Bức ảnh suất cơm của bác sĩ thay đổi hoàn toàn thái độ của nữ bệnh nhân F0
Khi bệnh nhân than phiền về bất tiện ở bệnh viện, bác sĩ Tứ Phương đã gửi cho chị hình ảnh suất cơm hộp của mình và đồng nghiệp với lời nhắn nhủ mong chị đồng cảm và lạc quan hơn trong quá trình điều trị.
Ngày làm việc của BS.CK1 Tống Hồ Tứ Phương tại BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bắt đầu với các con số báo cáo về tình hình các ca bệnh. Bệnh viện này đang điều trị cho khoảng 3.200 bệnh nhân với sức chứa, quy mô 4.000 giường.
2 bác sĩ và 4 điều dưỡng sẽ chịu trách nhiệm quản lý một tòa với khoảng 180-200 bệnh nhân. BV dã chiến thu dung có nhiệm vụ tiếp nhận các bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Bởi vậy công việc của y bác sĩ chủ yếu là thăm khám, sàng lọc qua điện thoại để phát hiện sớm các ca bệnh tiến triển nặng.
“Trong mỗi tòa với khoảng 180 bệnh nhân có 5-7 người cần thở oxy, gần 20 bệnh nhân cần thuốc hỗ trợ. Các bệnh nhân còn lại đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Với những bệnh nhân này, họ cần đảm bảo dinh dưỡng, dùng vitamin và đa phần tự khỏi bệnh”, bác sĩ Phương nói.
Mỗi ngày, các bệnh nhân sẽ nhận được cuộc điện thoại để hỏi thăm, theo dõi về sức khỏe. Trường hợp xuất hiện dấu hiệu nặng (khó thở, tức ngực, thở mệt, thở nhanh) sẽ được điều xuống phòng dưới mặt đất để tiến hành đo Sp02, kiểm tra.
‘Điều trị’ tinh thần cho bệnh nhân
Theo BS Phương, quan trọng nhất là tinh thần của người bệnh. Những ngày đầu nhập viện, nhiều bệnh nhân hoang mang hoặc khó chịu, thậm chí là chống đối, đòi bỏ về. Bởi họ đang từ chỗ thoải mái phải vào nơi nóng nực, bức bí, phải ở chung người lạ nên tâm lý chưa ổn định. “Với những trường hợp như vậy, chúng tôi đều phải làm công tác tư tưởng”, anh nói.
“Có những F0 vừa vào, lo lắng quá, họ gọi điện thường xuyên. Bác sĩ khuyên nhưng họ không nghe, họ phàn nàn các bác sĩ không thăm khám, chăm sóc, không điều trị. Tuy nhiên, đây là bệnh viện tiếp nhận những người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên người bệnh chỉ cần tuân thủ các khuyến cáo, nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe. Với những trường hợp có triệu chứng, bác sĩ sẽ thăm khám và có biện pháp kịp thời”, BS Phương nói thêm.
Sau khi vào viện một thời gian, các bệnh nhân đều lạc quan, bình tĩnh hơn. Không ít người bệnh chia sẻ, họ dù là F0 nhưng hàng ngày được ở trên tầng thoải mái nghỉ ngơi, tập thể dục. Khi nhìn xuống sân, thấy các dân quân tất bật khiêng vác đồ đạc, các bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín người phải làm việc quá tải, họ đã dần hiểu và đồng cảm hơn với lực lượng y tế.
BS Tứ Phương cũng ấn tượng về một nữ bệnh nhân vào từ những ngày đầu bệnh viện được lập ra. Lúc đó, do chuyển công năng từ khu nhà tái định cư sang bệnh viện nên có nhiều thiếu thốn như ống nước hỏng, thường xuyên mất nước, mất điện.
Một lần mất nước, nữ bệnh nhân liên tục than phiền, sau đó đăng tải và lan truyền thông tin này trên facebook. Bác sĩ Phương đã nhắn tin chia sẻ rằng, đây là những yếu tố khách quan, khó thể tránh khỏi khi bệnh viện vừa được hình thành.
“Tôi nói nếu những bức xúc đến từ thái độ phục vụ bệnh nhân của các bác sĩ, bạn có thể phàn nàn nhưng đây là khó khăn khách quan, chúng ta phải thông cảm để cùng vượt qua. Bên khu bác sĩ ở cũng bị mất nước. Tôi cũng chụp phần cơm của mình gửi cho bạn đó kèm theo lời nhắn nhủ: phần cơm của anh cũng là cơm hộp như của em, đúng là không dễ ăn nhưng anh vẫn cố ăn để có thêm sức làm việc”.
Sau đó, nữ bệnh nhân hiểu hơn về những nỗ lực của lực lượng y tế. Hiện sức khỏe chị đã ổn định và được ra viện cách đây không lâu. Chị cũng không quên nhắn tin cảm ơn các y bác sĩ trong ngày được rời bệnh viện dã chiến.
Sau những ngày đầu khó khăn, phải khắc phục bằng cách lấy nước từ trạm cứu hỏa, phát xô chậu để dữ trữ nước, dùng máy phát để đề phòng mất điện, hiện mọi điều kiện tại bệnh viện đã được đảm bảo, ổn định.
Những cuộc gọi lúc nửa đêm
Không phân ca, các bác sĩ ở đây luôn phải sẵn sàng tinh thần làm việc 24/24 khi có sự cố. “Quan trọng nhất với các bác sĩ chính là sự dấn thân, không ngại khổ, không sợ lây nhiễm mới có thể đảm bảo được công việc”, anh nói.
Có những ngày bệnh nhân xuất viện đông, bộ phận hành chính cũng liên tục làm việc đến 2h giờ sáng. Vì lượng công việc nhiều nên các bác sĩ ngoài chuyên môn còn kiêm luôn công việc khác như bốc vác, khiêng đồ.
“Do lực lượng dân quân làm từ sáng đến tối cũng mệt, nên có lúc nửa đêm, các bác sĩ chúng tôi cũng tự xuống khuân vác bình oxy (nặng khoảng 75kg) lên các tầng. Bệnh nhân hết oxy, chúng tôi lại tất tả sang khu khác, phòng khác để tìm oxy cho bệnh nhân”, anh nói.
Bệnh viện dã chiến thu dung cũng đang điều trị cho một gia đình có 5 người dương tính với Covid-19. Người mẹ, cao tuổi, bệnh nặng ở một nơi khác, 4 người còn lại (người chồng, con trai, con dâu và cháu trai) được điều trị tại đây.
“Vừa qua, 3 người (người chồng và vợ chồng con trai) tiến triển nặng phải thở oxy. May mắn, đến nay sức khỏe họ đã tốt hơn”, BS Phương cho biết.
Vào bệnh viện đã hơn 3 tuần, dự kiến sau 4 tuần làm việc và 2 tuần cách ly, anh sẽ được về nhà. Tuy nhiên nam bác sĩ chia sẻ: “Dù rất nhớ nhà nhưng nếu bệnh viện thiếu người, tôi vẫn sẽ ở lại cùng các đồng nghiệp”.