Bữa ăn kinh dị của giới nhà giàu: Xẻ thịt cá ngừ to như chiếc xe máy
Vốn là bữa ăn kinh dị và kín tiếng nhất London, Tuna Fight Club giờ đây lại nổi như cồn trên TikTok. Điều đó có thể giết chết chính trải nghiệm mà nó từng đại diện.

Đầu bếp dùng dao dài như kiếm để xẻ thịt cá ngay trước mặt khách.
Món ăn tại Fight Club không quá lạ ở các nhà hàng fine dining của London: sashimi, nigiri từ cá ngừ xanh. Nhưng điều khiến nó trở thành hiện tượng là màn trình diễn hơn là bữa tối.
Nhân vật chính có thể là một con cá ngừ vây xanh cái khổng lồ, cỡ như chiếc Harley Davidson, được giết mổ ngay hôm trước ở trang trại ven biển Tây Ban Nha. Xác cá đặt trên bàn thép không gỉ, được xẻ thịt từng phần ngay trong suốt buổi tối và phục vụ tại chỗ.
Ngay từ đầu, sự kiện này được xây dựng như một buổi pop-up bí mật, lan truyền theo kiểu "truyền miệng" trong giới sành ăn ở Tây London - những người sẵn sàng chi vài trăm bảng cho một bữa sushi giữa tuần.
Chủ nhân, Chris D’Sylva, khởi đầu mô hình này trong những ngày giãn cách đầu đại dịch, từ cửa hàng hải sản mà anh đồng sở hữu. Truyền thông gần như không đả động gì, ngoại trừ một bài viết năm 2020 trên Financial Times - nơi cái tên “Tuna Fight Club” ra đời.




Xác cá ngừ 290 kg được đưa vào bếp giữa tiếng trầm trồ của thực khách.
Luật chơi mới
Thế nhưng cuối năm ngoái, mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng khi các influencer ẩm thực bắt đầu “lăng xê” rầm rộ trên TikTok. Nhiều video xuất hiện, khen lấy khen để. Kết quả là danh sách đặt bàn đã kín đến tận tháng 7.
Và đó chính là điều khiến chủ nhân sự kiện lo ngại. "Bữa tối này đang dần trở thành trò giải trí hơn là trải nghiệm nhập vai thực thụ. Có những người đến đây chỉ để sống ảo, trong khi họ chẳng hề ăn cá", ông D’Sylva nói.
Rất khó có trải nghiệm thực sự ở Tuna Fight Club nếu bạn không ăn được cá sống - nơi được xem như một biến thể náo nhiệt và mang màu sắc “nam tính” của omakase, truyền thống ẩm thực thanh tĩnh trong văn hóa Nhật.
"Những người đến chỉ vì lượt like trên mạng xã hội không phải khách hàng của chúng tôi. Và những khách quen, người giúp chúng tôi duy trì hoạt động, thì lại không còn chỗ trống để ngồi", ông chủ nói.
Ông D’Sylva đang lên kế hoạch kiểm soát danh sách khách mời kỹ lưỡng hơn: tăng giá từ 195 lên 250 bảng (khoảng 330 USD), mở rộng thực đơn, triển khai hệ thống xổ số cho khách từ ngoài London và tổ chức đêm riêng cho khách quen và VIP.


Thực khách chen nhau chụp ảnh khi cá được đưa ra từ xe tải.
Chiến lược “chọn lọc khách hàng” này không có gì mới lạ với D’Sylva. Tại Dorian, nhà hàng bistro mà ông đồng sở hữu, ông từng gây sốc khi thừa nhận rằng mình bí mật ghi lại hành vi của thực khách và xếp hạng họ trong một hệ thống nội bộ để quyết định cách phục vụ.
"Chúng tôi cứ tự hỏi: đây là White Lotus hay The Menu ngoài đời thật?", Cecilia Stein, 39 tuổi, lần đầu tham dự Tuna Fight Club, chia sẻ. "Là đỉnh cao tôn vinh ẩm thực hay là cái bẫy dành cho giới thượng lưu?".
"Ba hồi kịch" với con cá triệu đô
Sự kiện diễn ra tại Supermarket of Dreams, một siêu thị ở Notting Hill thuộc “đế chế” nhỏ của D’Sylva. Mỗi tối thứ tư, nơi này biến thành Tuna Fight Club. Khoảng 40 thực khách ngồi quanh bàn dài ghép từ mặt tủ lạnh, uống rượu sake nóng và ăn súp miso tôm hùm.
Hồi 1 bắt đầu khi ông D’Sylva xuất hiện, mời khách ra vỉa hè. Ở đó, trong một chiếc xe tải, xác cá ngừ nặng 290 kg, to bằng cả chiếc xe máy nằm trong quan tài băng, chờ đến “màn kết”.
Nhân viên gồng mình khiêng xác cá lên bàn kim loại có bánh xe. Cảnh tượng như ở phòng Mona Lisa, nhưng thay vì tranh, là một con cá nằm giữa dòng xe đông đúc London.
"Không biết có ai làm rơi nó bao giờ chưa nhỉ?", Sophie Groves, 32 tuổi, nói nhỏ với chồng. Một shipper leo cả lên cột điện để nhìn cho rõ. Một tài xe tải bỏ mặc tiếng còi sau lưng, rướn người chụp ảnh. Một phụ nữ hét lên “Gớm quá!”, rồi cũng chen lên chụp hình.

Từng miếng cá tươi sống được phục vụ ngay sau khi xẻ thịt.
Ở giai đoạn 2, xác cá được đẩy vào bếp mở, nơi đầu bếp bắt đầu rọc da, xẻ thịt. Một người thậm chí ngồi hẳn lên lưng cá, dùng dao dài như kiếm, ép đùi để tạo đòn bẩy và rạch sâu vào lớp cơ.
Ông D’Sylva trở thành giảng viên: "Thấy thịt đỏ chưa? Cá ngừ cần lượng máu lớn để bơi nhanh. Nhìn mấy giọt kia kìa, mỡ đó, đang tan trong không khí".
Một phụ nữ rùng mình, rồi uống nốt ly martini. Một người khác, Sadi Ablyatifov, 25 tuổi, giơ chiếc máy ảnh Instax xanh lá lên chụp lia lịa.
"Cách họ xẻ thịt cá thật không tưởng", ông Mark Heappey, 62 tuổi, thốt lên. "Đáng tiền là ở chỗ đó đấy".
Tất nhiên, nhiều nhà hàng fine dining cũng có màn kể chuyện về nguồn gốc nguyên liệu. Nhưng Tuna Fight Club vẫn đặc biệt hơn, mang màu sắc kịch tính, gần như sân khấu hóa.
"Cảm giác ở đây hẳn nhiên khác hẳn việc ai đó làm guacamole trước mặt bạn", nhà báo ẩm thực Ajesh Patalay nhận định.
Cá ngừ vây xanh, từng bị khai thác cạn kiệt, đã phục hồi nhờ các nỗ lực bảo tồn. Năm 2021, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã chuyển loài này khỏi danh sách “có nguy cơ tuyệt chủng”, xếp vào nhóm “ít lo ngại”.
Kể từ đó, cá ngừ xanh trở thành nguyên liệu xa xỉ, tạo thành “show thịt cá” ở nhiều thành phố như New York, Miami, Berlin và cả London. Tại Nhật, một con cá ngừ từng được bán với giá hơn 3 triệu USD năm 2019.
Tuna Fight Club muốn trở thành sân khấu quyến rũ nhất trong số đó và đó là nhiệm vụ của Hồi 3.
Cuối buổi, thực khách xếp hàng để nếm từng phần cá từ cùng một con: có phần thịt xương sườn được cạo tươi và đặt vào miếng rong biển như taco.
"Đặt vào giữa miếng nori, như cuốn điếu cần vậy", ông D’Sylva đùa.
Alexandra Fischer, 23 tuổi, ăn thử, rồi chuyển sang phần tiếp theo - cũng là miếng thịt đó nhưng đã được ủ chín 9 ngày, thêm trứng cá muối lên trên. Khi quản lý Rob Huckle vét hết lọ trứng cá, anh đưa chiếc thìa cho Fischer. Cô liếm sạch.
"Mọi thứ ở đây đều là màn biểu diễn. Cả trải nghiệm giống như một vở kịch vậy", cô nói.