Bù đắp tình thương cho những mảnh đời bất hạnh
Sự hiện diện của các bé trên cõi đời dù thiếu thốn, dù không trọn vẹn sức khỏe, hình hài vẫn là những đóa hoa của cuộc đời để nâng niu chắp cánh, tiếp nguồn cho những khát khao
Chúng tôi theo một chương trình tình nguyện đến với Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Trung tâm; số 87 Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một - cơ sở mới ở đường NK13, khu dân cư khu phố 2, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Dù là chủ nhật, chúng tôi vẫn được cán bộ của Trung tâm đón tiếp chu đáo. Ở đây không có ngày nghỉ, những bàn tay miệt mài của nhân viên, của "các mẹ" vẫn vất vả như bao ngày để "viết tiếp những giấc mơ" cho các em mồ côi được nuôi dưỡng tại đây.
Thương bao nhiêu cho đủ
"Các mẹ" tại Trung tâm đưa chúng tôi qua khu vực cần nhiều nhân viên nhất là giường các bé tật nguyền. Có bé đã sống gần hết tuổi thơ trong cái lơ ngơ của tiềm thức và không di chuyển. Đa số các bé bị bại não nặng nằm liệt, không cử động hoặc bị căn bệnh quái ác não úng thủy. "Các mẹ" cho biết: Phải yêu nghề, yêu người lắm mới cáng đáng hết công việc ở đây. Chăm sóc, vệ sinh được cho một bé tật nguyền vất vả gấp 10 lần các bé còn lại. Thương vô cùng và đầy xót xa khi đi qua tháng năm, cuộc đời không mang lại được hy vọng cho các bé nhưng điều an ủi là có tình người giữ các em lại với cuộc đời. Hình hài, gia đình đều bị đánh mất nhưng ở đây, "các mẹ" thương yêu hết mực những đứa con ốm đau tật nguyền.
Có bé bị não úng thủy không cử động được vẫn dỗi hờn hay vẫy gọi chúng tôi vì chưa đến bên cạnh giường. Khát khao được gần gũi, được bế bồng nhưng bù đắp sao hết những cảnh đời khi chính bố mẹ các em đã chối từ khúc ruột đáng thương của mình hoặc không thể cùng con đi hết những tháng ngày gian nan. Tình yêu của Trung tâm được chia sẻ, bù đắp mãi không lấp đầy được khoảng trống yêu thương của những số phận tật nguyền.
Ôi, hạnh phúc có trăm ngả đường rẽ để đến với số phận mỗi con người nhưng ở nơi mà tất cả các em đều mồ côi thì hạnh phúc bắt đầu bằng tình người cao cả của nhân viên Trung tâm, của sự quan tâm ngoài cộng đồng, xã hội. Khi xã hội bộn bề những lo toan, nghiệt ngã thì có những góc cuộc sống đẹp hơn trong tranh vẽ bước ra. Nơi này, "một mẹ" có đến cả trăm con như trong cổ tích, sần chai đôi tay "các mẹ" để bắt đầu vẽ lại những trang đời hạnh phúc cho các con bằng sức khỏe, bằng con chữ, bằng những nghề nghiệp sau này. Không phải số phận ai cũng đủ đầy từ những bước đi đầu tiên nhưng mái ấm của các em là hạnh phúc của cả cộng đồng đem lại. Ngưỡng cửa đầu tiên các em bước qua chính là sự bỏ rơi hay bất lực nghiệt ngã của tình thân nhưng như một phép nhiệm mầu của cuộc sống, cánh cửa mới, ngôi nhà mới ở Trung tâm sẽ đem đến cho các em một chân trời, hướng đi mới mà hạnh phúc hiện diện trong mỗi ngày các em sống với tình người đầy ắp yêu thương trao cho nhau.
Đối với chúng tôi, trải nghiệm chuyến tình nguyện còn để học hỏi, sẻ chia, hạnh phúc là khi biết chung tay xây dựng cộng đồng tốt đẹp; hạnh phúc ở đó, trong từng số phận của cuộc đời và mỗi ngày chúng ta đang sống chia sẻ và cống hiến thế nào!
Vẽ lại giấc mơ cho các con
Cơ sở của Trung tâm sạch sẽ, ấm cúng. "Các mẹ" cho biết các bé dù trước đây ở cơ sở cũ, năm 2018 về cơ sở mới, luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng, tình yêu ở Trung tâm luôn đong đầy. Bước vào Trung tâm là bắt đầu những tâm trạng của người lớn đến thăm đầy thương cảm, xót xa bên cạnh những tiếng chào hỏi ríu rít, quấn quýt của các bé vì được thăm và có quà bánh… Con muốn ăn bánh màu xanh, con màu vàng, con ăn kẹo, con thích búp bê, bạn sẽ chực trào nước mắt khi có bé mới lẫm chẫm biết đi nhưng biết giấu bánh vào túi áo để dành. Không phải vì thiếu thốn mà với các bé, không chỉ là "các mẹ" ở Trung tâm mà cả cuộc đời đều là mẹ, chứ đâu có mẹ cha của riêng mình. Ai đến cũng là "mẹ đã về", là cô của mình, là có quà bánh, áo đẹp, là được bế bồng, ôm hôn! Trung tâm cũng nỗ lực sắp xếp để các bé có thể đi chơi ở các khu vui chơi khi có dịp, tổ chức hoạt động ngoại khóa, học các kỹ năng đầu đời…, để khoảng trời ở Trung tâm không khác nhiều cuộc sống bên ngoài. Cái thiếu đi là tình thân của trẻ mồ côi đang được "các mẹ" bù đắp mỗi ngày, hằng đêm...
Ghé phòng sơ sinh, số lượng các bé nhiều, một hai "mẹ" không thể bồng bế hết. Các con ngoan như cảm nhận được chính số phận của mình. Bé bú sữa được tựa vào gấu bông mà khéo léo không để bé bị sặc sữa. Tôi chợt nhớ đến con mình những ngày trong nôi nôn trớ, ba mẹ xót xa vội ẵm bồng con. Chúng tôi thăm phòng trong tiếng các bé u ơ nhoẻn miệng cười. Ai nắn chân tay đều là "mẹ" để huơ tay mà hóng chuyện. Chúng tôi thăm trẻ với sự gần gũi của các bé đến kỳ lạ, cồn cào lên tận mắt của cảm xúc riêng mỗi người, ở đây bé có, lớn có, đẹp như những thiên thần có và cả tật nguyền đều có..., tất cả đều mất mát cô đơn tình thân. Trung tâm bảo trợ, những bàn tay của "các mẹ" vẽ lại những giấc mơ cho các con theo cách có thể tốt nhất.
Chính tình yêu của "các mẹ" ở đây dành cho trẻ, chính những ánh mắt ngây thơ gần gũi của các bé như chưa từng biết cuộc đời thiệt thòi đã chạm đến lòng trắc ẩn, cảm thông của nhiều cá nhân, tổ chức, các hội từ thiện... để chung tay góp phần nâng cánh những ước mơ của các bé. Sự hiện diện của các bé trên cõi đời dù thiếu thốn, dù không trọn vẹn sức khỏe, hình hài vẫn là những đóa hoa của cuộc đời để nâng niu chắp cánh, tiếp nguồn cho những khát khao. "Các mẹ" yêu thương đàn con, xã hội chung tay góp sức để vẽ lại những cuộc đời các em đẹp nhất có thể.
Chúng tôi ra về, mang theo những cảm xúc khó phai từ những ánh mắt ngây ngô, mang theo lòng cảm phục từ những đôi bàn tay sần chai của "các mẹ". Con của mình ở nhà chưa đủ thời giờ để nựng nịu ầu ơ nhưng ở Trung tâm bảo trợ, "các mẹ" dành cả trái tim, nghị lực của mình để nuôi nấng, chăm sóc đàn con mồ côi. Dù bộn bề lo toan, Trung tâm đã tiếp sức cho những mảnh đời giữa cuộc sống này.
Giữa cuộc sống xô bồ, bộn bề lo toan bỗng hiện ra những góc bình lặng đẹp đẽ đến thế. Những người mẹ miệt mài đem tình yêu để sẻ chia, bù đắp, để chắp cánh những ước mơ nhọc nhằn. Ở nơi ấy, chúng tôi tin hạnh phúc sẽ ngập tràn bởi mái ấm được dựng xây bằng những tấm lòng nhân ái.
Còn được chăm sóc là còn niềm vui
"Các mẹ" ở Trung tâm cho biết chăm sóc ở phòng tật nguyền vất vả, phải tâm huyết nhưng cũng cần hiểu biết nhiều về bệnh tật. Cực lắm nhưng thương, hy vọng nhiều mà lại xót xa vì không thay đổi được số phận các bé. Các bé khỏe mạnh lớn lên rồi sẽ bước ra thế giới, được đi học, được học nghề, được ước mơ. Còn ở phòng tật nguyền, "các mẹ" càng chăm càng đau đớn như khúc ruột mình lụi dần. Nhưng cuộc đời là thế, hạnh phúc đâu nhất thiết phải có đích đến là gì, mà quan trọng hôm nay đã cố gắng đến đâu. Các bé đã bất hạnh, còn được chăm sóc là còn niềm vui, cho đi niềm thương nỗi nhớ thì biết bao nhiêu cho đủ.