Bức chân dung
Họa sĩ Thanh Đoàn ngước nhìn vòm lá đen thẫm và lắng nghe tiếng nổ lốp bốp của những quả cao su. Anh đứng sững lại vì một cảnh tượng lạ lùng đang diễn ra trước mắt. Một đứa trẻ khoảng chín tuổi bị trói vào gốc cây. Vây quanh là bốn năm đứa trẻ cùng tuổi, đang hò hét cái gì đó. Một đứa đứng gần giơ cao con dao nhọn chĩa vào thằng bé bị trói.
Thoạt đầu, anh ngỡ đó là một trò chơi nghịch ngợm của bọn trẻ bày ra. Nhưng khi nhìn kỹ gương mặt thằng bé bị trói – miệng nó mím chặt, đôi mắt đen ánh lên giữa tia sáng dữ dội… anh hiểu không phải là chuyện đùa. Anh chạy đến giật phắt con dao nhọn. Một con dao được đẽo bằng gỗ.
Sự xuất hiện bất ngờ của anh làm bọn trẻ sợ hãi chạy tán loạn. Anh cúi xuống, cởi trói cho thằng bé.
- Các cháu chơi trò gì thế hả?
Thằng bé lắc đầu.
- Cháu tên gì?
Im lặng.
- Nhà cháu ở gần đây không?
Thằng bé vẫn im lặng. Nó đứng tựa vào gốc cây, mái tóc bù xù, chiếc áo sờn cũ rách toạc nhiều chỗ, chắc là do cuộc vật lộn vừa qua. Họa sĩ Thanh Đoàn có cảm tưởng như đứa bé đang cố nén những tiếng nấc chợt dâng lên trong lồng ngực. Anh hiểu rằng, có chuyện gì đó không bình thường. Anh cầm tay thằng bé và bảo: “Để chú dẫn cháu về nhà”.
Thằng bé vẫn để yên bàn tay trong tay họa sĩ, nhưng nó cứ đứng ì ra bên gốc cây. Họa sĩ đã hơi bực mình, thì tiếng chân chạy đến gần rồi tiếng kêu như lạc đi: “Con!”. Thằng bé vùng chạy về phía có tiếng kêu. Họa sĩ quay lại và nhận ra một người phụ nữ còn trẻ, tay xách chiếc xô vẫn còn dính mủ cao su. Thằng bé ôm chầm lấy mẹ, khóc nấc lên. Nó lí nhí nói với mẹ điều gì đó mà họa sĩ không nghe rõ. Anh quay bước, cố đi thật nhanh vào con đường nhỏ hun hút phía sau những lô cao su.
Họa sĩ quay lại vì có tiếng gọi phía sau. Thằng bé đến gần, nó đứng nghiêm trang, tay khoanh trước ngực: “Dạ thưa… Dạ thưa… má cháu bảo cháu đến cảm ơn ông”.
Họa sĩ không nói gì, anh đặt bàn tay lên đầu nó với một cử chỉ âu yếm và mỉm cười. Thằng bé ngước đôi mắt đen nhìn anh, vẻ cảm động.
Sáng hôm sau anh mang giá vẽ, bút, bột màu đi sâu vào rừng cao su. Dẫu không định trước, bước chân anh vẫn cứ đi về phía những lô cao su hôm qua, nơi thằng bé bi trói.
Họa sĩ dồn tâm trí vào bức vẽ, quên cả mọi thứ xung quanh. Khi ngẩng lên, anh chợt thấy hình như có ai đó ở phía sau đang ngắm bức phác thảo của mình. Anh quay lại, và một lúc lâu mới nhận ra thằng bé hôm qua bị trói vào gốc cây. Hôm nay, trông nó khác hẳn. Nó mặc một chiếc áo thun cộc tay, chiếc quần thể thao của trẻ con có may hai bên hai cái nẹp trắng. Trông thằng bé khôi ngô, sạch sẽ.
Anh ngừng tay, ra hiệu cho thằng bé lại gần, nhưng nó vẫn đứng nguyên. Họa sĩ đi về phía nó: “Cháu lại đây! Cháu có thích cái này không?” - Anh chỉ bức tranh. Thằng bé gật đầu. Nó đi từng bước, dè dặt, mắt vẫn không rời chiếc bút vẽ trong tay họa sĩ.
- Nhà cháu ở gần đây không?
- Dạ thưa, gần ạ.
- Đâu nào? – Họa sĩ hướng về phía ấp.
- Dạ thưa… ở kia ạ.
- Ngôi nhà tôn cuối cùng phải không?
- Dạ thưa, vâng!
- Cháu học lớp mấy rồi?
- Dạ thưa, cháu không đi học ạ. Má cháu tự dạy cho cháu…
Họa sĩ không hỏi nữa. Anh kéo nó ngồi xuống, lấy ra một tờ giấy nhỏ, ngắm nghía gương mặt khôi ngô tuấn tú của nó và bắt đầu vẽ. Nét bút chì của anh vạch vạc trên tờ giấy trắng. Thằng bé chăm chú nhìn. Gương mặt thằng bé hiện dần lên trên trang giấy. Khi anh đưa cho nó bức ký họa, thằng bé kinh ngạc thốt lên: “Chu cha, giống quá ha!”.
Trên con lộ nhỏ đi về phía ấp, đã xuất hiện nhiều bóng người. Những cánh rừng cao su chung quanh bắt đầu đen thẫm lại, lá cây rào rào và những hạt mưa đã bắt đầu rơi.
Họa sĩ thu nhanh giá vẽ. Không có cách nào khác, anh chạy theo thằng bé về phía mái nhà tôn ở đầu làng.
Thằng bé lúc này tỏ ra nhanh nhẹn lạ. Nó mở cửa bằng chùm chìa khóa đeo ở cổ. Đẩy cửa, đặt giá vẽ của họa sĩ vào góc nhà, kéo ghế cho họa sĩ ngồi, nó làm những công việc đó một cách vui sướng và nhanh nhảu.
Người mẹ trẻ cũng xuất hiện trên sân. Chị chạy nghiêng người như thể tránh những hạt mưa xiên qua. Bộ quần áo bảo hộ lao động ướt nước mưa bó sát lấy người, làm lộ rõ những đường nét hấp dẫn ở cơ thể trẻ trung của chị. Bước vào nhà, chị đứng sững lại vì ngạc nhiên. Họa sĩ Thanh Đoàn đứng dậy:
- Xin lỗi chị vì sự đường đột này, mưa ập xuống quá nhanh.
- Mời ông ngồi - Chị nói rồi đi nhanh vào phía nhà trong, kéo tấm ri đô lại.
Thằng bé khệ nệ bưng một quả dừa từ góc nhà đi vào phía sau chái bếp, lát sau, nó vui vẻ bưng ra một ly nước dừa đặt trên bàn, trước mặt họa sĩ. Anh gật đầu, cảm ơn nó rồi rút chiếc bật lửa gas trong túi quần châm lửa hút thuốc. Anh đưa mắt tìm chiếc gạt tàn hình như đã lâu không có người dùng đến. Nền nhà lát đá hoa sáng bóng. Mọi thứ bày biện trong nhà đều đẹp mắt, tất cả toát lên một vẻ đẹp sạch sẽ, gọn gàng, nhưng thiếu đi - họa sĩ cảm thấy thế - những vật dụng cần thiết của một người đàn ông.
Anh nghe tiếng nước giội, rồi tiếng xô, chậu lỉnh kỉnh ở phía nhà trong, anh đoán người đàn bà đang tắm gội. Quả thế. Lát sau, chị xuất hiện trong bộ quần áo bằng lụa mỏng. Với con mắt tinh đời của mình, họa sĩ hiểu rằng, người phụ nữ này không phải sinh ra trong một gia đình cạo mủ cao su bình thường. Chị không kém những người mẫu xinh đẹp mà anh đã thể hiện lên nền vải mỏng.
Trò chuyện với Giám đốc nông trường, họa sĩ kể lại những điều mình thấy. “Tôi có biết chuyện đó - Giám đốc nông trường trầm ngâm - Hai năm trước, bố của cô ấy, vốn là Thư ký của chủ đồn điều cao su này đã gửi về giấy bảo lãnh để cô qua Pháp đoàn tụ với gia đình.
Tôi đã trình bày cụ thể với chính quyền địa phương. Các anh ấy nói rằng đó là một trường hợp phức tạp. Suốt từ sau ngày giải phóng đến nay, người sỹ quan Sài Gòn mà người ta cho rằng đó chính là chồng chưa cưới của cô ấy đang sống ở nước ngoài vẫn không hề gửi cho cô ấy một lá thư nào! Gần đây, cô ấy lại nhận được một tấm giấy bảo lãnh nữa… Để tạo điều kiện cho cô ấy đoàn tụ với gia đình, tôi đã tìm đến đồng chí Giám đốc Công an – vốn là bạn tôi – thuyết phục về trường hợp này…
Ý kiến của tôi đã được ủng hộ. Khi tôi gọi cô ấy lên, báo tin đó, thì cô ấy lắc đầu mới lạ chứ. Thực tình, tôi thấy đau lòng cho hoàn cảnh cô ấy, nhất là đứa con. Anh biết không, một số đứa trẻ đã có mặt trong các cuộc “hành tội” mà anh thấy đó, bố của chúng đã bị phía bên kia giết hại. Tôi đã mấy lần đặt vấn đề can ngăn cảnh tương tự nhưng khó lắm…”. “Cô ấy thích ở lại đây”.
“Ngay từ sau khi giải phóng, cô ấy đã đến Ban lãnh đạo của nông trường xin được ở đây làm công nhân cạo mủ cao su. Buổi đầu, cô ấy làm công việc cạo mủ này chật vật lắm. Thực lòng, tôi cũng thấy thương. Tôi định bố trí cho cô ấy làm ở bộ phận khác, nhưng nhiều người phản đối. Chắc có chuyện uẩn khúc mà cô ấy không muốn nói ra! Nếu cô ấy muốn đi qua bên kia thì cô ấy đã đi rồi!
Khi đồn điền cao su này được tiếp quản thì cô ta đang ở Sài Gòn. Sau đó từ Sài Gòn, cô ta lại về đây… Rắc rối là vâỵ̣. Cả chục năm nay rồi, không thấy một dấu hiệu khả nghi nào. Cô ấy tích cực. Và dần dần người ta cũng quen đi. Cuộc sống biết bao nhiêu là chuyện. Trước đây chưa có chuyện gì. Nhưng mới mấy tháng gần đây có lẽ do sự kích động của một vài người lớn cho nên… Khổ tâm quá!”.
*
Một buổi chiều, anh đang ngồi mải mê với bức tranh vẽ dở thì có tiếng chân lạo xạo trên lá khô phía sau lưng. Họa sĩ quay lại, anh gặp đôi mắt đen buồn thăm thẳm của người thiếu phụ đứng ngay bên mình.
- Chị đến tìm tôi có việc gì vậy? - Họa sĩ Thanh Đoàn đứng dậy.
- Dạ, thưa… tôi muốn nhờ ông chút việc!
- Tôi có thể giúp chị được gì? Có lẽ - Anh khoát tay - ta về chỗ nhà khách nông trường nói chuyện.
- Ông sợ liên lụy phải không? - Thiếu phụ nhếch mép cười.
- Có gì mà liên lụy? Tôi chẳng sợ gì đâu. Vậy thì mời chị ngồi xuống.
- Dạ thưa… tôi muốn nhờ ông vẽ cho một bức chân dung. Bao nhiêu phí tổn tôi sẽ chịu.
- Vẽ chân dung chị?
- Dạ không! Tôi muốn nhờ ông vẽ chân dung một người đã khuất!
- Người đã khuất! Chị có thể nói rõ hơn được không?
- Dạ, đó là một anh giải phóng, bố của cháu bé mà mọi người vẫn cứ ngỡ…
- Nó không phải là con của chị?
- Dạ, sao lại thế? Cháu là con tôi, tôi đẻ ra cháu.
Những giọt nước mắt nóng bỏng trào ra từ đôi mắt đen ngỡ như đã ráo hoảnh của người mẹ trẻ.
- Thực hình… tôi chưa hiểu - Họa sĩ thú nhận.
- Dạ, có chi mà không hiểu - Thiếu phụ nhìn ra xa, giọng nói trở nên khác lạ - Hồi chiến tranh tôi đã yêu một anh giải phóng. Đứa con của tôi cũng là con của ảnh. Ảnh không trở lại… Tôi đã kể cho những người có trách nhiệm nghe nhưng họ không tin tôi, chỉ vì tôi là…
Họa sĩ cố trấn tĩnh lại để tự hiểu lấy câu chuyện. Nhưng thiếu phụ đang ngồi trước mặt anh bằng xương, bằng thịt hẳn hoi chứ không phải trong mơ. Và, những lời chị nói không phải là do họa sĩ tưởng tượng ra. “Mình có nghe lầm không nhỉ? Không!”.
Câu chuyện của người thiếu phụ trở lại thời con gái - 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất trong đời. Cả nhà gọi là bé Hai, nhưng tên khai sinh của chị là Trần Thị Lý Thuần. Bố Lý Thuần, một người Bắc di cư, tốt nghiệp kỹ sư canh nông nhưng lại làm thư ký cho hãng cao su BRC. Ông có ba người con. Anh con trai cả, tiếp tục sự nghiệp của ông: Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại một trường đại học ở Paris, trở về đồn điền làm Thư ký cho hãng BRC thay bố. Người bố, lúc bấy giờ được tên chủ người Pháp giao cho toàn quyền ở đồn điền cao su này. Đây là một vùng tranh chấp. Ở đây có hai chính quyền cùng kiểm soát. Bố Lý Thuần biết điều đó, và để cho đồn điền cao su của mình vẫn có thể phát triển trong điều kiện chiến tranh ác liệt – ông phải sống phân thân: vừa chịu sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, lại vừa giúp Cách mạng: cung cấp thuốc men và các đồ dùng y tế cho quân Giải phóng.
Lý Thuần, cô con gái út được gửi về Sài Gòn học từ năm mười bốn tuổi. Một năm trước khi Sài Gòn giải phóng, cô nữ sinh trung học Lý Thuần hai lần bị chính quyền Sài Gòn bắt vì tham gia biểu tình chống chiến tranh. Lý Thuần được thả ngay vì thế lực của bố. Bố Lý Thuần chỉ khuyên con cẩn thận chứ không gay gắt ép phải từ bỏ những điều mà cô theo đuổi. Rồi một sỹ quan Sài Gòn khét tiếng được điều về cùng đám lính thường xuyên qua lại đồn điền. Chỉ trong mấy tháng, chúng đã chặt đầu hai người công nhân trong đồn điền vì có “liên hệ với cộng sản”. Ông biết không thể ở mãi thế trung dung. Nhiều cuộc vây ráp bất thần. Và, mỗi lần chạm súng, thế nào cũng có người ở phía bên này hay bên kia thiệt mạng.
Vào thời điểm đó, một tổ quân giải phóng đột nhập vào đồn điền để lấy thuốc chữa bệnh cho vùng cứ, đã chạm súng với lính Sài Gòn. Tiếng súng nổ ran trong đêm làm Lý Thuần cứ bồn chồn trên giường không sao chợp mắt được.
Một sự tò mò hơn là sợ hãi, một sự mơ mộng có phần quá khích, cùng với sự khát khao ngây thơ để biết được một điều gì đó đã thúc đẩy Lý Thuần, ngay từ sáng tinh mơ đã bật dậy chạy ra khỏi phòng. Cô chạy ra phía sau vườn, định leo lên cái bồn nước nhìn ra ngoài thì đột nhiên thấy một người nằm bất tỉnh ngay gần sát bồn nước…
Lý Thuần rón rén đến gần. Một người còn trẻ trong bộ quân phục Giải phóng. Như có linh cảm đặc biệt, người bị thương đột nhiên tỉnh lại, mở to mắt, thoáng sợ hãi qua nhanh rồi đôi mắt định thần lại khi nhận ra một cô gái đang nhìn mình. Người chiến sĩ cố ngồi dậy nhưng không sao ngồi được vì vết thương đã làm anh mất khá nhiều máu. Anh ra hiệu muốn uống nước.
Lý Thuần nhìn quanh, rồi cô vụt chạy về phòng mình. Có một khẩu súng phun nước mà anh cô mang từ Paris cho cô làm đồ chơi. Lý Thuần chúi cái nòng súng nhựa vào bình nước lọc hút đến gần nửa lít nước vào cái bầu mang hình băng đạn của khẩu súng nhựa. Cô chĩa nòng súng phun nước vào miệng người lính rồi bóp cò. Tia nước phun mạnh làm người lính, theo bản năng há miệng ra. Mắt vẫn nhắm nghiền, người lính tợp từng ngụm nước như một đứa trẻ sơ sinh hút tia sữa đầu tiên của người mẹ… Một lúc, người lính bắt đầu tỉnh dần… từ từ mở mắt. Nhìn thấy cái nòng súng chĩa vào mình, anh liền đưa tay làm một động tác tự vệ.
Cô gái đã canh chừng và che chở cho người lính suốt hai ngày, hai đêm tại một căn phòng bỏ không gần bồn nước. Cô rửa vết thương, mang sữa, nước đường đến cho người lính. Cô làm mọi việc đó vì sự thích thú hồn nhiên, vì một sự tò mò, vì tính lãng mạn, vì lòng trắc ẩn hay vì một lẽ nào đó mà chính cô cũng không rõ.
Có một lần, vào buổi chiều ngày thứ hai, cô thấy người sỹ quan Sài Gòn cùng với mấy tên lính xuất hiện ở cổng nhà, rồi bố cô nói gì với chúng, mời chúng vào phòng khách. Tim cô đã thắt lại vì lo sợ. Cô cố lấy vẻ bình tĩnh, chạy ra ngoài phòng khách, nói chuyện huyên thuyên và nhờ người sỹ quan nọ mua cho một ấn phẩm phát hành ở Sài Gòn. Vẻ trẻ trung, xinh đẹp, hồn nhiên của cô gái đã thu hút sự chú ý của bọn lính.
Khi chúng ra về, hứa sẽ mang đến cho cô ấn phẩm mà cô cần, cô thở phào, chạy về phòng mình nằm vật ra, khóc nấc lên.
Buổi tối ngày thứ hai, người lính đã đỡ, anh nói với cô gái:
- Cảm ơn cô đã cứu sống tôi. Tôi phải đi đây. Lúc nào vết thương lành hẳn, tôi sẽ trở lại đây tìm cô. Cô là con gái út ông chủ đồn điền này phải không? Nếu cô là con út thì tên cô là Lý Thuần?
Cô gái chỉ mở to mắt nhìn mà không nói gì.
*
Gương mặt cô gái tái xanh khi bất ngờ nhận ra:
- Ối, anh làm tôi sợ hết hồn.
- Lý Thuần đang đọc sách gì đó? - Anh hỏi, không đợi cô trả lời, anh tiếp - “Tội ác và trừng phạt” của Đốt phải không?
Cô ngạc nhiên nhìn anh. Anh hiểu cái nhìn của cô.
- Cô tưởng những người lính Giải phóng chúng tôi mù chữ sao?
Cô nhìn anh, gương mặt mà giờ đây khác hẳn với gương mặt căng thẳng, đau đớn hôm nào. Gương mặt ở lứa tuổi học trò của anh. Ở giờ phút ấy - chính anh cũng quên đi tất cả… để sống lại những kỷ niệm của đời sinh viên. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và khi biết anh đã là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học lớn ở Hà Nội thì cô kêu lên “Dậy hả?”. Anh đưa tay bứt một ngọn cỏ đưa lên miệng. Cô cúi xuống, lấy ngón tay trỏ vạch mấy chữ vô hình lên bìa cuốn sách.
- Nè anh, anh kể cho tôi nghe chuyện ngoài đó đi… Ba tôi cũng quê ở ngoài đó mà…
- Bao giờ thống nhất, nếu Lý Thuần ưng, tôi sẽ đưa Lý Thuần ra ngoài đó chơi. Tôi sẽ kể cho mẹ tôi nghe…
Tiếng rú của động cơ xe nhà binh đã cắt đứt câu chuyện của họ. Trong phút vội vàng, anh nắm vội bàn tay cô. Người cô rung lên một cảm giác khó tả.
Họ chia tay nhau…
Lý Thuần đã sống với nhiều thay đổi trong cuộc đời. Cô nghĩ nhiều về lần gặp lại người chiến sĩ Giải phóng. Đó cũng là thời gian mà người sỹ quan Sài Gòn bắt đầu tán tỉnh, bám riết lấy cô. Cô gái sợ hãi, tìm mọi cách lảng tránh. Nhưng anh ta đã nói với cô rằng anh ta biết việc cô từng cứu một chiến sĩ giải phóng…
Lý Thuần bắt đầu hiểu ra. Cô như rơi từ một thế giới khác trở về với mặt đất, với thực tại. Có những lúc, cô phải chiều theo người sỹ quan Sài Gòn, ngồi sau xe máy, phóng đi ngang dọc trong những con đường hun hút của đồn điền…
Lý Thuần khao khát muốn gặp lại người chiến sĩ mà mình đã cứu sống. Một cảm xúc mới lạ nảy sinh trong tưởng tượng của cô nữ sinh. Sự vây ép của đám lình dồn nén tâm trí cô, thì tình cảm, ý chí của cô càng hướng về người chiến sĩ mà cô mong gặp. Một buổi tối – cái buổi tối trước hôm cô lên đường đi Sài Gòn – cách duy nhất để cô thoát ra khỏi vòng vây của viên sỹ quan khét tiếng, thì có tiếng gõ cửa phòng ngủ. Cô gái biết bọn lính đang vây kín đồn điền nên không ra mở cửa. Nhưng, với linh cảm thôi thúc, cô vẫn đến áp tai vào lỗ khóa. Cô nghe tiếng thở gấp và tiếng gọi nho nhỏ:
- Lý Thuần ơi! Lý Thuần…
Cô mở cửa. Trong ánh sáng mờ ảo của bóng đèn ngủ, cô nhận ra ngay người chiến sĩ Giải phóng. Cô kéo anh vào phòng và đóng ngay cửa lại. Mấy phút lặng yên; chỉ có đôi mắt họ nhìn nhau. “Anh làm sao mà vô đây được?”. “Anh vô từ trưa nấp sau bồn nước, không ngờ bọn chúng vây ráp dữ quá”. Cô gái muốn kể nhiều chuyện, nói nhiều chuyện nhưng cô biết không thể nói gì lúc này. Còn anh, anh biết, đêm nay, mình phải ở lại đây đợi sáng ra, lúc bọn chúng rút, anh mới trà trộn với những người công nhân cao su lấy mủ để trở về đơn vị.
Cô gái run lên khi biết rằng, đêm nay sẽ giữ anh ở lại trong phòng, để bảo vệ tính mạng cho anh và cho chính cả gia đình cô… Cô run lên vì một cảm giác khó tả, cái cảm giác đau thắt vì ngượng ngùng, cái cảm giác về sự dự cảm những điều mới lạ, chưa bao giờ có bởi vì cô chưa bao giờ ở cùng phòng với một người đàn ông. Anh giục cô đi ngủ, cô lại bảo anh đi nằm để cô ngồi thức. Anh bảo rằng vết thương anh đã khỏi hẳn sau gần một tháng điều trị ở bệnh viện dã chiến. Rồi khi có tiếng súng tằng tằng ngoài đồn điền, cả hai im bặt.
Bây giờ, chỉ có hơi thở nóng hổi của họ tìm nhau. Cô tắt cả đèn ngủ. Cô tưởng như căn phòng, những bức tường bây giờ quá mỏng và quá nhiều kẽ hở. Cô tưởng như cả tiếng thở của mình, của anh cũng làm cho bọn giặc bên ngoài chú ý. Thực ra căn phòng của cô được xây bằng đá với mọi âm thanh không thể lọt ra ngoài… Hai lần cửa khóa và hai dãy hành lang cách biệt…
Giờ đây, cả hai vừa mong cho trời sáng lại vừa muốn đêm kéo dài ra, cô ngồi trên giường, anh ngồi dưới nền gạch hoa. Hai bàn tay họ tìm nhau, nắm lấy nhau trong bóng tối, hơi thở dồn dập và cả hai đều run lên. Rồi cô gái rút tay lại, nằm dịch vào trong. Cô không dám trở mình nữa. Và giờ đây, mọi giác quan của cô bừng lên mạnh mẽ, tưởng có thể nghe được mọi âm thanh bé nhất, có lúc lại tưởng như tê liệt đi, tai cô ù, cổ họng nghẹn lại, thân hình cô lạnh toát hệt như một kẻ mộng du, hơi thở của cô, bàn tay của cô và cả tấm thân nóng hầm hập của cô đều không xác định, mông lung trên chiếc giường nhỏ…
Khoảng hai giờ sáng, không kìm được lòng mình, cô khe khẽ gọi anh. Anh lên giường, sát bên cô. Hơi thở của họ đã tìm nhau, quấn quýt lấy nhau. Anh hôn lên tóc cô, hôn lên môi cô. Họ hôn nhau nồng nàn, quên đi tất cả, quên đi những đe dọa bên ngoài, quên cả cánh rừng cao su, quên đi mọi thứ trên đời.
Sáng ra, cô nhìn người con trai ngủ trên giường, gương mặt sạm đen nhưng rạng rỡ hẳn lên, nụ cười phảng phất trên môi. Anh chỉ hơn cô hai tuổi, ngủ ngon lành như một đứa trẻ đang nằm trên giường nhà mình. Hơi thở đều và sâu. Cô lại gần, đặt tay lên trán anh. “Thật là kỳ. Thật là phi lý”… Cô tự nhủ. Rồi cô cúi xuống hôn lên môi anh. Anh từ từ mở mắt. Anh ngồi dậy nhìn quanh, bình tĩnh hơn cô gái mặc dù trong mắt anh – một đôi mắt màu nâu trẻ thơ, thoáng chút bối rối, ngỡ ngàng. Gương mặt anh đỏ ửng lên vì xấu hổ.
Tám giờ sáng hôm ấy, họ chia tay nhau. Anh cải trang thành một người làm công nhân đồn điền, chui vào một chiếc xe tải đi lấy mủ cao su… Cô gái, một giờ sau lên xe về Sài Gòn. Trước lúc chia tay, anh nói với cô: “Sài Gòn sắp giải phóng rồi em ạ. Sau ngày đó, anh sẽ trở lại tìm em… Nếu em đồng ý, chúng mình sẽ cưới nhau. Nếu… anh không trở lại, em chớ có hoài công mà đi tìm… như vậy có nghĩa là anh đã hy sinh”.
Cô gái đưa bàn tay thon thả bịt miệng anh. Họ ôm hôn nhau trong giờ tạm biệt, chín tháng sau, cô sinh đứa con trai mà sau này ai cũng ngỡ đó là con của người sỹ quan Sài Gòn đã theo đuổi cô. Đứa bé được ba tháng thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cả gia đình chuẩn bị bay sang Pháp. Nhưng đến phút cuối cùng, cô gái quyết định trở lại đồn điền với bà cô đã già, bà cũng muốn được nhắm mắt ngay trên mảnh đất nơi mình chôn nhau cắt rốn… Hai năm sau, bà cô mất. Lý Thuần vẫn tiếp tục chờ đợi. Và rồi, cô hiểu rằng, anh đã hy sinh vì anh không trở về.
Họa sĩ Thanh Đoàn lắng nghe lời kể, suốt thời gian đó, đôi mắt anh không rời gương mặt xinh đẹp của của người thiếu phụ, gương mặt lúc bừng sáng lên, lúc lại tái đi như chính chị sống lại cùng những kỷ niệm trong câu chuyện…
Kể xong, chị ngồi lặng đi một lúc rồi rút từ túi sao ra một bức ảnh nhỏ. Hơn một chục chiến sĩ Giải phóng ngồi chen nhau tươi cười, như đang nhìn về phía người chụp ảnh. Chị chỉ cho anh người ngồi ngoài cùng, gương mặt trong ảnh chỉ bé bằng cái cúc áo, đã ố vàng một nửa. Họa sĩ nhìn kỹ rồi nói: “Tôi sẽ giúp chị, chị yên tâm”.
Gần một tháng lao động nghệ thuật say mê, họa sĩ đã hoàn thành bức chân dung. Khi mang bức tranh to gần bằng người thật cho thiếu phụ, họa sĩ cảm thấy như mình hoàn toàn kiệt sức. Tấm vải phủ bên ngoài bức chân dung được mở ra, thiếu phụ đã òa lên khóc. Chị kéo con đến gần và nói: “Ba con đã về đó… Con!”. Người chiến sĩ trong bức tranh như đang chạy ùa về phía thằng bé, miệng kêu lên: “Con!”.
Bức chân dung người chiến sĩ được thể hiện trên nền ánh sáng hình dẻ quạt chiếu xuống những thân cây cao su đen sẫm, bị những vết dao rạch khắp thân cành hệt như những thân người bị chém… Xa hơn nữa là chân trời cuộn đỏ… Vết tích của chiến tranh… Ở giờ phút ấy, họa sĩ cảm thấy trào dâng trong anh một tình cảm lạ lùng, một niềm vui anh chưa từng nếm trải. Nhưng rồi, anh cũng nhận ra rằng mẹ con người thiếu phụ gần như quên đi sự có mặt của anh lúc đó. Họa sĩ đứng dậy, bước lặng lẽ ra ngoài…
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/buc-chan-dung-551954/