Bữa tiệc thơ thiếu nhi của thành phố

Ngoài là ấn phẩm chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), tập thơ 'Sài Gòn của em' do Hội Nhà văn TPHCM thực hiện, được xem như bữa tiệc thơ thiếu nhi của thành phố khi quy tụ nhiều thế hệ làm thơ thiếu nhi ở thành phố qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Sự tiếp nối thế hệ

Có thể nói, tuyển tập thơ Sài Gòn của em là nỗ lực lớn, thể hiện tinh thần và trách nhiệm của Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn TPHCM. Bởi từ sau Tết Nguyên đán 2024, ban và những người thực hiện đã tổ chức tuyển chọn bài vở, liên hệ các tác giả để có những tác phẩm chính xác và đúng ý tác giả nhất. Dù với thời gian ngắn nhưng ấn phẩm đã kịp ra mắt vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, như một món quà tinh thần dành cho các em nhỏ.

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết, việc chăm lo và ưu tiên những gì tốt đẹp nhất cho thiếu nhi luôn là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM, đặc biệt là nỗi sợ sự đứt gãy giữa các thế hệ. Theo bà, thế hệ cầm bút tài hoa, tâm huyết như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Viễn Phương… đã có những tác phẩm hoàn thành sứ mệnh của một thời kháng chiến, thời hòa bình, đất nước khôi phục sau chiến tranh.

“Những thế hệ lớn lên sau chiến tranh giờ không còn trẻ, thời gian vàng để những người đó cầm bút cũng không còn nhiều nữa. Trong khi đó, người viết trẻ hiện đang mày mò tìm kiếm những thể nghiệm, trăn trở trước những vấn đề của thời đại. Nguy cơ sự đứt gãy trong sáng tác là rất rõ ràng, và chính vì sợ sự đứt gãy đó cho nên những dự án dành cho thiếu nhi luôn được xem trọng”, nhà văn Trầm Hương chia sẻ.

 Một số tác giả viết cho thiếu nhi của thành phố trong buổi giao lưu ra mắt tập thơ Sài Gòn của em. Từ trái qua: nhà thơ Lê Luynh, nhà văn Trần Gia Bảo, nhà thơ Trần Quốc Toàn và nhà văn Phương Huyền

Một số tác giả viết cho thiếu nhi của thành phố trong buổi giao lưu ra mắt tập thơ Sài Gòn của em. Từ trái qua: nhà thơ Lê Luynh, nhà văn Trần Gia Bảo, nhà thơ Trần Quốc Toàn và nhà văn Phương Huyền

Trong tuyển tập thơ Sài Gòn của em, bạn đọc sẽ gặp lại những tác giả của một thế hệ đã xa, như: Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Ngọc Ký, Thy Ngọc, Đoàn Vị Thượng, Chế Lan Viên; những tác giả đã quá quen thuộc, như: Nguyễn Nhật Ánh, Lệ Bình, Nguyễn Liên Châu, Khánh Chi, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thái Dương, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc… và cả những cây bút đã “chớm tuổi” thuộc thế hệ 7X, 8X như: Phan Trung Thành, La Mai Thi Gia, Võ Mạnh Hảo, Đào Phong Lan, Văn Thành Lê, Thục Linh, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Phong Việt… Đáng tiếc, tuyển tập thơ này lại thiếu vắng những tác giả thuộc thế hệ 9X, 10X hay những cây bút nhí đang bắt đầu với đam mê văn chương của mình.

Là người tham gia tuyển chọn chính, PGS-TS Bùi Thanh Truyền cho rằng, 50 tác giả trong tuyển tập chỉ mang tính tương đối, bởi số lượng này quá khiêm tốn so với thực tế.

“Chúng tôi rất mong những nhà thơ tâm huyết nhưng chưa đủ duyên để góp mặt ở đây lượng thứ. Hạn chế từ cuốn sách cũng là động lực để Hội Nhà văn TPHCM có những công trình đầy đặn, bề thế tiếp theo”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền bày tỏ.

Ghi dấu một thời thành tựu sáng tác cho thiếu nhi

Với Sài Gòn của em, bạn đọc có cơ hội gặp lại những bài thơ đi cùng năm tháng như: Tre Việt Nam, Bé nhìn biển, Quê hương - bài học đầu cho con, Mèo con đi học, Khi trang sách mở ra, Trái chín, Viếng Lăng Bác, Mỗi người một vẻ... Hay những bài thơ mới được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông như: Cô và mẹ, Hoa đào hoa mai, Cảm xúc Trường Sa, Mùa lúa chín, Thuyền trưởng và bầy ong, Sài Gòn của em, Leng keng Đà Lạt…

Cũng có những bài thơ đã được phổ nhạc, được yêu mến qua nhiều năm tháng: Vườn cây của ba, Vầng trăng cổ tích, Tia nắng hạt mưa, Vì sao mèo rửa mặt, Mùa lúa chín, Vàm Cỏ Đông…

Theo PGS-TS Bùi Thanh Truyền, đánh giá thơ văn, nhất là văn thơ cho tuổi thơ, khoan hãy dùng những khuôn thước, mà hãy để cho các em có hạnh phúc được thưởng thức những sản phẩm tinh thần phù hợp, bổ ích, từ đó chất nhân văn dần được hình thành.

“Từ quan niệm đến cách làm, tập thơ này là minh chứng cho niềm tin và trách nhiệm của người viết, của những đơn vị quản lý văn học, nghệ thuật ở thành phố đối với ý nghĩa của văn hóa nghệ thuật trong hành trình trưởng thành của tuổi thơ hôm nay”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền nói thêm.

Nhà thơ Lê Minh Quốc, người góp mặt trong tuyển tập Sài Gòn của em với hai bài thơ: Tập tắm cho conBé tập đánh vần, chia sẻ: “Tập thơ này đánh dấu một chặng đường sáng tác cho thiếu nhi từ 1975 đến nay và việc Hội Nhà văn TPHCM chọn 50 tác giả để đưa vào tập sách cho thấy lực lượng sáng tác cho thiếu nhi ở TPHCM đầy mạnh mẽ và những thành tựu không nhỏ”.

“Viết cho thiếu nhi vô cùng khó, bởi vì khi viết cho thiếu nhi, bạn không còn là con người vốn có mà phải là con người giáo dục. Tự bạn sẽ phải có một bộ lọc để biết chọn viết những gì là tốt đẹp nhất cho các em. Ngoài ra, khi viết cho thiếu nhi, bạn phải là nhà thẩm mỹ học, cái nhìn của bạn phải trong trẻo, hòa vào thiên nhiên. Tâm hồn bạn không rộng mở như thế làm sao có thể viết, có thể truyền tải được cái đẹp cho các em?”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bua-tiec-tho-thieu-nhi-cua-thanh-pho-post743442.html