Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Tuy Quảng Ngãi là tỉnh không ảnh hưởng trực tiếp nhưng sẽ có mưa to những ngày cuối tuần có thể ảnh hưởng đến việc bảo dưỡng NMLD Dung Quất. Vì vậy, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã có những phương án để ứng phó với việc này. Tính hết ngày 16/9, BDTT lần 4 đã đạt 97,6% - tiến độ đang đi đúng kế hoạch.
Khi bão số 5 đổ bộ vào biển Đông và di chuyển về phía đất liền nước ta, Ban Chỉ đạo Tình huống khẩn cấp BSR đã họp khẩn về công tác chuẩn bị và phòng chống bão số 5. Đồng thời, BSR cũng ban hành Chỉ thị số 3960/CT-BSR về chủ động ứng phó bão số 5. Kiểm tra thực tiễn trên công trường sáng 17/9, ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc BSR và ông Bùi Ngọc Dương, Phó Tổng Giám đốc BSR chỉ đạo các ban chức năng của BSR phối hợp các nhà thầu đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người khi bão đổ bộ vào đất liền (có ảnh hưởng mưa lớn, gió lớn tại Dung Quất). Trong ảnh: Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến (giữa) và Phó Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương (thứ hai bên trái qua) chỉ đạo công tác BDTT và phòng chống bão số 5.
BSR giao cho Ban An toàn Môi trường làm đầu mối phối hợp nhà thầu triển khai kiểm tra, thông thoát hệ thống nước mưa, hệ thống xử lý nước thải trong Nhà máy; kiểm tra, che chắn hệ thống điện tạm cho công tác BDTT; Che chắn gia cố những vật dụng, thiết bị dễ bay, ngã đổ; Quản lý vật tư trang thiết bị bảo dưỡng; thông báo tàu thuyền các nhà thầu phương án neo đậu an toàn. Trong ảnh: BSR tiến hành tháo gỡ bạt che chắn bắn cát phun sơn ở phân xưởng SWS để đảm bảo an toàn.
Một trong những việc cần làm là kiểm tra và đóng tất cả các van trên hệ thống xuất sản phẩm, chốt các van cơ khí cần xuất, chốt các van an toàn chống bão cần xuất trước khi bão đến. Trong hình là cảnh một nhân sự nhà thầu đang siết lực cho các ốc manhole của thiết bị trao đổi nhiệt không bị ảnh hưởng bởi mưa.
Khác với các gói thầu đã hoàn thành, gói 1 với khối lượng công việc lớn, phức tạp, là gói với tổng thời gian thực hiện yêu cầu lớn nhất nên các tài sản, nhà tạm làm việc... vẫn phải duy trì. Nên việc che chắn, gia cố và bảo vệ con người, trang thiết bị vật tư là rất cần thiết để có thể tiếp tục công việc ngay khi bão kết thúc.
Tại phân xưởng RFCC, ông Nguyễn Đức Giang - Phó Giám đốc gói 1 cho biết: Tối 15/9, gói 1 chính thức phổ biến các biện pháp chống bão đến các đầu mối công việc. Trong 2 ngày 16 và 17/9, gói 1 hoàn thành việc che chắn các trang thiết bị vật tư đặc biệt các thiết bị điện, hàn, cắt; Đưa ra ngoài công trường các trang thiết bị không còn cần dùng trong những ngày tới, toàn bộ các phần bảo ôn cần thiết được bọc kín, dọn vệ sinh gọn gàng, sạch sẽ, đặc biệt những nơi có nguy cơ làm tắc đường thoát nước gây lụt cục bộ. Tháo giàn giáo ở những nơi đã hoàn thành, trên cao và chuẩn bị sẵn sàng nhân sự để tháo mâm giáo, thanh che.... khi dự báo gió từ cấp 8 trở lên.
Ngoài các thiết bị, phương tiện, BSR còn tính đến phương án mưa to, nước lớn sẽ ảnh hưởng đến các hạng mục xử lý nước thải, dầu tràn. Trong ảnh: Phân xưởng xử lý nước thải chủ động kiểm soát dầu tràn.
Ông Đoàn Ngọc Tấn - Phó Giám đốc gói thầu số 2 cho biết: “Công việc gói 2 và 3 do liên danh nhà thầu PTSC và NEWWIN cơ bản hoàn thành nên chúng tôi đã tháo gỡ luôn các nhà tạm nghỉ trưa tại các phân xưởng U34, 36, 57, 58. Các công việc cuối cùng chúng tôi đã có phương án che chắn, bảo vệ lớp bảo ôn và hệ thống điện”.
Phức tạp nhất trong việc chống bão là ở gói số 7 - gói thầu thi công trên biển. Ông Lê Vinh Quang - Giám đốc gói thầu số 7 cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành chằng buộc 2 ống nổi tại cảng. Trên biển đã kiểm tra các manhole và đưa các tàu dịch vụ về nơi neo đậu an toàn. Vật tư khu vực U34 gom về cảng để che chắn, bảo vệ. Phao SPM đã hoàn thành lắp 12 xích neo các ngày trước đó nên đảm bảo an toàn”.