Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Nhạy cảm giới trong xét xử các vụ việc bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Sự kiện 'Bữa sáng Ruy Băng Trắng Nhạy cảm giới trong xét xử các vụ việc bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái' nhằm nâng cao nhận thức và nhạy cảm giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em gái.
Ngày 25/11, TANDTC phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women), Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) tổ chức sự kiện “Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Nhạy cảm giới trong xét xử các vụ việc bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” nhằm nâng cao nhận thức và nhạy cảm giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em trong những nỗ lực chung thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam của nhiều cơ quan, tổ chức trong nhiều năm qua.
Đến dự và chủ trì chương trình có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du, Trưởng ban Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TAND; Thẩm phán TANDTC Lương Ngọc Trâm, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TAND; bà Gaelle Demolis, Quyền trưởng Đại diện UN Women; ông Koen Duchateau, Trưởng Ban hợp tác Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam; bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là không thể và cần nghiêm trị thích đáng
Tới dự có hơn 100 đại biểu là các Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, đại diện lãnh đạo, chuyên gia và các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đến từ TAND, Viện kiểm sát nhân dân, các bộ, ngành, các Liên đoàn luật sư, các tổ chức xã hội, Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Đây còn là một hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 (15/11 - 15/12) tại Việt Nam cũng như Chiến dịch toàn cầu 16 ngày Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11-10/12).
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, Tòa án là cơ quan tư pháp thực thi công lý, bảo vệ quyền con người và đảm bảo rằng các quy định của pháp luật trong đó các nội dung liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới được áp dụng hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực, kể cả bạo lực tái diễn, buộc người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm và cung cấp bồi thường, khắc phục hậu quả cho nạn nhân. Tòa án cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng quyền bào chữa của bị can, bị cáo không làm ảnh hưởng tới quyền được đối xử phẩm giá và sự tôn trọng của nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.
Với thẩm quyền tố tụng của mình, các Thẩm phán có khả năng đảm bảo rằng nạn nhân không bị trở thành nạn nhân một lần nữa hoặc trở thành nạn nhân gián tiếp của hệ thống tư pháp. Họ là những người coi trọng nạn nhân và nhận thức được những thách thức, khó khăn của việc trải qua quá trình tố tụng thậm chí cả sự hủy hoại về danh tiếng, uy tín của nạn nhân khi những tổn thương mang tính riêng tư nhất, những đặc điểm và hành vi của họ được đem ra bàn tán ngoài xã hội.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Du nhấn mạnh, là người phán xử, Thẩm phán có quyền và trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực, đưa ra thông điệp với công chúng rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là không thể và cần nghiêm trị thích đáng. Đó cũng chính là thể hiện cam kết của Tòa án trong công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong hoạt động xét xử.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam cho biết, sự kiện diễn ra vào một ngày hết sức đặc biệt, "ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đổi với phụ nữ và trẻ em gái" và toàn thế giới bắt đầu chiến dịch “16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày hôm nay. Chủ đề đề cập đến ngày hôm nay cũng là một chủ đề rất quan trọng vì nó đề cập đến vấn đề quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là quyền sống mà không bị bạo lực, quyền được bảo vệ và quyền tiếp cận đến công lý.
Tại sự kiện, các đại biểu cùng xem vở kịch ứng tác mô phỏng một phiên tòa hình sự sơ thẩm trong đó yếu tố nhạy cảm giới dường như chưa được chú ý và thực hiện; gây ra rất nhiều tổn thương cho chính phụ nữ và trẻ em, những người vốn đã là nạn nhân của hành vi phạm tội. Qua vở kịch, đại diện những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bào chữa, bảo vệ lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; chuyên gia về bình đẳng giới cùng thảo luận về vai trò, cũng như tìm ra nguyên nhân, tác động và đưa ra các biện pháp ngắn hạn cũng như dài hạn cho chủ đề này.
Cùng với đó, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chỉ cần phải xét xử, giải quyết các vụ việc có liên quan một cách nhanh chóng, đúng quy định để bảo vệ tốt nhất phụ nữ và trẻ em. Quan trọng hơn, trong quá trình tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải có nhận thức về giới, nhạy cảm giới và trách nhiệm giới để từ đó góp phần xóa bỏ các định kiến giới vốn tác động tiêu cực tới phụ nữ và trẻ em trong cả lời nói lẫn hành động.
Thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức trong hoạt động của mình phải có ý thức và thực hành lồng ghép nhạy cảm giới qua cả lời nói, hành vi, văn bản, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em. Trong hoạt động tố tụng, yêu cầu này càng trở nên quan trọng khi có người tham gia tố tụng là phụ nữ, hoặc trẻ em. Nhất là khi họ là bị hại, nguyên đơn dân sự hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Về Ruy băng trắng và phong trào chống bạo lực với phụ nữ, vì quyền bình đẳng giới
Chiến dịch Ruy băng trắng bao gồm các hoạt động phòng, chống bạo lực với phụ nữ như truyền thông, giáo dục và các chương trình cho thanh thiếu niên, trong trường học, công sở và mở rộng ra cộng đồng. Trên toàn cầu, chiến dịch Ruy băng trắng được phát động đầu tiên ở Canada năm 1991, đến nay lan rộng ra hơn 60 nước và trở thành một phong trào lớn nhất được lãnh đạo bởi nam giới để vận động nam giới chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Bữa sáng Ruy băng trắng bắt đầu được thực hiện ở Úc năm 2003, đến năm 2007, Tổ chức Ruy băng trắng được thành lập chính thức và được lãnh đạo bởi nam giới. Đại sứ hình ảnh của chiến dịch là ngài Tổng tư lệnh lực lượng cảnh sát Nam Úc.
Năm 2014, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) học tập kinh nghiệm, tổ chức mô hình Bữa sáng Ruy băng trắng tại Việt Nam với mong muốn huy động nam giới tiên phong tham gia hoạt động để khẳng định vai trò và cam kết trong thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực giới. Các bữa sáng Ruy băng trắng liên tục được tổ chức từ năm 2014 và ngày càng mở rộng ra các tỉnh thành phố, mỗi năm 3-4 tỉnh.
Đến năm 2020, Mô hình truyền thông Bữa sáng Ruy băng trắng đã được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước (Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…) Sự kiện Ruy băng trắng các năm đều hướng tới nội dung huy động sự tham gia của nam giới, đặc biệt là nam giới lãnh đạo, có tầm ảnh hưởng chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong gia đình, tại nơi làm việc hoặc nơi công cộng. UN Women đã đồng hành với CWD từ năm 2014, năm 2020 bắt đầu có sự đồng hành của UNODC.
Chiến dịch Ruy băng Trắng thường tập trung các hoạt động vào 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ bắt đầu từ ngày 25/11 và kết thúc vào ngày Nhân quyền ngày 10/12.
Theo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.” Và “Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020 cả nước phát hiện 1.945 vụ, xâm hại 2.008 trẻ em (trong đó xâm hại tình dục 1.349 vụ, 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục)”. Do đó, số lượng các vụ án, vụ việc được đưa ra xét xử, giải quyết cũng ngày càng tăng.