Những người Hải Dương vào Dinh Độc Lập đúng ngày 30/4 lịch sử

Có nhiều người Hải Dương - khi đó là những chàng trai 18 - 20 tuổi, vai áo sờn rách còn vương mùi khói súng trong những đoàn quân giải phóng rầm rập tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Từ trái sang: Trung úy Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1 xe tăng 390 cùng đại úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên Đại đội 4, trưởng xe 390; thiếu úy Nguyễn Văn Tập trong kíp xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập tại buổi gặp mặt "50 năm - toàn thắng về ta" do Tổng cục Chính trị, Báo Quân đội Nhân dân tổ chức ngày 16/4. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Từ trái sang: Trung úy Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1 xe tăng 390 cùng đại úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên Đại đội 4, trưởng xe 390; thiếu úy Nguyễn Văn Tập trong kíp xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập tại buổi gặp mặt "50 năm - toàn thắng về ta" do Tổng cục Chính trị, Báo Quân đội Nhân dân tổ chức ngày 16/4. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Cây số cuối cùng kết thúc cuộc trường chinh dằng dặc

Trong cuộc đại trường chinh đánh Mỹ để thống nhất non sông, hàng vạn chàng trai, cô gái của tất cả các miền quê đều tham gia vệ quốc, song lịch sử đã lựa chọn các chàng trai Hải Dương thời ấy là những người gắn với thời khắc lịch sử nghìn năm có một. Và có 2 người không thể không nhắc tên trong những ngày trọng đại này là đại úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên Đại đội 4, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, trưởng xe 390; thiếu úy Nguyễn Văn Tập (cùng quê Gia Lộc) lái xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Đại úy Vũ Đăng Toàn và thiếu úy Nguyễn Văn Tập tại Dinh Độc Lập, tháng 4/2025

Đại úy Vũ Đăng Toàn và thiếu úy Nguyễn Văn Tập tại Dinh Độc Lập, tháng 4/2025

Ông Nguyễn Văn Tập từng nói về hành trình đầy oai hùng nhưng gian khổ cho đến ngày chiến thắng cuối cùng: "Không đơn giản mà xe tăng của ta tới cổng Dinh Độc Lập ngay được. Bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để cho chúng tôi tiếp cận được cổng Dinh Độc Lập".

Ông Tập kể, khi vào đến Sài Gòn, các xe chạy cách xa nhau, ông nói với ông Toàn trưởng xe: "Có thể xe của mình chạy quá rồi anh ạ. Tôi liền dừng lại và gọi một thanh niên tầm 17 - 18 tuổi đang xách vali trên vỉa hè lại và hỏi đường. Người này nói, cần lùi lại một đoạn vì đã đi quá".

Ông Tập kể tiếp, xa xa đã thấy xe 843 của Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận đang mắc ở cổng phụ bên trái Dinh. Ông Tập xin ý kiến ông Toàn "Bây giờ như thế nào hả anh?", ông Toàn lệnh "Lao thẳng vào".

Những người lính xe tăng quê Hải Dương cùng đồng đội tại Dinh Độc Lập, tháng 4/2025

Những người lính xe tăng quê Hải Dương cùng đồng đội tại Dinh Độc Lập, tháng 4/2025

Ông Vũ Đăng Toàn kể, khi vào Dinh Độc Lập, đơn vị nào vào trước phải có trách nhiệm cắm cờ chứ không chờ đơn vị được giao, vì sẽ mất thời cơ. Ông Toàn định cầm cờ nhảy xuống thì anh Phượng, Đại đội phó nói anh Bùi Quang Thận đang cầm cờ chạy phía sau nên ông Toàn ôm AK yểm trợ. Chỉ chừng 10 phút sau thì xe tăng của các thê đội khác, ô tô và các lực lượng bộ binh đã vào kín sân Dinh.

Sau đó không lâu, đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, trên Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh.

Là những người lính của Đại đội 4 anh hùng, ông Toàn và ông Tập có cùng hành trình như ông Nguyễn Khắc Nguyệt, cùng tập kết tại Vĩnh Phúc và cùng nhận lệnh hành quân Nam tiến.

Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa

Chiếc xe tăng 380 do ông Nguyễn Khắc Nguyệt lái tiến qua cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Bức ảnh do một phóng viên người Pháp chụp, hiện được ông Nguyệt treo tại nhà riêng ở Hà Nội

Chiếc xe tăng 380 do ông Nguyễn Khắc Nguyệt lái tiến qua cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Bức ảnh do một phóng viên người Pháp chụp, hiện được ông Nguyệt treo tại nhà riêng ở Hà Nội

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã viết những lời thơ như thế, để nhớ về những ngày này tròn 50 năm về trước.

Trưa 30/4/1975, ông Nguyệt là người lái xe tăng 380 cùng thê đội xe tăng của Đại đội 4 hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt, biểu tượng quyền lực cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

Sau 50 năm, ông Nguyệt vẫn miệt mài viết sách. Đó là các cuốn: "Hành trình đến Dinh Độc Lập", "Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam - Lịch sử nhìn từ tháp pháo", hay “Thiếu tướng xe tăng Đào Huy Vũ”... 17 đầu sách đã xuất bản, không chỉ kể lại hành trình của những người lính xe tăng, mà như một lời tri ân những đồng đội của ông đã ngã xuống trên hành trình đến thắng lợi cuối cùng.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt nói chuyện về "Hành trình đến Dinh Độc Lập" tại Thư viện tỉnh Hải Dương, tháng 4/2025

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt nói chuyện về "Hành trình đến Dinh Độc Lập" tại Thư viện tỉnh Hải Dương, tháng 4/2025

Ông Nguyệt quê ở Chí Linh (Hải Dương). Tháng 12/1971, ông là 1 trong 800 người Hải Hưng được tuyển vào Binh chủng Thiết giáp (sau này là Binh chủng Tăng thiết giáp). Khi đó, mỗi huyện, thị xã hình thành 1 trung đội, tập trung về xã Ái Quốc (nay thuộc TP Hải Dương) rồi lên Vĩnh Phúc. Huấn luyện còn dang dở, tháng 3/1973, ông Nguyệt cùng kíp nhận xe 380 để bắt đầu trải những "vết xích mùa xuân" trong hành trình cho đến ngày chiến thắng.

Đến bây giờ, trong các câu chuyện kể, ông Nguyệt chưa từng hết tự hào vì trong 40 ngày, Đại đội 4 anh hùng đã cơ động 1.000 km giải phóng 3 thành phố lớn gồm Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Giải phóng Đà Nẵng, bộ phận xe tăng nặng của Đại đội 4 hành quân thần tốc vào phía Nam, băng qua Long Khánh, Xuân Lộc, qua Nước Trong, Nhơn Trạch, Long Thành... hướng đến Dinh Độc Lập.

Trong hành trình ấy, xe 380 của ông Nguyệt bị bắn thủng tháp pháo, khẩu 12 ly 7 bị lật tung, 1 đại liên bị bẹp. Pháo 2 là ông Nguyễn Kim Duyệt (quê Hà Nội) bị thương nặng, sau đó hy sinh, Trưởng xe Nguyễn Đình Luông (quê Thanh Hóa) bị thương.

Từ thời điểm đó cho đến khi vào đến Dinh Độc Lập, xe 380 mất sức chiến đấu do chỉ còn ông Nguyệt và pháo thủ Trương Đức Thọ (quê Thái Bình). Tuy vậy, xe 380 cùng thê đội xe tăng vẫn băng băng tiến vào Sài Gòn.

Cùng với các ông Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập, Vũ Khắc Nguyệt, chúng tôi đã gặp nhiều cựu chiến binh người Hải Dương có mặt ở Dinh Độc Lập đúng thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975. Những chiến công, đóng góp của họ cho non sông, đất nước thống nhất khó mà bút giấy nào kể hết.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-nguoi-hai-duong-vao-dinh-doc-lap-dung-ngay-30-4-lich-su-409669.html