Bức ảnh lịch sử của phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng
Bức ảnh 'Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập' chụp trưa ngày 30/4/1975 của phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng đã trở thành một hình ảnh biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất đất nước suốt nửa thế kỷ qua. Xin lược giới thiệu Hồi ký của nhà báo Trần Mai Hưởng kể lại khoảnh khắc đặc biệt này tới bạn đọc.

Bức ảnh lịch sử này đã trở thành biểu tượng của TTXVN.

Nhà báo Trần Mai Hưởng
Kỷ niệm không thể nào quên trong đời làm báo
…“Mấy ngày trước đó, những trận đánh ở cửa ngõ phía đông diễn ra rất quyết liệt. Chúng tôi đã ở ngay sát căn cứ Nước Trong - một trong những điểm kháng cự cuối cùng của quân Sài Gòn.
Chiều 29/4/1975, chúng tôi hành quân theo đội hình của mũi thọc sâu. Các anh Hứa Kiểm và Đinh Quang Thành đi theo xe thiết giáp. Các anh là những tay máy chủ lực nên việc đi theo thiết giáp sẽ giúp các anh cơ động tốt hơn. Anh Vũ Tạo và tôi cùng với Thái điện báo, anh Toàn - Ban Tuyên huấn Sư đoàn và nhà báo Mạnh Hùng của Báo Quân đội Nhân dân khi ấy cũng ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn, đi cùng trên xe của chúng tôi do Ngô Bình lái. Chiếc xe com-măng-ca Liên Xô cũ kỹ của tổ phóng viên lọt thỏm giữa những chiếc tăng T54, xe thiết giáp, xe tải quân sự GMC to lớn. Cả đoàn quân tiến về hướng xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Các đơn vị đặc công đã chiếm giữ toàn bộ các cây cầu trên xa lộ. Những ổ kháng cự cuối cùng vẫn còn. Tiếng súng rộn lên ở phía trước báo hiệu các trận đánh vẫn đang tiếp diễn - những trận đánh cuối cùng của chiến tranh. Xe chúng tôi dừng lại ở một ngã ba, bên một chiếc xe tăng. Những người lính trẻ đang chia nhau những mẩu lương khô. Phía xa hơn, một xe tải của bộ binh chở đầy những hòm đạn đang tìm cách vượt lên. Đám lính tăng trẻ reo hò:
- Cho chúng em xin một kiểu ảnh gửi về quê các nhà báo ơi!
Khi bấm máy chụp cho họ, trong tôi nhói lên một ý nghĩ: Ai trong số họ sẽ là những người hy sinh trong những khoảnh khắc cuối cùng này? Đêm ấy, chúng tôi ở lại trong cánh rừng cao su ngoại ô Biên Hòa. Qua tán lá cây, tôi nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh những ngôi sao, trằn trọc không ngủ. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Lệnh hành quân có thể đến bất cứ lúc nào. Ngày mai, chúng tôi sẽ vào Sài Gòn. Nỗi lo lắng về công việc đè nặng và cả ý nghĩ rằng mình có thể hy sinh. Trên hết, mỗi chúng tôi đều biết rằng mình đang trải qua những khoảnh khắc không thể nào quên. Biết bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước. Trên mảnh đất mà “những đạo quân bước song song cùng lịch sử” này rất nhiều người đã không có mặt để chứng kiến giờ phút này. Vào khoảnh khắc này, trên khắp đất nước Việt Nam, hàng triệu mái nhà có lẽ vẫn sáng đèn, hàng triệu gia đình cũng không ngủ được. Tôi nhớ đến những ngày cùng với cánh quân phía đông vào giải phóng Huế, Đà Nẵng và các thành phố dọc miền Trung Phan Rang, Phan Thiết, Quy Nhơn, Nha Trang... Tất cả diễn ra chỉ trong vòng một tháng. Lịch sử đang đi với tốc độ một ngày bằng nhiều thập kỷ.
Rạng sáng ngày 30/4/1975, mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm. Tôi nhớ lúc qua cầu, nhìn vào chiếc máy ảnh Hải Âu trên tay và giật mình: Tôi chỉ còn 13 kiểu phim trên máy. Ngoài ra, tôi không còn cuộn phim dự trữ nào cả. Đành phải dặn mình chụp hết sức dè sẻn. Chỉ chụp những cảnh tôi nghĩ là thật cần, vì trên xe đã có ba phóng viên ảnh chuyên trách. Tôi không hỏi xin phim vì tôi biết, số phim các anh mang theo cũng đã cạn. Mệnh lệnh truyền xuống: Vừa đánh vừa tiến vào trung tâm. Những ổ kháng cự nhỏ hai bên đường vẫn bắn ra. Nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe nhỏ của chúng tôi áp vào sườn xe tăng, lúc bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng. Mục tiêu là Dinh Độc Lập. Từng đoàn xe nối đuôi nhau. Xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh. Pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường. Những đám khói đen đặc cuộn lên. Có đoạn, xe tăng phải hạ nòng bắn thẳng vào tàu chiến của quân đội Sài Gòn đang rút chạy. Từ trong thành phố, từng đoàn người bị dồn ép đang bung ra, đi ngược chiều về phía Biên Hòa bằng đủ loại phương tiện. Dòng người cuồn cuộn trên xa lộ dài cả chục cây số. Một cơn mưa lớn ập đến. Không mặc áo mưa, đồng bào vẫn đứng ở hai bên đường reo hò, vẫy chào quân giải phóng. Vào một lúc dừng xe trên xa lộ, người sĩ quan của Sư đoàn 304 đi cùng xe với chúng tôi mở đài.
Tướng Dương Văn Minh đang ra lệnh cho quân đội Sài Gòn ngừng bắn - một mệnh lệnh quá muộn màng khi thất bại cuối cùng chỉ còn tính từng giờ. Khi chúng tôi dừng lại và nói chuyện với Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ thì cũng thấy Hoàng Thiểm và Ngọc Đản ngồi trên xe thiết giáp đi qua. Sau này mới biết, các anh cũng hình thành một nhóm đi theo chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị và cũng đi theo lực lượng của Quân đoàn 2. Khi ấy những trận đánh phía trước vẫn đang diễn ra. Phạm Xuân Thệ đang lo chỉ đạo lực lượng của Trung đoàn theo mũi thọc sâu. Anh đội mũ cối, vai mang xà cột cũng buộc một chiếc khăn mặt kèm theo. Chi tiết này tôi cứ nhớ mãi. Một lúc sau đó, chúng tôi gặp các anh Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành trên xe tải đi ngang. Hai anh lại nhảy xuống, lên đi cùng xe con với chúng tôi từ lúc đó. Phía trước đường tắc, lại sắp vào trong thành phố, xe nhỏ dễ luồn lách hơn.
Chúng tôi bám sát đội hình hành quân, tiến vào trung tâm thành phố. Sài Gòn đây rồi! Đường Lê Văn Duyệt rộng là thế, giờ như nhỏ lại, không đủ sức chứa cả đoàn quân. Đồng bào đổ ra chật kín hai bên đường phố. Những lá cờ cách mạng được chuẩn bị âm thầm bao lâu nay trong từng ngôi nhà, giờ tung bay trong nắng. Giữa bốn bề âm thanh náo nhiệt, tưng bừng, tôi vẫn nghe rất rõ tiếng những lá cờ bay. Tôi nhớ đến lễ trao cờ trước giờ xuất kích của các chiến sĩ Trung đoàn 66, đơn vị chủ công đánh vào Sài Gòn từ phía đông mà tôi có dịp chứng kiến. Giữa rừng cao su xanh mướt, những người lính đứng lặng yên bên những chiếc xe tăng và những khẩu pháo, nghe lời dặn dò của Tư lệnh trưởng:
- Các đồng chí hãy đem lá cờ Quyết chiến Quyết thắng cắm lên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, cái đích cuối cùng của cuộc hành quân của biết bao thế hệ vì độc lập, thống nhất của đất nước chúng ta!
Dòng người cuồn cuộn trên các ngả đường cuốn chúng tôi đi. Một em bé trai tên là Nguyễn Dũng, nhà ở phố Tôn Thọ Tường trèo ngay lên xe, nắm tay tôi, rồi thò đầu ra ngoài, vẫy tay la lớn:
- Hoan hô! Chiến thắng rồi!
Bác Lê Văn Cương, thợ may, nhà ở trên xa lộ, cùng hàng trăm thanh niên phóng xe đi theo đoàn quân vào trung tâm thành phố. Vừa vịn tay lên thành xe của chúng tôi, bác hát rất say sưa một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng say trong câu hát. Lớp lớp đoàn quân tiến về”... Những người dân cùng những người lính chúng tôi hát theo bác.
Xe chúng tôi lao về phía Dinh Độc Lập. Người lái xe lúng túng vì thành phố quá lớn và có rất nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, chúng tôi cũng đến nơi. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến trước ít phút. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập bị hất tung. Vừa vào trong Dinh, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh. Một hình ảnh rất đẹp: Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh
Sư đoàn 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo.
Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó. Đó chính là bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” mà sau đó được chuyển ra Hà Nội, Việt Nam Thông tấn xã phát đi, được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng mùa Xuân cho đến ngày nay. Đó cũng là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi.
(Phim gốc của tác phẩm mà tôi là tác giả này mang số hiệu AB 3689 đang được lưu giữ tại kho Tư liệu ảnh quốc gia của TTXVN. Anh Vũ Tạo cũng chụp cảnh này, nhưng khi xe tăng đó vào sâu hơn trong Dinh một chút. Phim này cũng lưu ở tư liệu của TTXVN).
Một thắng lợi kỳ diệu
Nội các của tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Đại diện các lực lượng vũ trang cách mạng trả lời về việc họ muốn bàn giao chính quyền:
- Các ông không thể bàn giao cái mà các ông không có trong tay!
Một câu nói đã đi vào lịch sử!
Khi chúng tôi tiến vào cổng Dinh, một nhà báo phương Tây nhận ra các đồng nghiệp đã tung một chiếc máy ảnh lên trời tỏ ý vui mừng. Anh là Boris Gannep, một nhà báo Đức làm việc cho tờ Spigel (Tiến Bộ) của CHLB Đức. Anh nói với tôi:
- Tôi chờ đợi ngày này đã lâu. Thật là một thắng lợi kỳ diệu!
Theo lái xe Ngô Bình, người khi ấy có đồng hồ đeo tay, thời điểm xe chúng tôi vào Dinh Độc Lập, cũng là lúc nhà báo Vũ Tạo và tôi chụp ảnh xe tăng 846 đang qua cửa Dinh là 12 giờ kém 15 phút. Khi ấy, nội các Dương Văn Minh vừa được áp tải sang Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Chúng tôi tác nghiệp ở Dinh Độc Lập chừng 35 đến 40 phút thì Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và tùy tùng, có các chiến sĩ giải phóng đi kèm, mới từ Đài phát thanh trở lại Dinh.
Từ Dinh Độc Lập, theo ý kiến của tổ trưởng Vũ Tạo, anh em trong tổ chia làm hai hướng. Các anh Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành dùng xe của tổ đi ra hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Từ Dinh Độc Lập, tôi cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, mượn chiếc xe con của Phó tư lệnh Quân đoàn 2, tướng Hoàng Đan, đi tới các nơi khác trong trung tâm thành phố để ghi lại những hình ảnh và thu thập thông tin cho bài viết của mình: Sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất - Mạc Đĩnh Chi còn nguyên dấu vết của một cuộc rút chạy hoảng loạn. Tại Phủ Thủ tướng, giấy tờ, con dấu vứt bừa bãi dưới sàn. Trụ sở Bộ Quốc phòng ngổn ngang hàng chục xe Jeep đủ loại. Tổng nha cảnh sát đầy ắp súng ống. Văn phòng tướng Cao Văn Viên tại Bộ Tổng tham mưu còn cả những mẩu bánh mỳ ăn dở vứt trên bàn... Chúng tôi qua chợ Bến Thành, qua bến Nhà Rồng, đi dọc đường Nguyễn Huệ... Đâu đâu cũng gặp những biển người sôi động niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt mừng vui. Cả thành phố thực sự sống trong một ngày hội lớn.
Trưa và chiều 30/4/1975, Dinh Độc Lập thực sự là nơi hội quân của nhiều phóng viên chiến trường và các cơ quan báo chí khác trong một thời điểm lịch sử. Với anh Trần Mai Hạnh và tôi, việc hai anh em cùng có mặt tại Dinh Độc Lập và ghi lại những dấu ấn của mình bằng bài viết, hình ảnh thật sự là một điều may mắn và vô cùng có ý nghĩa.
Chiều ngày 30/4/1975, khi tôi kết thúc những dòng ghi chép ngày đầu Sài Gòn giải phóng thì trời bắt đầu tối. Cả thành phố bừng sáng ánh điện. Những trái pháo sáng - một thứ pháo hoa đặc biệt vọt lên và tỏa sáng trên bầu trời. Đêm ấy, cả Sài Gòn cũng như mọi miền trên đất nước Việt Nam, là một đêm không ngủ./.