Bữa cơm đặc biệt ở ven đô trước ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập
Nằm sâu trong ngõ An Dương Vương (Tây Hồ, Hà Nội) có một ngôi nhà đặc biệt, là địa chỉ đỏ, vinh dự được đón Bác Hồ từ Việt Bắc về, trước khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập.
Khác với vẻ xô bồ của những khu đô thị ven sông, Phú Thượng ngày nay vẫn giữ được đôi nét làng quê yên bình. Ngôi nhà của cụ ông Công Ngọc Lâm và cụ bà Nguyễn Thị An còn nguyên kiến trúc cổ như thuở mới xây, bước qua cánh cổng thấp là một khoảng sân rộng được lát gạch đỏ. Gạch tường đã rêu phong, bể nước ở góc sân được xây dựng cách đây gần một thế kỷ vẫn nguyên vẹn. Phía trước ngôi nhà khắc 4 chữ Hán “Trăng thanh gió mát”. Trong nhà đồ vật giường kệ, tràng kỷ được bài trí ngăn nắp.
Một không gian tĩnh mịch, nhuốm màu thời gian hiện về qua lời kể của người con gái chủ nhà - bà Công Thị Thu (92 tuổi). Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nước da nổi nhiều đồi mồi, giọng bà Thu sang sảng, trí nhớ vẫn còn nguyên, ánh mắt bà lấp lánh khi nhắc lại những ngày phục vụ đoàn công tác của Bác.
Bà kể với niềm tự hào và đầy xúc cảm về ngôi nhà của gia đình được Bác cùng đoàn công tác chọn làm nơi nghỉ và làm việc trong 3 ngày (từ 23 - 25/8/1945).
Những ngày tháng 8/1945, làng quê ngoại thành Hà Nội hừng hực khí thế cách mạng, nước sông Hồng khi đó dâng cao, cuồn cuộn đỏ rực phù sa. Cánh đồng trồng dâu mà cô gái Thu 17 tuổi hay đi hái về nuôi tằm cũng đã ngập. Bà Nguyễn Thị An thấy có nhiều biến cố nên thường xuyên nhắc nhở và giữ con gái ở nhà, giao làm những công việc gia đình.
Chỉ tay vào tấm hình đã nhuốm màu thời gian, bà Thu nhớ lại: “Chập tối ngày 23/8/1945, đồng chí Khánh (tức ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng) hối hả chạy đến nhà thông báo với mẹ tôi rằng gia đình chuẩn bị đón khách thượng cấp từ chiến khu về”. Lúc này các thôn của Phú Thượng giành chính quyền được vài hôm, bọn tề ngụy chưa tan rã hết, đồn bốt của quân Pháp, Nhật còn nguyên trên các tuyến đường chính ra vào TP nên mọi việc đón đoàn cán bộ rất bí mật.
Cả gia đình khẩn trương dọn dẹp đồ đạc khu nhà 5 gian, quét dọn lau rửa toàn bộ giường, tủ. Khi trời đã nhá nhem tối, ông Hoàng Tùng dẫn đoàn cán bộ đến, tất thảy có 12 người đều mặc trang phục màu chàm, súng đạn nai nịt gọn gàng.
Trong đoàn có một cụ già để râu dài, mắt sáng, người gầy gò như mới ốm dậy. Cụ mặc một bộ quần áo dân tộc miền ngược màu xanh chàm khiến nước da của cụ cũng xanh theo, nhưng dáng đi cùng động tác lại rất nhanh nhẹn và hoạt bát.
Cụ có giọng nói miền Trung ấm áp, nhẹ nhàng, được mọi người rất kính trọng. Cụ được bố trí nằm nghỉ ở gian giữa nhà trên chiếc sập gỗ, một trưởng đoàn nằm chiếc phản bên cạnh (sau này bà mới biết đó là ông Trần Đăng Ninh).
Ông Hoàng Tùng nói nhỏ với mẹ con bà Thu rằng đoàn có ăn tạm cơm nắm muối vừng, mướp luộc dưới làng Phú Xá, gia đình nấu thêm nồi cháo cho đoàn ăn tối. Bà Thu nhắc lại: “Mẹ tôi thưa vâng rồi bảo tôi đi gọi anh trai về ngay vì nhà có khách. Tôi vội chạy tới nhà Văn Chỉ nơi các cán bộ xã và anh trai tôi thường hay tụ họp để bàn chuyện”.
Vì nghe tin cụ là thượng cấp vừa ở chiến khu về nên có thể biết nhiều tình hình, anh trai bà - ông Công Ngọc Kha hối hả hỏi thăm về Đại hội quốc dân trên Tân Trào, diễn biến cách mạng trong cả nước để có kinh nghiệm chuẩn bị cho công tác, giữ chính quyền ở xã.
Sau đó, biết cụ vừa đi đường xa về mệt, hai anh em bà Thu xuống bếp giúp mẹ làm thịt gà nấu cháo cho đoàn ăn thêm. Chuẩn bị xong hai anh em đem cháo lên mời, cụ già thượng cấp ăn, khen cháo ngon và cám ơn gia đình chu đáo.
“Mấy ngày đó biết cụ già thèm rau, nên mẹ tôi tranh thủ thay đổi từng bữa, hôm canh khoai sọ, hôm canh chuối, canh đỗ, rau đủ loại. Sau mấy ngày, cụ đã hồng hào trông thấy. Cụ già thượng cấp hầu như rất ít ngủ, ngồi làm việc đến tận đêm khuya bên chiếc máy chữ và cây đèn dầu”, bà Thu cho biết.
Đến chiều ngày 25/8/1945, hai chiếc xe ô tô màu đen đưa các cán bộ về nhà bà Thu, gặp cụ già thượng cấp và cùng ngồi làm việc trên bộ trường kỷ (đó là các ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh).
Kết thúc cuộc họp khoảng 17h chiều, cụ già thượng cấp cho gọi mẹ bà đến và nói cần đi vào trong nội thành giải quyết một số công việc gấp, cám ơn gia đình trong mấy ngày qua. Cụ không quên gửi lời chào tới các thành viên khác, khi nào có thời gian sẽ về thăm lại gia đình.
Ba mẹ con bà cùng nhau ra ngoài đê tiễn. Cụ già thượng cấp nhanh nhẹn bước lên xe đi vào thành phố, còn lại 8 cán bộ trong đoàn tháp tùng vẫn ở lại nhiều ngày sau đó. Mấy ngày đó cả gia đình vẫn không hay biết cụ già thượng cấp chính là Bác Hồ.
Hòa cùng không khí cách mạng, chính quyền thôn Phú Gia được thành lập, cờ đỏ tung bay khắp nơi chuẩn bị cho ngày tuyên bố độc lập. Từ sáng sớm ngày 2/9/1945, bà Thu trong đoàn thanh thiếu niên cứu quốc được đi cùng đoàn đại biểu chính quyền và nhân dân trong xã, tới quảng trường Ba Đình dự lễ Tuyên ngôn độc lập.
Xúc động nói lại những ngày tháng lịch sử của dân tộc, bà bồi hồi: “Chúng tôi đến sớm và được bố trí gần khán đài, nên có điều kiện nhìn rõ. Quảng trường đông nghịt người, thiếu nhi một bên, thanh niên một bên, dân quân, phụ nữ, mỗi khối một bên…
Khi đoàn người trên lễ đài xuất hiện, tôi nhìn thấy một ông cụ đứng gần chiếc micro rất giống cụ già đã đến ở nhà mình mấy hôm trước, chỉ khác hôm nay cụ mặc bộ quần áo vải kaki màu sáng. Tôi hỏi anh trai nhưng đang trong buổi lễ nên ai cũng trật tự”.
Đến khi ông cụ cất lời nói và đọc bản Tuyên ngôn độc lập, bà Thu thấy giọng nói trầm ấm giống hệt giọng của cụ già thượng cấp. Khi buổi lễ kết thúc, mọi người ùa tan theo rừng người ra về.
Quá tò mò về thân thế ông cụ, vừa về đến nhà bà Thu đã hỏi ngay các cán bộ trong đoàn về người đọc Tuyên ngôn độc lập. Các anh cùng cười và nói rằng cụ già thượng cấp chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghe vậy bà mừng quá reo lên, chạy đi tìm và kể cho mẹ nghe. Hai mẹ con bà rưng rưng nước mắt ôm nhau vào lòng.
Hơn một năm qua đi, ngày 24/11/1946, vào một buổi sáng trời bắt đầu se lạnh, một chiếc xe ô tô đỗ ở đầu dốc đê xuống nhà bà Thu. Đoàn cán bộ gồm 5 người, đó là đoàn Văn phòng Trung ương Đảng, có cả Hồ Chủ tịch. Bác tươi cười bước vào nhà, Người vẫn mặc bộ quần áo kaki màu sáng, trông khỏe hơn nhiều so với lần trước.
Ông nội bà Thu đã hơn 80 tuổi, đi lại đã khó khăn nhưng vẫn còn minh mẫn. Từ nhà trên khi nghe tin có Chủ tịch nước về thăm, ông mặc áo the khăn xếp để đón tiếp.
Hồ Chủ tịch cầm tay ông dẫn vào ngồi bên trường kỷ và cùng trò chuyện. Ông nội bà chậm rãi thưa chuyện: “Năm trước Chủ tịch về đây còn là bí mật, nay đã công khai rồi, đất nước tự do rồi… Khắp mọi nơi nhân dân dựng cờ đỏ sao vàng đi theo cách mạng, đi theo ngài Chủ tịch. Dòng sông Hồng nhiều năm qua ít nước, nhưng năm trước khi cụ về nước sông lên cao đỏ nhuộm phù sa.”
Bà Thu tả lại cuộc nói chuyện thân mật gần gũi và mọi người cảm thấy Bác như là người thân trong gia đình vừa đi xa nay về thăm lại nhà vậy.
Đến gần trưa gia đình bà Thu chuẩn bị 3 mâm cơm rồi mời Bác cùng đoàn dùng bữa. Trên mỗi mâm có các đĩa thịt gà, giò, chả, thịt lợn kho, cá rim, rau luộc, bát canh khoai sọ.
Hồ Chủ tịch nhìn thấy mâm cơm liền gọi hỏi và có ý trách vị cán bộ đi theo vì sao lại bảo gia đình làm cơm nhiều món thịnh soạn như vậy, dân ta vẫn còn nghèo và đang kêu gọi phải tiết kiệm chống giặc đói.
Mẹ bà Thu lúc ý đỡ lời: “Thưa Hồ Chủ tịch, làng Phú Gia theo “đất lề quê thói”, khi có khách đến nhà, gia đình có bữa cơm mời là phải tươm tất ạ. Thức ăn phần nhiều là có sẵn ở nhà và nuôi trồng trong vườn, chỉ có giò, chả là phải lên Chợ Vẽ mua thôi!”.
Bác Hồ cám ơn gia đình và sau đó mọi người cùng dùng bữa. Vào bữa ăn Bác yêu cầu mọi người trong mâm tự gắp thức ăn. “Chúng tôi đều cảm nhận được Người thật giản dị, thân mật và gần gũi. Bữa cơm diễn ra trong không khí vui vẻ, thân thiết, đầm ấm như dự bữa cơm gia đình”, bà xúc động kể.
Kết thúc cuộc trò chuyện, bà Thu cho biết tại ngôi nhà này, gia đình còn được đón rất nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội như các ông Trần Đăng Ninh, Trường Chinh, Đỗ Mười, Võ Chí Công, Lê Đức Anh…
Sau hơn 90 năm ngôi nhà được xây dựng, tồn tại và sau 75 năm kể từ ngày Hồ Chủ tịch về đây nghỉ và làm việc - một chặng đường dài duy trì gìn giữ, ngôi nhà đã được công nhận là di tích lịch sử cấp TP vào năm 2019. Hiện nay ngôi nhà do ông Công Ngọc Dũng - con trai ông Công Ngọc Kha phụ trách trông nom, giữ gìn.
Về phần mình, bà Thu sau đó cùng các anh trai tham gia kháng chiến, từ một cô gái con nhà chánh tổng bà trở thành nữ du kích hoạt động ven sông Hồng và sông Đuống. Năm 1951, khi Đảng ra chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng trong vùng địch hậu, bà chuyển vào nội thành làm công tác giao thông, vận động người dân đi theo cách mạng.
Hơn 70 năm tuổi Đảng, vào mỗi dịp sinh nhật Bác hay Quốc khánh bà Công Thị Thu đều cùng con cháu vào lăng viếng Bác hay về Nghệ An, Đồng Tháp tưởng nhớ công lao của các bậc sinh thành ra Người. Những lần được gặp Bác là ký ức mà bà không bao giờ quên, đó cũng là động lực để bà dù tuổi đã cao vẫn luôn nỗ lực sống xứng đáng với lời căn dặn của Người.