BTS đại diện cho tiếng nói của người trẻ

BTS được mời tới Nhà Trắng để thảo luận với Tổng thống Joe Biden về vấn đề xã hội tại Mỹ. Chuyên gia nhận xét nhóm nam giống 'ngọn hải đăng dẫn đường'.

"Có muôn vàn thứ khác nhau đang xảy ra trong cuộc sống của tôi", RM - trưởng nhóm BTS - chia sẻ với giới truyền thông vào ngày 26/5, chỉ vài tiếng sau khi có thông tin BTS gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 31/5 (giờ địa phương) để quảng bá thông điệp về sự hòa nhập và hình ảnh đại diện của người châu Á.

Bên cạnh đó, đôi bên dự kiến thảo luận về tình trạng bạo lực gia tăng, nạn phân biệt đối xử đối với người châu Á trên thế giới, cũng như vai trò của BTS dưới tư cách đại sứ trẻ truyền đi thông điệp về hy vọng và sự tích cực.

 BTS được Tổng thống Joe Biden mời tới Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề xã hội liên quan đến người châu Á.

BTS được Tổng thống Joe Biden mời tới Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề xã hội liên quan đến người châu Á.

Ngọn hải đăng dẫn đường

Ngày 27/5, công ty quản lý của BTS - Big Hit Music - tiết lộ Tổng thống Biden mời nhóm nam tham gia lễ kỷ niệm Tháng Di sản của người Mỹ gốc Á, người bản địa Hawaii và các quốc đảo Thái Bình Dương (AANHPI). Đây là sự kiện được tổ chức từ năm 1977 để tri ân thế hệ người dân có công "làm phong phú thêm lịch sử nước Mỹ".

"Quả là vinh dự lớn khi chúng tôi nhận được lời mời của Tổng thống Biden. Chúng tôi mong chờ được chứng kiến BTS trao đổi với Tổng thống Biden về nhiều chủ đề khác nhau, từ sự hòa nhập đến tội ác nảy sinh vì thù ghét, dưới tư cách đại diện đến từ Hàn Quốc", Big Hit chia sẻ.

Các chuyên gia nhận định rằng lời mời là minh chứng cho thấy BTS đã trở thành "ngọn hải đăng dẫn đường cho sự đa dạng và hòa nhập".

Lee Gyu Tag, phó giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc, nói với The Korea Times: "Việc tổng thống Mỹ mời ca sĩ từ quốc gia khác đến để thảo luận về vấn đề xã hội tại Mỹ là điều chưa từng có tiền lệ".

Theo phó giáo sư Lee, trái ngược với hầu hết nghệ sĩ Kpop khác, BTS thường xuyên thể hiện tiếng nói của họ về nhiều vấn đề xã hội, bao gồm phong trào phản đối phân biệt chủng tộc chống lại người da đen ở Mỹ. Tháng 9/2021, tại New York, dưới tư cách người đại diện cho thế hệ tương lai, nhóm tham gia phát biểu trong Khóa họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nhóm chia sẻ: "Chúng tôi chống lại sự phân biệt chủng tộc. Chúng tôi lên án bạo lực. Bạn, tôi và tất cả chúng ta đều có quyền được tôn trọng. Chúng ta sẽ sát cánh cùng nhau".

Các thành viên trong nhóm và công ty quản lý Big Hit cũng quyên góp 1,2 tỷ won (khoảng 949.000 USD).

"Những yếu tố này đưa họ trở thành biểu tượng của sự đa dạng và hòa nhập", phó giáo sư Lee nhận xét.

Các thành viên BTS thường xuyên thể hiện lập trường của họ trong những vấn đề xã hội.

Các thành viên BTS thường xuyên thể hiện lập trường của họ trong những vấn đề xã hội.

Tiếng nói đại diện cho thế hệ trẻ

Phó giáo sư Lee cho rằng việc BTS nói riêng và Kpop nói chung có tiếng nói thuộc về người châu Á, cộng đồng được coi là nhóm thiểu số tại Mỹ, cũng là thực tế cần lưu ý.

Trong cộng đồng với nhiều nhóm người sinh sống, thiểu số chỉ nhóm có ít dân số hơn, hoặc phải chịu nhiều bất lợi, định kiến hơn. Như vậy, tình trạng thiểu số không nhất thiết phải tương quan với dân số.

Phó giáo sư Lee chỉ ra: "Bản thân Kpop, thể loại âm nhạc không xuất xứ từ phương Tây và không có ngôn ngữ chủ đạo là tiếng Anh, đã là biểu tượng của sự hòa nhập tại Mỹ, và BTS chắc chắn là đại diện của Kpop".

Lee cho rằng đây là lý do 7 thành viên BTS, người có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, được mời đến Nhà Trắng lần này.

"Do phần lớn người theo dõi của họ là Gen Z (người trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012), họ trở thành tiếng nói cho thế hệ trẻ", Lee nói.

BTS cũng đưa ra tuyên bố trên tài khoản chính thức: "Chúng tôi nhớ lại những khoảnh khắc chúng tôi bị phân biệt đối xử vì là người châu Á. Trải nghiệm của chúng tôi thật vụn vặt so với chuỗi sự kiện xảy ra trong vài tuần qua, nhưng chúng đủ để khiến chúng tôi cảm thấy bất lực và bị tổn thương lòng tự trọng. Thông điệp chúng tôi phải truyền tải rất rõ ràng. Chúng tôi chống lại sự phân biệt chủng tộc. Chúng tôi lên án bạo lực".

Bản thân BTS là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. Vào tháng 4/2021, một nhóm 5 diễn viên hài tại Chile ăn mặc giống các thành viên BTS, chế nhạo giọng Hàn.

Hai tháng trước vụ việc gây tranh cãi này, một người dẫn chương trình radio tại Đức khiến khán giả xôn xao khi anh công khai chế giễu bản cover ca khúc Fix You (Coldplay) của BTS và đánh đồng nhóm với Covid-19.

Dù vậy, lời mời từ Nhà Trắng làm dấy lên lo ngại của một số người hâm mộ. Họ sợ BTS bị hiểu nhầm là "đang tích cực hoạt động trong lĩnh vực chính trị".

Chuyên gia cho rằng BTS trở thành tiếng nói đại diện cho thế hệ trẻ.

Chuyên gia cho rằng BTS trở thành tiếng nói đại diện cho thế hệ trẻ.

Phó giáo sư Lee chia sẻ: "Vài người lo lắng rằng nếu có cuộc gặp với tổng thống thuộc đảng Dân chủ, nhóm có thể bị hiểu nhầm là ủng hộ Đảng Dân chủ. Nhưng trong mắt tôi, đối với BTS, trọng tâm của cuộc họp là nói về những điều họ tin là lẽ phải".

Thúy Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bts-dai-dien-cho-tieng-noi-cua-nguoi-tre-post1321562.html