Bữa cơm tất niên trong tâm thức người Việt
Để ý kỹ sẽ thấy, vào những ngày cuối năm hầu hết người Việt Nam rất xem trọng các cuộc sơ kết, tổng kết. Lý do chính có lẽ là kết thúc những buổi này thường diễn ra sự kiện liên hoan, nơi mọi người được tập trung đông đủ, vừa ăn uống vừa hàn huyên tâm sự mà những thời điểm bình thường khó có điều kiện. Vậy nhưng, không nhiều người nghĩ rằng, tập tính này dường như bắt nguồn từ truyền thống lịch sử cả nghìn năm của dân tộc: Bữa cơm tất niên.
Tất niên là gì, câu hỏi tưởng dễ nhưng dù rất quen thuộc, không phải ai cũng tường tận, thấu đáo. Nhưng thôi, việc giải thích cặn kẽ, nên để cho các nhà ngôn ngữ học họ làm. Với số đông người dân, chỉ cần hiểu nôm na: Chữ “Niên” nghĩa là năm, chữ “Tất” nghĩa là tất toán, hay kết thúc, cuối cùng.
Như vậy, cụm từ “Bữa cơm tất niên” được hiểu là bữa cơm cuối cùng trong 1 năm. Với người Việt, đó được hiểu là năm âm lịch.
Giữ vị thế là bữa cơm cuối cùng của 1 năm nên tất nhiên sự kiện này phải bao hàm nhiều ý nghĩa quan trọng. Và vì rất quan trọng nên nó luôn được tuyệt đại đa số người dân mong ngóng, chờ đợi và nâng niu gìn giữ qua dặm dài lịch sử.
Đó là lí do lớn nhất khiến tục làm bữa cơm tất niên luôn tồn tại bất di bất dịch trong tâm thức người Việt qua bao dâu bể thời gian cùng mọi biến động lịch sử.
Theo quan niệm của người Việt, bữa cơm tất niên không chỉ đơn thuần là một bữa cơm diễn ra vào ngày cuối cùng của năm. Người xưa cho rằng đây là dịp đặc biệt, một khoảnh khắc hiếm có để mỗi người tự nhìn lại bản thân trong một năm trời nỗ lực kiếm sống, lao động và học tập.
Do vậy, không có gì thuận lợi hơn là nhân dịp này, mỗi gia đình hay đại gia đình đều yêu cầu mọi thành viên phải có mặt đầy đủ để cùng sum vầy gặp gỡ.
Tất nhiên, để cuộc vui thêm phần ý nghĩa, dù mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng hầu hết các gia đình đều nỗ lực hết sức trong điều kiện có thể để các món ăn trong bữa cơm sẽ được bố trí phong phú hơn, đặc sắc hơn, cầu kỳ hơn và chắc chắn là ngon hơn bữa cơm ngày thường rất nhiều.
Tùy từng phong tập tập quán của từng vùng miền mà cơ cấu món ăn trong mâm cơm tất niên được thực hiện khác nhau nhưng cơ bản đều có những món ăn chủ đạo như bánh chưng, dưa hành, thịt gà, canh măng, giò thủ hoặc giò lụa, nem rán, thịt đông...
Theo quan niệm xưa, những gia đình nào càng đông đủ con cháu, các thế hệ cùng dùng bữa cơm này càng chứng tỏ gia đình đó nhiều phúc, lộc và may mắn.
Đây cũng chính là dịp để các thành viên mới như dâu, rể, con, cháu được giới thiệu một cách chính thức với các thành viên cũ, đồng thời làm lễ ra mắt với tổ tiên, những người đã khuất
Từ đó, tổ tiên mới biết được công việc, nghề nghiệp, những khó khăn mà thế hệ đi sau gặp phải trong năm cũ để phù hộ độ trì cho con cháu trong năm mới.
Quan trọng hơn cả là trong bữa cơm thường được kéo dài khá lâu này, vốn dĩ bình thường khó gặp nhau thì giờ là thời điểm thuận tiện nhất để mọi người trút bầu tâm sự, nâng ly rượu chúc nhau năm mới và kể cho nhau nghe những chuyện đã qua cùng những mục tiêu sắp tới.
Trẻ nhỏ lâu ngày không gặp nhau cũng được một dịp vui chơi, tụ hội và “ biết người trên kẻ dưới” trong gia đình, họ hàng quanh mâm cơm tất niên.
Không chỉ mang ý nghĩa gia đình sum họp, bữa cơm tất niên còn là nghi thức để tiễn biệt năm cũ, đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc. Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới.
Từ xưa đến nay, ngay cả khi thời bao cấp, kinh tế khó khăn đến thời điểm cuộc sống đã đi vào ổn định, người Việt vẫn luôn giữ thói quen lo cho bữa cơm tất niên được tươm tất, đủ đầy.
Có thể ngày nay, việc mua sắm đồ nhanh gọn hơn, những nghi lễ không quá cầu kỳ nhưng thường vẫn đầy đủ những đồ cần thiết. Bởi sự thành kính không phải ở mâm cao cỗ đầy mà chính ở cái tâm của mỗi người, gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Với phần lớn người Việt, bữa cơm tất niên luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng, đặc biệt, trải quan thời gian, nó thực sự là một sợi dây vô hình nối liền các thế hệ.
Mặc dù theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, không phải là nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết nhưng từ lâu, bữa cơm tất niên đã trở thành một phong tục đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt, nhắc nhở những người con dù đi xa đến đâu cũng nhớ bước chân quay về trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Bài, ảnh: Quang Nam