Bữa ăn học đường: Đáp ứng cho sự phát triển toàn diện của trẻ

Bữa ăn học đường trong các cơ sở giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển tầm vóc, thể lực và trí lực của trẻ em, học sinh. Tuy nhiên một số bếp ăn tập thể trường học còn vi phạm các điều kiện an toàn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhân viên nhà ăn của một trường mầm non trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một luôn quan tâm chuẩn bị bữa ăn tốt nhất cho các cháu. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Vẫn còn cơ sở vi phạm

UBND TP.Thuận An vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với một số trường mầm non trên địa bàn thành phố. Đây là các trường mầm non ngoài công lập vi phạm hành chính với các lỗi về lưu mẫu thức ăn, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước, nơi bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.

Điển hình là Nhóm trẻ mẫu giáo tư thục HQ. (khu phố Thạnh Hòa B) và lớp Mầm non độc lập C.T.T (khu phố Thạnh Bình, phường An Thạnh) không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn. Mỗi cơ sở bị xử phạt hành chính với số tiền 4 triệu đồng. Cá biệt có trường mầm non ở phường Lái Thiêu vi phạm 2 lỗi với tổng số tiền phạt 6 triệu đồng. Các lỗi mà cơ sở này vi phạm là: Nơi bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập và thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến và kiểm tra trước khi ăn).

Gần đây là trường hợp của trường Mầm non T.N2 (khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao) cũng bị phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng vì thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước. Hiện tất cả các trường hợp vi phạm đã tiến hành nộp phạt và khắc phục các hạn chế trong tổ chức bếp ăn tập thể tại trường.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo TP.Thuận An, đặc thù địa phương tập trung rất đông con em người lao động sinh sống, làm việc, học tập nên việc kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm thực sự là “một áp lực không nhỏ”. Thời gian qua, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc tập huấn, tuyên truyền cũng như ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ tại các nhóm trẻ.

Trước đó, UBND TP.Thuận An đã có văn bản gửi đến các đơn vị về việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể. Qua kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Dinh dưỡng, yếu tố quyết định

Cùng với môi trường thực phẩm, qua một số báo cáo, điều tra nhỏ lẻ kết hợp giữa ngành giáo dục và các ngành trong, ngoài tỉnh cho thấy một số trường học hiện chưa thực hiện tốt việc tổ chức bữa ăn học đường. Hầu hết các trường mới chỉ lo “ăn an toàn” cho trẻ em, học sinh, còn chất lượng “ăn khoa học” chỉ dừng ở mức trung bình.

Theo Quyết định số 2195/ QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học”, các trường trên địa bàn tỉnh đã làm tốt khâu cơ cấu bữa ăn, đặc biệt tiêu chí năng lượng trong khẩu phần ăn. Cụ thể bữa ăn trưa đã đáp ứng tốt 30- 50% năng lượng khẩu phần của trẻ trong một ngày; bữa ăn phụ của cấp tiểu học đạt từ 5-10% tổng năng lượng khẩu phần ăn. Tuy nhiên, xét về lượng vitamin, khoáng chất trong khẩu phần ăn vẫn chưa cung cấp đủ, trẻ không hứng thú với các món rau củ quả. Thực tế qua các khảo sát cho thấy lượng rau quả cần thiết trong khẩu phần chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của trẻ.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện chiều cao của người Việt Nam nói chung và người dân ở Bình Dương nói riêng vẫn còn khiêm tốn so với các nước trên thế giới. Giai đoạn quan trọng nhất cho sự phát triển chiều cao của trẻ là dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Ngay sau 2 năm đầu đời, trẻ đã bước vào lứa tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Đây là giai đoạn tiếp theo rất quan trọng quyết định chiều cao của đứa trẻ. “Gia đình, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ, quan tâm thực sự tới bữa ăn của trẻ. Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định đến tăng trưởng chiều cao, cần bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ, cả về số lượng và chất lượng (bao gồm tính cân đối, tính đa dạng và tính an toàn, hợp lý), cho tất cả bữa ăn trong ngày”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nhấn mạnh.

“Chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở lứa tuổi học đường có vai trò quan trọng, giúp trẻ phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực. Bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ cả về số lượng và chất lượng (bao gồm tính cân đối, tính đa dạng và tính an toàn, hợp lý), cho tất cả bữa ăn trong ngày là một trong những yếu tố thúc đẩy tầm vóc của trẻ”- bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết.

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/bua-an-hoc-duong-dap-ung-cho-su-phat-trien-toan-dien-cua-tre-a336307.html