Bù Đốp - Điểm sáng giải ngân vốn đầu tư công
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án theo kế hoạch, những năm qua, huyện Bù Đốp là điểm sáng của tỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công. Từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện luôn đạt hơn 90%. Điều này có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vừa góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của địa phương.
Quyết tâm thực hiện
Trường THCS&THPT Tân Tiến, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp hiện có 28 lớp với gần 1.000 học sinh, trong đó con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 25% tổng số học sinh toàn trường. Số lượng học sinh đông, phần nào gây áp lực lên hệ thống cơ sở vật chất của trường. Năm học 2022-2023, tình trạng thiếu phòng học, phòng thực hành của học sinh và phòng làm việc của giáo viên phần nào được giải quyết. Bởi vừa qua trường đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng khu hiệu bộ, khu bộ môn với 21 phòng. Trong đó, phòng tin học được trang bị 40 bộ máy vi tính kết nối internet hiện đại; nhà thi đấu đa năng có diện tích gần 600m2 với đầy đủ công năng phục vụ các hoạt động ngoại khóa của gần 1.000 giáo viên và học sinh.
Thầy Trần Minh Trí, Phó Hiệu trưởng trường vui mừng cho biết: Sau hơn 1 năm khởi công, cụm công trình có mức đầu tư gần 30 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh trường.
“Trước đây, cơ sở vật chất trường vô cùng thiếu thốn. Là huyện biên giới, đời sống người dân rất khó khăn nên nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế. Từ khi công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng, các phòng chức năng được đảm bảo, khu làm việc của giáo viên được bố trí đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để trường nâng cao chất lượng giáo dục” - thầy Trí cho biết thêm.
Có sự chuẩn bị đầu tư tốt, đặc biệt tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, nhiều dự án giao thông tại huyện biên giới Bù Đốp đã bám sát tiến độ đề ra. Thậm chí có dự án sẽ hoàn thành trước kế hoạch gần 5 tháng. Đơn cử như dự án nâng cấp, mở rộng ĐT759 có chiều dài gần 3,5km, mặt đường rộng 9m, hệ thống vỉa hè mỗi bên rộng 1m, với vốn đầu tư 55 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện dự án đã có 133 hộ dân bị ảnh hưởng. Để thuận lợi cho việc thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động và chi trả hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ đền bù thiệt hại về cây trồng, vật kiến trúc trên đất cho người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, 100% hộ dân bị ảnh hưởng đã bàn giao mặt bằng. Đơn vị thi công khẩn trương huy động nhân lực, vật lực xử lý nền hạ, vỉa hè, hệ thống cống thoát nước để đảm bảo công trình hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ.
Dưới cái nắng gay gắt của vùng biên giới, các phương tiện máy móc và nhân lực đã được huy động tối đa để đẩy nhanh tiến độ thi công. Anh Trần Đăng Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình cho biết, hiện đang là thời điểm mùa khô, thuận lợi cho việc thi công. Chúng tôi đã huy động 4 xe cuốc, 5 xe lu, xe ben, xe ban làm việc liên tục từ thứ Hai đến Chủ nhật. Nhiều hôm chúng tôi cũng bố trí anh em tăng ca đến 21 giờ để đẩy nhanh tiến độ và bàn giao công trình trong tháng 5 tới.
Thuộc top đầu giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2022, huyện Bù Đốp được bố trí đầu tư 95 danh mục công trình, với gần 435 tỷ đồng. Đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện đạt hơn 90%, trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất tỉnh. Trong năm 2023, ngoài các danh mục công trình nhỏ lẻ, huyện cũng đang khẩn trương triển khai thi công 5 công trình lớn, với tổng vốn đầu tư hơn 88 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Hữu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bù Đốp, khi vốn đầu tư công được giải ngân đồng nghĩa hàng loạt các lĩnh vực kinh doanh khác như vật liệu xây dựng, vận tải… có thêm cơ hội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.
“Đối với Bù Đốp, chúng tôi đặc biệt quan tâm công tác giải phóng mặt bằng. Khi mặt bằng được bàn giao thì đơn vị thi công mới đẩy nhanh tiến độ, việc giải ngân vốn mới đảm bảo. Ngoài ra, khi công trình được phê duyệt, chúng tôi đã nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục. Khi có chủ trương đầu tư, chúng tôi tiếp tục phê duyệt nghiên cứu khả thi đối với công trình 2 bước và báo cáo rà soát đối với công trình 1 bước trước khi đấu thầu, đồng thời ký kết hợp đồng trong thời gian ngắn nhất để khởi công các công trình, dự án. Trong quá trình thi công, chúng tôi cũng quan tâm đến tiến độ và chất lượng công trình, nếu đạt khối lượng thực tế sẽ tiến hành giải ngân, đảm bảo kế hoạch huyện giao” - ông Hữu cho biết thêm.
Trong quý 1/2023, giải ngân vốn đầu tư công của huyện hơn 62,5 tỷ đồng, đạt 67% chỉ tiêu tỉnh giao và đạt 21% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện thông qua. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tỉnh hỗ trợ khoảng 32/85 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch. Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của huyện. Cụ thể, tính đến hết quý 1/2023, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh đạt gần 149 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ; giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ đạt 570 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách địa phương khoảng 192 tỷ đồng, đạt 33% so với nghị quyết HĐND tỉnh giao và đạt 26% nghị quyết HĐND huyện thông qua.
Giải ngân vốn đầu tư công luôn là nỗi trăn trở của các địa phương trong những năm gần đây. Với sức nóng từ chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo tỉnh, cùng với bài học được đúc rút từ huyện Bù Đốp, hy vọng sẽ tiếp tục lan tỏa đến các địa phương, sở, ngành của tỉnh, tạo động lực để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh năm 2023.