Bức ảnh chụp ở Kiribati hé lộ cạnh tranh Mỹ - Trung

Bức ảnh - dù có thể chỉ là phong tục địa phương - lại hé lộ cả quan hệ Trung Quốc - Kiribati và sự căng thẳng của cuộc đua ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

Đầu tuần này, giới chức Mỹ và Australia đã xôn xao và phẫn nộ trước một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Bức ảnh cho thấy đại sứ Trung Quốc tại Kiribati đi trên lưng những người dân địa phương đang nằm úp mặt xuống đất sau khi ông đến đảo Marakei.

Constantine Panayiotou, tùy viên quốc phòng Mỹ tại 5 đảo quốc Thái Bình Dương bao gồm Kiribati, nói trên Twitter: "Tôi đơn giản là không thể tưởng tượng nổi bất kỳ tình huống nào mà việc đi trên lưng trẻ em là hành vi có thể chấp nhận được đối với đại sứ của bất kỳ quốc gia nào (hoặc bất kỳ người lớn nào)".

 Hình ảnh cho thấy Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati Đường Tùng Căn đi trên lưng những người dân địa phương. Ảnh: Twitter/@MichaelFieldNZ.

Hình ảnh cho thấy Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati Đường Tùng Căn đi trên lưng những người dân địa phương. Ảnh: Twitter/@MichaelFieldNZ.

Nhiều người ở Kiribati cho biết đây là phong tục và rằng hình ảnh có Đại sứ Trung Quốc Đường Tùng Căn đã bị lấy ra khỏi bối cảnh.

"Người dân Marakei có thể chào đón giới chức theo bất kỳ cách nào họ thích, ai cũng biết họ còn lưu giữ nhiều phong tục của vùng đất này", Katerina Teaiwa, phó giáo sư tại Đại học Châu Á và Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, có cha là người Kiribati, cho biết.

"Mọi người nên bớt ầm ĩ về chuyện này và tôn trọng hơn sự đa dạng văn hóa ở Thái Bình Dương, các hòn đảo nên có quyền tự quyết về văn hóa… Marakei có lẽ đang thử làm một điều gì đó theo phong tục để thể hiện sự vinh hạnh và lòng hiếu khách".

Nếu bức ảnh trên cho thấy mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Bắc Kinh với các đảo quốc Thái Bình Dương, sự ồn ào vây quanh nó lại phô bày cuộc cạnh tranh gay gắt về ảnh hưởng tại khu vực, và việc các động thái liên quan đến Trung Quốc bị theo dõi gắt gao như thế nào.

Khu vực này là nơi có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng vùng biển rộng lớn nhất thế giới với các tuyến hàng hải, hàng không và thông tin liên lạc quan trọng. Trong khi nhiều quốc gia Thái Bình Dương từ lâu đã đứng về phía Mỹ và các đồng minh của Washington, mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc đã trở nên thân thiết hơn trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng ngoại giao và tài chính.

Năm 2019, Kiribati, nơi có một trạm theo dõi vũ trụ không hoạt động của Trung Quốc, đã quay lưng với Đài Loan để kết giao với Trung Quốc.

Tổng thống hiện tại của Kiribati là Taneti Maamau, người vừa tái đắc cử với chiến thắng trước đối thủ có lập trường ủng hộ Đài Loan.

 Tổng thống hiện tại của Kiribati là Taneti Maamau (trái) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Tổng thống hiện tại của Kiribati là Taneti Maamau (trái) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6, Kiribati đã nhận được hơn 4,2 triệu USD từ Bắc Kinh cho "các dự án sinh kế", theo một tuyên bố của chính phủ Kiribati.

Quân đội Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng Kiribati có thể cho phép Trung Quốc xây dựng các cơ sở phục vụ cả hai mục đích quân sự và dân sự trên hòn đảo lớn nhất của họ, nơi cách Hawaii - trụ sở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ 2.000 km.

Trong khi đó, ông Maamau trước sau khẳng định rằng ông sẽ bảo vệ nền độc lập của đất nước và không có kế hoạch cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở nước này.

Nâng cao đảo

Góp phần thổi bùng cuộc tranh luận về việc Trung Quốc đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng ở Kiribati là kế hoạch đầy tham vọng và tốn kém để đối phó với tình trạng nước biển dâng ở Kiribati, đất nước với điểm cao nhất không quá 2 m so với mực nước biển.

Với dân số 115.000 người, Kiribati bao gồm 32 đảo san hô trải dài trên hàng nghìn cây số ở đại dương. Các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã cho rằng Kiribati sẽ không còn tồn tại trong 80 năm tới khi mực nước biển dâng lên.

Cựu lãnh đạo Anote Tong theo đuổi ý tưởng "di cư đàng hoàng" - mua đất ở đảo quốc Fiji bên cạnh và bắt đầu quá trình tái định cư người dân.

Dù vậy, ông Maamau, người lên nắm quyền lần đầu vào năm 2016, đã bác bỏ chiến lược di cư và thay vào đó tuyên bố rằng ý định của chính phủ ông là "gạt bỏ viễn cảnh sai lầm và bi quan về một quốc gia hoang vắng đang chìm". Cụ thể, ông theo đuổi sự hỗ trợ của khu vực để nâng các hòn đảo lên cao hơn so với mực nước biển đang dâng lên.

 Người dân tại Kiribati đang tìm cách đối phó với nước biển dâng. Ảnh: AFP/Getty.

Người dân tại Kiribati đang tìm cách đối phó với nước biển dâng. Ảnh: AFP/Getty.

Năm 2017, trong khi công bố "tầm nhìn 20 năm" của Kiribati với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thường niên lần thứ 23 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992, ông Maamau mời gọi các nhà đầu tư giàu có. Ông kêu gọi họ "biến Kiribati thành Dubai hoặc Singapore của Thái Bình Dương" bằng cách xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao giúp khách du lịch có thể tiếp cận "trải nghiệm lặn biển, câu cá và lướt sóng đẳng cấp thế giới".

Paul Kench, nhà nghiên cứu địa mạo duyên hải người Canada làm việc với chính phủ Kiribati về kế hoạch nâng cao đảo, cho biết những giả định trước đây rằng quốc gia này sẽ chìm khi mực nước biển dâng cao là "dựa trên hiểu biết không chính xác".

"Công trình của chúng tôi đã chỉ ra rằng các đảo là thực thể địa lý tự nhiên có thể điều chỉnh kích thước và hình dạng của chúng trên nền san hô khi mực nước biển thay đổi. Nhận thức này mang lại cho các quốc đảo một loạt cơ hội mới", ông nói.

Anna Powles, giảng viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Massey ở New Zealand, cho biết viễn cảnh Trung Quốc tài trợ cho một dự án như vậy đã làm dấy lên lo ngại về việc nước này "ngày càng gia tăng ảnh hưởng… bao gồm đối với bất động sản chiến lược của Kiribati".

Tuy nhiên, bà lưu ý rằng sự can dự của Trung Quốc “không đương nhiên có nghĩa là các cảng và sân bay với mục đích kép sẽ mọc lên", dù đây "rõ ràng là mối quan tâm lâu dài".

"Kiribati và Mỹ cũng có Hiệp ước Hữu nghị và Chủ quyền Lãnh thổ, trong đó quy định rằng bất kỳ hoạt động quân sự nào của các bên thứ ba trên quần đảo sẽ phải có sự tham vấn giữa Kiribati và Mỹ", bà nói.

Nợ nần chồng chất

Alexandre Dayant, nghiên cứu viên tại Viện Lowy của Australia, người theo dõi viện trợ tại khu vực Thái Bình Dương, cho biết dù Kiribati quay sang thiết lập bang giao với Trung Quốc, không có nhiều chuyện xảy ra kể từ đó.

"Viện trợ của Đài Loan là một phần quan trọng trong nguồn lực của đất nước và nó để lại khoảng trống trong thu nhập của chính phủ. Với việc (Kiribati) không còn quan hệ với Đài Bắc, hiện có một khoảng trống mà giới quan sát tin rằng Bắc Kinh sẽ lấp đầy", ông nói.

"Nhưng ngoài những tin đồn rằng Trung Quốc sẽ cung cấp toàn bộ kinh phí để mua sắm một số máy bay, chúng tôi vẫn chưa thể thấy viện trợ của Trung Quốc sẽ được rót vào đâu".

 Tổng thống Kiribati Taneti Maamau và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trao đổi văn kiện thiết lập bang giao bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York tháng 9/2019. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Kiribati Taneti Maamau và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trao đổi văn kiện thiết lập bang giao bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York tháng 9/2019. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, không chỉ có Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

"Australia đang theo đuổi chương trình 'Pacific Step-Up' (Củng cố Thái Bình Dương), New Zealand có 'Pacific Reset' (Tái lập Thái Bình Dương), Vương quốc Anh là 'Pacific Uplift' (Nâng cấp Thái Bình Dương)… Thậm chí Indonesia cũng có 'Pacific Elevation' (Nâng cao Thái Bình Dương)", ông cho hay.

Trong tất cả khó khăn mà Kiribati sẽ phải đối mặt với nỗ lực nâng cao các hòn đảo của mình, ông Dayant cho biết tài chính có thể là lo lắng lớn nhất.

"Tôi hiểu rằng một dự án như thế này sẽ tốn từ 100 triệu đến 300 triệu USD, gần gấp đôi GDP của Kiribati", ông nói. "Đi vay rõ ràng không phải là một lựa chọn - Kiribati được coi là có nguy cơ cao về nợ nần, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế".

Điều này dấy lên lo ngại rằng Kiribati có thể trở thành đối tượng của "ngoại giao bẫy nợ", chiến lược mà Trung Quốc bị cáo buộc đã áp dụng ở nhiều nơi khác.

Theo một báo cáo của Viện Lowy - công bố vào tháng 10/2019, "quy mô lớn của các khoản vay từ Trung Quốc" tại các quốc gia Thái Bình Dương đã "tạo ra nguy cơ rõ ràng" về việc ngập trong nợ nần đối với các nước nhỏ.

Kench, nhà nghiên cứu địa mạo duyên hải, cho biết việc tìm kiếm hỗ trợ tài chính cho Kiribati quan trọng hơn các nguy cơ chính trị.

"Có nguy cơ chúng ta bị cuốn vào cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc, xoay quanh quyền sở hữu chiến lược đối với các tài sản quân sự. Nếu điều này làm chậm tiến độ của dự án, Kiribati sẽ thua", ông nói.

"Thiệt hại do bão sẽ tràn lan, tài nguyên đất trên các đảo đông người sẽ suy giảm và cơ sở hạ tầng sẽ xuống cấp. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng và nguồn nước uống sẽ sụt giảm".

Chuyên gia Powles của Đại học Massey đồng ý rằng quan ngại về cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung Quốc không nên bị tách khỏi các nhu cầu của khu vực này.

"Chúng ta không nên quên mất thực tế rằng... biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu", bà nói.

Đông Phong
Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-dai-su-di-tren-lung-nguoi-kiribati-he-lo-canh-tranh-my-trung-post1122423.html