Bức thư khen ngợi hoàn thành đường xe lửa của Bác Hồ: Di sản tư liệu quý
Một trong những di sản tư liệu quý của Hồ Chủ tịch còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đó là bức thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hoàn thành đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan ngày 28 - 2 - 1955.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1945-1954), Phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang) đã thực hiện tốt chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” cùng các địa phương trong tỉnh và cả nước tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện tiến tới kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954.
Sau 9 năm kháng chiến, thực dân Pháp để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân ta, trong đó thị xã Phủ Lạng Thương và cây cầu sắt bắc ngang dòng sông Thương đã bị hư hỏng nặng. Thời kỳ này nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương bắt tay vào việc xây dựng hàn gắn vết thương chiến tranh.
Công trường khôi phục đường xe lửa thị xã Phủ Lạng Thương là nhiệm vụ quan trọng. Ngày 24 - 1 - 1955 (mùng 1 Tết Ất Mùi) đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường. Đứng trên cây cầu sắt, Bác đã gửi lời động viên công nhân, chiến sĩ, chuyên gia xây dựng và nhân dân trong việc khôi phục thị xã.
Thời chiến tranh, cây cầu là huyết mạch giao thông quan trọng, nối liền nguồn chi viện từ Bắc Giang cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, thời đánh Mỹ, cây cầu sắt ấy lại phải hứng chịu bao trận mưa bom bão đạn của quân thù. Thời kỳ này cầu sông Thương được ví là cây cầu "Hàm Rồng thứ hai" của miền Bắc. Tại đây đã có nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta với quyết tâm cao để bảo vệ cầu.
Chỉ trong thời gian 4 tháng, nhiệm vụ khôi phục đường xe lửa thị xã Phủ Lạng Thương đã hoàn thành. Trước tin vui này, ngày 28- 2- 1955, Bác Hồ đã có thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hoàn thành đường xe lửa Hà Nội- Mục Nam Quan. Bức thư được đánh máy chữ in trên khổ giấy A4, mực màu đen, trong thư Người viết: “... Bác thay mặt Đảng và Chính phủ khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hoàn thành đường xe lửa Hà Nội- Mục Nam Quan.
Cũng con đường ấy, trước kia người Pháp mất hơn 10 năm mới làm xong. Ngày nay dưới chính quyền nhân dân, chúng ta đã làm xong trong 4 tháng. Đó là một thành tích rất tốt đẹp. Có thành tích ấy, một là nhờ sự giúp đỡ khảng khái của Trung Quốc... Hai là nhờ sức sáng tạo và sự cố gắng của cán bộ, công nhân miền Nam và miền Bắc, thanh niên xung phong và đồng bào các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Cạn…
Đường xe lửa ấy giúp cho việc khôi phục kinh tế của ta được dễ dàng. Nó làm cho nước ta càng gần gũi Trung Quốc, Liên Xô và các nước bạn khác. Nó nối liền Hà Nội với Bắc Kinh, Moscou và các thủ đô khác cho đến Berlin. Nó làm cho tình đoàn kết giữa 900 triệu nhân dân nước ta và các nước bạn càng chặt chẽ thêm. Đó là một ý nghĩa rất to lớn.
Đường xe lửa ấy đưa lại lợi ích chung cho nhân dân ta không ít, và đưa lại lợi ích cho đồng bào công thương rất nhiều. Nhưng đó mới là thành tích bước đầu, chúng ta chớ nên tự mãn. Trái lại chúng ta phải cố gắng hơn nữa. Đường đã làm xong, từ nay chúng ta phải ra sức củng cố nó, giữ gìn nó. Chúng ta phải cảnh giác đề phòng không để bọn phản động âm mưu phá hoại nó.
Trong hội nghị tổng kết cán bộ và chiến sĩ cần phải trao đổi và phổ biến kinh nghiệm, phải chuẩn bị sẵn sàng thi đua làm đường xe lửa khác cho nhanh hơn, tốt hơn và tiết kiệm hơn. Lá cờ danh dự này là thưởng chung cho cả công trường. Những đơn vị và chiến sĩ thi đua xuất sắc nhất sẽ được Chính phủ thưởng Huân chương.
Khi trở về công trường, nhờ các cô, các chú chuyển lời Bác khuyến khích và hỏi thăm các anh chị em cán bộ, công nhân, dân công và đồng bào đã tham gia công việc làm đường xe lửa. Chúc các cô, các chú mạnh khỏe và cố gắng thi đua để thu được nhiều thành tích mới”.
Bức thư là tài liệu hiện vật gốc về di sản tư liệu của Người được lưu giữ và trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Đã hơn 60 năm nhưng ký ức chiến tranh vẫn còn đó qua những tư liệu lịch sử. Bức thư của Bác còn giúp khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ biết thêm về lịch sử địa phương trong cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chi Minh, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ phát huy tuyến đường sắt qua cầu sông Thương nối liền Hà Nội -Bắc Giang với các cửa khẩu tại Lạng Sơn. Cây cầu sắt nối đôi bờ sông Thương không chỉ ghi dấu sự kiện lịch sử mà còn là cây cầu mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đồng Ngọc Dưỡng