Bức phù điêu John McCain bên hồ Trúc Bạch: Bắc cầu hữu nghị, hướng về tương lai
Bức phù điêu John McCain bên hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội khắc họa hình ảnh chiếc máy bay do phi công John McCain điều khiển bị bắn rơi năm 1967.
Bức phù điêu John McCain được dựng tạm vào năm 1967, sau đó được tu bổ vào những năm 1980 và 1990 để đánh dấu sự kiện bắn rơi máy bay của John McCain tại hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
“Ngày 26/10/1967, tại hồ Trúc Bạch, quân và dân thủ đô Hà Nội đã bắt sống phi công John Sidney McCain, thiếu tá không quân thuộc lực lượng hải quân Hoa Kỳ đã lái chiếc máy bay A4 bị bắn rơi tại Nhà máy điện Yên Phụ. Đây là một trong 10 chiếc máy bay bị bắn rơi cùng ngày”, nội dung dòng chữ trên bức phù điêu viết.
John McCain qua đời ngày 25/8/2018, sau hơn một năm chống chọi bệnh ung thư não. Và bức phù điêu đã trở thành nơi ghi dấu sự kiện phi công Mỹ bị bắt tại hồ Trúc Bạch năm nào.
Hồ Trúc Bạch nằm trên địa bàn phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội); phía Đông hồ có bán đảo. Ngày xưa, dân 5 làng đúc đồng ở Bắc Ninh tụ ở đây, hình thành làng đúc đồng Ngũ Xã. Xung quanh hồ có nhiều di tích cổ như: Đền Quán Thánh, chùa Châu Long, đền Cẩu Nhi.
Năm 1925, xưởng phát điện Yên Phụ được người Pháp cho xây dựng bên bờ phía Bắc của hồ Trúc Bạch và nó trở thành nguồn cung cấp điện quan trọng nhất cho Hà Nội đến tận cuối thập niên 1980. Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã tập trung oanh tạc nhà máy này. Để bảo vệ nhà máy điện và khu vực Ba Đình gần đó, hệ thống phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam được bố trí dày đặc ở đây.
Ngày 26/10/1967, một chiếc máy bay A4 của không quân Hoa Kỳ đã bị tên lửa của bộ đội ta bắn rơi trong khi oanh tạc Nhà máy điện Yên Phụ. Điều đặc biệt, xác chiếc máy bay bị bắn rơi xuống đúng mục tiêu mà nó định đánh phá và viên phi công bị bắt sống là John McCain, có cha và ông nội đều là đô đốc Hải quân Mỹ.
Tại thời điểm máy bay bị bắn rơi, John McCain nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị dân quân ở khu vực này bắt. Ông John McCain sau đó bị giam giữ hơn 5 năm ở nhà tù Hỏa Lò trước khi được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973.
Ông John McCain sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp. Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị, John McCain đã đóng góp không mệt mỏi cho nước Mỹ dưới tư cách nghị sĩ bang Arizona tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Ông hai lần ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2000 và 2008. Vào năm 2008, ông thậm chí đã trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa nhưng sau đó thất bại trước ông Barack Obama.
Khi trở về Mỹ, John McCain tham gia chính trị và nỗ lực không biết mệt mỏi để bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ. Ông cũng đã nhiều lần quay trở lại Việt Nam và tới thăm bức phù điêu ghi dấu ấn sự kiện mình bị quân và dân Việt Nam bắn rơi. Thượng nghị sĩ McCain từng nói ông luôn có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam và mong muốn đóng góp làm sâu sắc mối quan hệ song phương.
Ông John McCain cùng ông John Kerry, người cũng là một cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, sau này là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, đi tiên phong trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sau chiến tranh.
Trong cuốn sách “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến đã chia sẻ câu chuyện trong cuộc tiếp xúc với thượng nghị sĩ Mỹ John McCain trong phần “Với thượng nghị sĩ McCain về con cá tra (basa)”.
Trong vụ tranh chấp thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam về bán phá giá cá da trơn nổ ra vào tháng 2/2002, ông Nguyễn Tâm Chiến khi đó là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã có cuộc gặp ông John McCain - chính trị gia Mỹ tích cực ủng hộ bình thường hóa, phát triển quan hệ Mỹ - Việt Nam để vận động hành lang.
Sau khi bàn xong công việc, thượng nghị sĩ John McCain cầm tay và dắt thẳng Nguyễn Tâm Chiến đến một bức ảnh treo trên tường phòng làm việc: “Đây là bức ảnh tôi quý nhất” - ông John McCain chỉ lên tường và nói.
“Tôi nhìn lên, hóa ra đấy là ảnh được phóng to cái bia đá bằng xi măng xù xì trên đường Thanh Niên dọc hồ Trúc Bạch Hà Nội, đánh dấu sự kiện ông bị lực lượng phòng không ta bắn rơi xuống hồ thời chiến tranh trước đây. Ông cười và nhắc đi, nhắc lại “tôi quý nhất nó đấy”, chắc trong giây phút đó lại hiện về trong ông tất cả những gì đã xảy ra cách đây hàng chục năm tại một đất nước xa xăm.
Rồi ông nhìn thẳng vào tôi với con mắt có tý hài: Nhân đây, tôi có một lời đề nghị với phía Việt Nam (ông hạ giọng trịnh trọng), và nhờ Đại sứ chuyển về Hà Nội rằng, thượng nghị sĩ McCain mong sao cái tượng nhỏ bên hồ luôn được sạch sẽ. Sau này tôi mới vỡ lẽ là hồi qua Việt Nam khi đến thăm “di tích của mình”, ông thấy trên tượng có những sản phẩm của mấy chú chim”.
Ông John McCain còn nói thêm như để “đệm” vào lời đề nghị của mình: “Đại sứ biết không, đó là bức tượng duy nhất của tôi được dựng trên thế giới”!... Và ông nhắc lại: “Tôi quý nhất bức tượng đó” tuy có một chi tiết binh chủng của tôi ghi trên đó không chính xác. Tôi là phi công của Hải quân Mỹ chứ không thuộc lực lượng Không quân Mỹ (ở Mỹ, không quân của hải quân thuộc loại “quý phái”, ở đẳng cấp cao hơn là không lực nói chung)”.
Cũng trong bài viết này, ông Nguyễn Tâm Chiến cho biết: Nếu có dịp được gặp lại thượng nghị sĩ McCain, chắc ít nhất tôi sẽ tranh thủ nói với ông một câu: “Thưa ngài, con cá tra “râu dài” của Việt Nam đã làm được “sự nghiệp lớn”, bức tượng của ngài ở hồ Trúc Bạch vẫn ở đó và được nhiều người đến xem”.