica Education là tổ chức xuất bản hệ thống Bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới. Với kho học liệu lớn cho giáo dục, trong đó có học liệu điện tử, tổ chức này đang phối hợp với nhiều quốc gia, lãnh thổ triển khai chuyển đổi số trong giáo dục.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện Britannica Education giới thiệu và chia sẻ các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mối quan tâm đến lĩnh vực khảo thí; khoa học về kiểm tra đánh giá; đặc biệt nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó có dạy-học ngoại ngữ và tin học.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc có được nguồn học liệu tốt, đầy đủ cho học sinh là rất quan trọng.
Hiện nay, nguồn học liệu cho học sinh Việt Nam đã tương đối tốt so với trước đây; tuy nhiên so với mục tiêu của ngành Giáo dục thì vẫn còn hạn chế. Đặc biệt ở khu vực miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thư viện trường học còn nghèo nàn, học sinh thiếu nguồn học liệu kể cả ở dạng sách giấy và điện tử. Với thành phố lớn, học liệu liên quan đến trang bị kiến thức, kỹ năng nói chung mà học sinh, sinh viên toàn thế giới cần có vẫn còn hạn chế.
Do đó, ngành Giáo dục có kế hoạch ưu tiên nguồn lực và các chính sách để phát triển hệ thống thư viện trường học, gia tăng các học liệu.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Britannica Education trong việc gia tăng kho học liệu, nhất là các học liệu giúp học sinh học ngoại ngữ, làm quen với công nghệ thông tin và những vấn đề về văn hóa của các quốc gia trên thế giới.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề xuất Britannica Education hỗ trợ trong các phương diện về công cụ, phương tiện, học liệu, kỹ năng, giúp mở rộng, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; bởi đây là công cụ quan trọng để học sinh Việt Nam hội nhập với thế giới trong thời gian ngắn nhất có thể.
Nhân dịp này, Bộ trưởng đề cập đến 3 “bài toán” mong Britannica Education chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, đó là: Nâng cao khả năng dạy học, thiết kế bài giảng tích hợp cho giáo viên; vấn đề liên quan đến giáo viên dạy song ngữ và giải pháp giúp học sinh dân tộc ít người học tập hiệu quả khi các em vừa học tiếng mẹ đẻ, tiếng phổ thông, kèm thêm mong muốn được học cả tiếng Anh…
Với những “bài toán” Bộ trưởng chia sẻ, phía Britannica Education khẳng định đây không chỉ là khó khăn của Việt Nam mà còn thường gặp ở nhiều nước trên thế giới. Đại diện tổ chức này khẳng định mình có giải pháp hỗ trợ, cũng như sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành những vấn đề giáo dục khác mà Bộ trưởng đưa ra.