EU muốn áp thuế hàng thương mại điện tử giá trị thấp từ Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với các đơn hàng giá trị thấp từ các nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc như Temu, Shein và AliExpress.

(KTSG Online) – Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với các đơn hàng giá trị thấp từ các nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc như Temu, Shein và AliExpress.

Các quan chức EU lo ngại, quy định miễn thuế nhập hiện nay đối với các món hàng giá trị thấp sẽ khiến các sản phẩm giá rẻ như thời trang, thiết bị điện tử ồ ạt chảy vào thị trường của khối. Điều này sẽ gây bất lợi cho các công ty đối thủ ở châu Âu.

Nền tảng thương mại điện tử Temu (Trung Quốc) nằm trong số các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài bị ảnh hưởng nếu EU bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng có giá trị dưới 150 euro.

Nền tảng thương mại điện tử Temu (Trung Quốc) nằm trong số các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài bị ảnh hưởng nếu EU bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng có giá trị dưới 150 euro.

Đề xuất dừng miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị dưới 150 euro

Hôm nay (3-7), tờ Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết, cuối tháng này, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU sẽ đưa ra đề xuất bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu hiện tại đối với các đơn hàng có giá trị dưới 150 euro. Đề xuất này áp dụng cho bất kỳ nhà bán lẻ trực tuyến nào từ bên ngoài EU giao hàng trực tiếp đến khách hàng trong khối này. Tuy nhiên, đề xuất chủ yếu ảnh hưởng đến các nền tảng thương mại trực tuyến của Trung Quốc gồm Temu, Shein và AliExpress, thuộc sở hữu của Alibaba. Tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ) thường sử dụng các bên bán hàng ở châu Âu.

Năm ngoái, có 2,3 tỉ gói hàng nằm trong ngưỡng miễn thuế nhập khẩu được giao đến EU. Dữ liệu của EC cho thấy, trong tháng 4, khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ các nền tảng thương mại nước ngoài tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên 350.000 đơn hàng. Tính trung bình, trong tháng 4, mỗi hộ gia đình ở châu Âu nhận được gần 2 đơn hàng thương mại điện tử giao từ nước ngoài.

Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc được hưởng lợi từ chi phí bưu chính được trợ cấp. Việc giao hàng hóa giá rẻ bằng đường hàng không cho khách hàng nước ngoài tiết kiệm chi phí hơn.

EU đã thảo luận việc bãi bỏ giới hạn giá trị hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế như một phần của dự án cải cách thuế quan do EC đưa ra vào tháng 5-2023. Tuy nhiên, một quan chức EU cho biết, EU đang tìm cách thúc đẩy nhanh việc bãi bỏ quy định miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có trị giá dưới 150 euro để ngăn chặn làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ.

Một quan chức khác của EU cảnh báo, việc thuyết phục các nước EU đồng ý bãi bỏ quy định miễn thuế này có thể khó khăn. Chế độ thuế mới sẽ làm tăng khối lượng công việc của nhân viên hải quan vốn đang căng sức làm việc.

EC cũng dự kiến đưa ra đề xuất bắt buộc các nền tảng thương mại điện tử lớn phải đăng ký trả thuế giá trị gia tăng (VAT) trực tuyến đối tất cả món hàng nhập khẩu bất kể giá trị bao nhiêu. Quy định này được áp dụng từ năm 2021 nhưng các nhà bán lẻ thương mại điện tử nước ngoài có thể trả thuế VAT thông qua công ty giao hàng.

Một vấn đề khác là số lượng sản phẩm nguy hiểm nhập khẩu vào các các nước EU tăng hơn 50% từ năm 2022 đến năm 2023, lên hơn 3.400. Mỹ phẩm, đồ chơi, thiết bị điện và quần áo là những sản phẩm thường có các vấn đề về an toàn.

Ngành công nghiệp đồ chơi EU cáo buộc, các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc vận chuyển đồ chơi nguy hiểm sang châu Âu.

Temu khẳng định, sự tăng trưởng của nền tảng này không phụ thuộc vào các mặt hàng giá rẻ. “Chúng tôi sẵn sàng và ủng hộ mọi điều chỉnh chính sách do các nhà lập pháp EU thực hiện phù hợp với lợi ích của người tiêu dùng, miễn là công bằng”, theo thông báo của Temi.

AliExpress cho biết, đang làm việc với các nhà lập pháp EU để bảo đảm tuân thủ quy định tại thị trường EU. Trong khi đó, Shein bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối những nỗ lực cải cách thuế quan của EU.

Mỹ cũng muốn chặn làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ

Tại Mỹ, Shein và Temu cũng bị chỉ trích về việc lợi dụng quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng giá trị thấp để giành lợi thế cạnh tranh với giá cả trước các đối thủ địa phương và tránh các cuộc kiểm tra của hải quan đối với sản phẩm của doanh nghiệp.

Hai nhà bán lẻ trực tuyến này được hưởng lợi từ quy tắc tối thiểu (de minimis rule), loại bỏ thuế quan với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 800 đô la Mỹ do người tiêu dùng Mỹ đặt mua từ nước ngoài. Trước đây, quy tắc này được thiết kế để giảm bớt thủ tục kiểm tra hải quan đối với các lô hàng có giá trị thấp và tần suất vận chuyển không nhiều.

Tuy nhiên, thương mại điện tử đã làm thay đổi xu hướng nhập khẩu. Dữ liệu của hải quan Mỹ cho thấy, tổng trị giá của các món hàng nhập khẩu vào Mỹ nằm dưới ngưỡng chịu thuế đã tăng từ 40 triệu đô la vào năm 2012 lên hơn 67 tỉ đô la vào năm 2020.

Cả Temu và Shein đột phá ngành bán lẻ ở Mỹ bằng cách bán các sản phẩm như áo len và tai nghe không dây với giá 5 đô la Mỹ. Hai nhà bán lẻ cho biết, có thể giữ giá bán của nhiều sản phẩm ở mức thấp nhờ tính hiệu quả của hoạt động hậu cần.

Một số nhà lập pháp và doanh nghiệp Mỹ cho rằng, quy tắc miễn trừ thuế trên là một lỗ hổng, cho phép các công ty như Shein và Temu ít bị hải quan Mỹ giám sát dù doanh nghiệp có thể vận chuyển các sản phẩm không an toàn hoặc được sản xuất bằng lao động cưỡng bức. Vì vậy, nhóm này kêu gọi các cơ quan quản lý giám sát hai nhà bán lẻ Trung Quốc chặt chẽ hơn.

Các nhà lập pháp Mỹ đã tìm cách thay đổi các quy tắc tối thiểu trong vài năm qua. Họ lo ngại do làn sóng nhập khẩu hàng thương mại điện tử bằng đường hàng không từ Trung Quốc có giá trị thấp dưới ngưỡng chịu thuế. Có ba dự luật sửa đổi quy tắc tối thiểu đang được xem xét tại các ủy ban của Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Các dự luật này đề xuất giảm ngưỡng giá trị của hàng nhập khẩu được miễn thuế hoặc bãi bỏ quy tắc tối thiểu.

Hiện nay, có gần 90 quốc gia trên thế giới miễn thuế cho gói hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp. Ngoài EU và Mỹ, một số nước khác cũng đang thảo luận khả năng bãi bỏ quy định miễn thuế hoặc giảm ngưỡng miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp.

Gần đây, Cơ quan thuế vụ Nam Phi quy định, kể từ ngày 1-7 sẽ thu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa thời trang có giá trị dưới 500 rand (27 đô la) mua các từ các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài bao gồm Shein và Temu ở mức 45%. Mức thuế này ngang bằng mức thuế nhập khẩu phải trả của các công ty thời trang trong nước.

Ngoài ra, các món hàng này sẽ bị đánh thuế VAT ở mức 15%. Trước đây, các món hàng nằm dưới ngưỡng giá trị 500 rand chỉ chịu mức thuế nhập khẩu 20% và được miễn thuế VAT.

Các nhà lẻ thời trang địa phương cáo buộc các nền tảng trực tuyến toàn cầu bán áo quần vào Nam Phi ở mức giá rẻ một cách vô lý, khiến doanh số của doanh nghiệp trong nước giảm mạnh. Theo đó, Temu và Shein cố tình chia nhỏ đơn hàng thành các gói hàng có giá trị dưới 500 rand để hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn.

Theo Bloomberg, Financial Times, news24.com

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/eu-muon-ap-thue-hang-thuong-mai-dien-tu-gia-tri-thap-tu-trung-quoc/