Bức tranh ảm đạm của ngành công nghiệp bán dẫn

Báo cáo lợi nhuận của các hãng công nghệ công bố mới đây cho thấy bức tranh ảm đạm trong ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới do nhu cầu đối với chip giảm mạnh và tình hình kinh tế khó khăn.

Biểu tượng của nhà sản xuất chip Intel Corp. Ảnh: Reuters

Biểu tượng của nhà sản xuất chip Intel Corp. Ảnh: Reuters

Tập đoàn công nghệ Intel công bố doanh thu trong quý I/2023 giảm 36% xuống còn 11,7 tỷ USD, chủ yếu do nhu cầu về thiết bị bán dẫn giảm mạnh, đặc biệt là thiết bị bán dẫn cho máy tính. Tập đoàn này báo lỗ 2,8 tỷ USD, mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay tính theo một quý.

Nhà phân tích Alan Priestley của hãng Gartner nhận định Intel phụ thuộc nhiều vào thị trường máy tính và khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường máy tính, đặc biệt là máy tính cá nhân, dường như vẫn đang chững lại.

Intel cũng bị ảnh hưởng do tình trạng sụt giảm nhu cầu đối với chip cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, đồng thời đang chật vật cạnh tranh với tập đoàn Nvidia để sản xuất thiết bị bán dẫn làm nền tảng cho trí tuệ nhân tạo để tạo ra ứng dụng tương tự ChatGPT, một lĩnh vực mới cần những con chip đang được giới công nghệ theo đuổi.

Intel là một trong những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới, sản xuất nhiều sản phẩm, bao gồm cả chip thế hệ mới nhất cùng với TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc).

Tương tự, Samsung Electronics vừa công bố mảng kinh doanh chip của công ty trong quý vừa qua lỗ 4.580 tỷ won (3,4 tỷ USD), mức lỗ kỷ lục kể từ năm 2009 khi thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo đó, mảng chip kéo lợi nhuận hoạt động của hãng sụt giảm tới 95% trong quý đầu tiên của năm 2023.

Trong khi đó, tập đoàn TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cơ bản giữ vững được doanh số trong quý đầu năm nay, cũng như nỗ lực duy trì lợi nhuận ổn định, mặc dù tình hình kinh tế đang khó khăn và dự báo sẽ ghi nhận doanh số giảm mạnh trong năm 2023.

Kết quả kinh doanh khả quan của TSMC đạt được một phần nhờ tập đoàn này sản xuất một số loại chip nhỏ nhất và tiên tiến nhất đang được “săn đón” và khan hiếm nguồn cung.

Theo hãng Deloitte, hơn 80% hoạt động sản xuất thiết bị bán dẫn diễn ra tại châu Á và theo kịch bản tốt nhất, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 50% vào năm 2030.

Giới chuyên gia nhận định đây là một hệ sinh thái cạnh tranh rất khốc liệt và sẽ trở nên phức tạp hơn khi ngày càng nhiều loại chip tiên tiến xuất hiện trên thị trường.

Báo cáo của công ty nghiên cứu công nghệ Gartner được công bố tháng 1 năm nay cho thấy doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong năm 2022 chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lĩnh vực chip nhớ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo báo cáo, doanh thu chip trên toàn thế giới ước tính tăng 1,1% lên 601,7 tỷ USD vào năm 2022, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 26,3% của năm trước đó.

Mặc dù năm 2022 có một khởi đầu tương đối tốt do tình trạng thiếu hụt chip kéo dài, Gartner cho biết sang nửa cuối năm, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu chậm lại do lạm phát cao, lãi suất tăng, chi phí năng lượng leo thang và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Các sự kiện này đã ảnh hưởng đến nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng bắt đầu giảm chi tiêu, theo đó nhu cầu về máy tính cá nhân và điện thoại thông minh giảm.

Sau đó, các doanh nghiệp bắt đầu giảm chi tiêu với dự báo nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Tất cả các yếu tố trên đều ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn nói chung./.

Nguyễn Hằng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bu-c-tranh-a-m-da-m-cu-a-nga-nh-cong-nghiep-ba-n-da-n/289610.html