Không nghĩ đến thân mình vì khát vọng đất nước thống nhất
Cả triệu người con ưu tú ngã xuống, biết bao người bị địch bắt, tra khảo, tù đày, để lại một phần cơ thể trong khói lửa chiến tranh, nhưng tất cả sẵn sàng hy sinh vì niềm tin 'Bắc Nam sum họp.'

Tranh vẽ tù nhân Côn Đảo nghe radio trong phòng giam. (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo)
Ròng rã những năm kháng chiến cho khát vọng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất, trên khắp quê hương đâu đâu cũng là những hố bom, mảnh đạn.
Cả triệu người con ưu tú ngã xuống, biết bao người bị địch bắt, tra khảo, tù đày, để lại một phần cơ thể trong khói lửa chiến tranh…
Nhưng tất cả sẵn sàng hy sinh vì niềm tin “Bắc Nam sum họp”, để xây lại Tổ quốc đẹp hơn, để mọi người Việt Nam "thẳng lưng" ngắm bầu trời tự do và cuộc sống thanh bình hôm nay.
Bài 1: Không nghĩ đến thân mình
Những ngày tháng Tư, bà Phan Thị Bé Tư ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh lại cùng nhiều cựu tù chính trị Côn Đảo trở lại thăm nơi từng giam giữ, tra tấn dã man những người yêu nước để thắp nén hương thơm cho đồng đội, đồng chí ở Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo hay Cầu tàu 914.
“Chúng tôi không thể quên ký ức đau thương ấy. Chúng tôi muốn kể cho con cháu, thế hệ sau rằng, đất nước hòa bình, độc lập hôm nay là đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ chiến sỹ cách mạng đi trước,” bà Phan Thị Bé Tư chia sẻ.
Những đau thương sau cửa ngục
Trước ngày bị đày ra Nhà tù Côn Đảo, bà Phan Thị Bé Tư bị giam cầm tại nhiều nhà tù của Mỹ-Ngụy. Nơi nào thì người phụ nữ gốc Phước Thạnh, Châu Thành, Tiền Giang này cũng hứng chịu những trận đòn man rợ của địch.
“Tôi không nhớ bao lần bị đánh đập dã man. Chỉ nhớ lần nào cũng bị tra tấn vào chỗ hiểm, nơi kín đáo của phụ nữ chỉ vì tôi không chịu khai,” bà Bé Tư bắt đầu hồi tưởng.
Sống dậy ký ức những ngày tháng chuẩn bị cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bà Phan Thị Bé Tư cho hay lúc đó bà là Tổ trưởng Tổ Võ trang tuyên truyền, Ban Công vận T4 Khu Sài Gòn-Gia Định, bà được triệu tập về căn cứ Long Định ở tỉnh Long An để học cách đánh mìn Claymore. Song, địch phát hiện đã vây bắt bà cùng đồng đội rồi đưa về Cục An ninh quân đội ngụy.
“Chúng cột hai tay, hai chân tôi rồi tra điện vào chỗ kín của phụ nữ. Tôi không khai, nó đổ nước đầy họng rồi đạp cho tôi ói ra, sau đó đặt bao tải ướt lên người rồi cho điện giật. Nó còn quậy nước mắm ớt, tra vào lỗ mũi. Đánh mình xỉu đi rồi khi tỉnh dậy, nó hỏi tổ chức thế nào, không khai, nó đánh tiếp,” bà Bé Tư kể.
Trước “cái con Việt cộng cứng cổ,” bọn địch đưa bà Bé Tư qua Nha Cảnh sát đô thành rồi Nhà tù Thủ Đức, khám Chí Hòa.
“Ở những nơi này, chúng dụ ngọt rồi cưỡng ép chúng tôi phải chào cờ của chế độ ngụy. Nhưng tôi nói, tao chỉ chào cờ của Tổ quốc, không chào cờ ba que. Chúng liền đánh tôi để trả thù. Trong phòng giam giữ tôi, đã có những người bị tra tấn đến chết,” bà Bé Tư nhớ lại.
Cuối tháng 11 năm 1969, những người tù chính trị trong khám Chí Hòa hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất. “Đêm hôm đó, lư hương là lòng mình, chúng tôi kiếm vải trắng băng lên đầu để tang Bác. Hơn ba trăm tù nhân đồng loạt để tang Bác. Chúng rất sợ hãi việc này và giở trò phá hoại, đàn áp chúng tôi nhưng không ngăn cản được. Hôm sau, chúng đày tôi và nhiều người khác ra Côn Đảo,” bà Bé Tư cho hay.
Với cựu tù Lê Thị Đức (quê quán xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, hiện ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh), ngày bị đày ra Nhà tù Côn Đảo, bà mới hơn 18 tuổi.
Lúc đó, người phụ nữ này tham gia đợt 2 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trong Đội võ trang tuyên truyền, hoạt động tại mặt trận Cầu Kho, Long An.
“Ngày 6/5/1968, khi tôi chiến đấu hết đạn, chúng nó ào lại bắt tôi. Gần 1 năm bị tù đày, đánh đập ở nhiều nhà lao mà không khai thác được gì, chúng đưa tôi ra Côn Đảo. Suốt 4 năm ở đây, tôi chịu đủ mọi đòn tra tấn độc ác của địch. Bị đánh như chết đi sống lại nhưng chúng tôi vẫn không khuất phục,” bà Lê Thị Đức chia sẻ.
Phẩm chất, khí tiết những người con yêu nước
Câu chuyện của các cựu tù Phan Thị Bé Tư, Lê Thị Đức cùng những tư liệu lịch sử cho thấy, sau khi Hiệp định Geneva 1954 bị phá hoại, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau.
Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới.
Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xây dựng cả một hệ thống nhà tù gồm khoảng hơn 300 nhà tù, trại giam và nơi giam giữ để đàn áp phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta.

Hơn 700.000 cán bộ, đảng viên, trí thức, quần chúng yêu nước, những người bị tình nghi "có hại cho an ninh quốc gia"... đã bị giam giữ, tra tấn, đàn áp trong các nhà tù và trại giam của địch. Nhằm buộc những người yêu nước phải chọn ly khai Đảng, hoặc bị hành hạ đến chết, kẻ địch hủy diệt họ bằng một chế độ lao tù cực kỳ vô nhân đạo, chưa từng thấy trong bất cứ nhà tù nào, khiến các tù nhân sống không nổi, chết không xong.
Như tại Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) - nơi giam giữ 40.000 chiến sỹ cách mạng, có 4.000 người bị giết hại, trung bình mỗi ngày chúng giết hại 10 người. Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) giam giữ hơn 200.000 người, giết hại 40.000 chiến sĩ cách mạng.
Tại Côn Đảo, "chuồng cọp" là nơi giam giữ cực kỳ man rợ. Khi phát hiện “địa ngục trần gian” này, báo chí Mỹ đã loan những tin tức chấn động quốc tế, trong đó mô tả một nữ sinh trung học 16 tuổi bị tống giam trong "chuồng cọp" vì không chào cờ chế độ Sài Gòn.
Nữ sinh này bị treo lên một cái móc sắt, hình thức tra tấn này khiến xương sống của cô bị hư hại. Sau một năm ở đây, cô gái được chuyển giao cho nhà thương điên ở Biên Hòa.
Thế nhưng ở chốn lao tù đó, phẩm chất khí tiết người cộng sản đã sáng ngời. Như chia sẻ của cựu tù Phan Thị Bé Tư và Lê Thị Đức “còn một hơi thở cuối cùng cũng theo cách mạng, quyết không làm hoen ố thanh danh của người chiến sỹ cách mạng.”
Những người yêu nước luôn tin tưởng cách mạng sẽ chiến thắng, đất nước sẽ thống nhất. Bị giam trong chuồng cọp, họ vẫn học chính trị, vẫn sinh hoạt, bàn kế hoạch đấu tranh, vẫn hát ca, đọc cho nhau nghe thơ của Bác Hồ: “Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao.”
Cầm trên tay cuốn sách “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại" do Nhà Xuất bản Thông tấn phát hành năm 2023, bà Phan Thị Bé Tư kể về nguồn gốc bức ảnh, cũng là trang bìa cuốn sách. Đó là hình ảnh một nữ du khách tại Côn Đảo xúc động bật khóc ôm lấy bà khi nghe bà kể câu chuyện của mình trong chuyến trở lại Côn Đảo.
Mở trang sách có hình ảnh các cựu tù Côn Đảo trở lại buồng giam đã giam cầm họ, bà Bé Tư nói rằng ba mẹ là người kháng chiến, người chú đi tập kết, làng xóm có rất đông người theo cách mạng. Em trai bà đã hy sinh khi chiến đấu với quân Mỹ, ngụy.
Bản thân bà lúc bị bắt sắp trở thành đảng viên chính thức, mà người đảng viên thì "không cho phép mình làm những gì trái với Tổ quốc, trái với nhân dân."
“Chính điều đó giúp tôi chịu đựng sự tra tấn dã man của địch. Nhưng hơn hết, chúng tôi không nghĩ đến thân mình mà sống và sẵn sàng hy sinh vì khát vọng, niềm tin ngày đất nước thống nhất đang cận kề,” bà Bé Tư chia sẻ./.