'Bức tranh' có nhiều điểm sáng
Từ ngày tái thành lập huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đến nay, cùng với những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Gò Công Tây cũng đã vượt qua mọi khó khăn, gặt hái nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện.
DẤU ẤN XÓA MÙ CHỮ
Theo Phòng GD-ĐT huyện Gò Công Tây, những ngày đầu tái thành lập huyện, ngành GD-ĐT huyện đối mặt với nhiều khó khăn về mạng lưới trường, lớp. Cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ công tác dạy và học còn nhiều hạn chế. Toàn huyện có 13 cơ sở giáo dục, trong đó chỉ có 4 trường kiên cố. Một số xã vùng sâu, vùng xa thiếu trường lớp. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi còn thấp.
Trong đó, thách thức lớn nhất là tỷ lệ người mù chữ cao. Cụ thể, năm 1982, toàn huyện có 1.962 người mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi, chiếm 6% dân số ở đội tuổi này. Vì vậy, ngay khi tái thành lập huyện, sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ (XMC) nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Theo đó, giai đoạn 1991 - 2000, huyện Gò Công Tây phát động phong trào XMC rộng khắp trên địa bàn huyện. Nếu như năm 1991 trên địa bàn huyện chỉ có 87% dân số trong độ 15 - 60 tuổi biết chữ, thì đến năm 2000, huyện đã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học - XMC; người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 tăng lên 93,06%.
Những kết quả đạt được đã khẳng định bước đi vững chắc, giải pháp hữu hiệu mà ngành GD-ĐT huyện Gò Công Tây thực hiện trong thời gian qua; bức tranh về sự nghiệp giáo dục của huyện ngày càng có nhiều điểm sáng. Trong đó có tâm huyết, khát vọng, trí tuệ của bao thế hệ đi trước và đó cũng là nguồn động viên, tiếp sức cho các thế hệ hôm nay và mai sau luôn trân trọng và tự hào; là động lực cho đội ngũ toàn ngành tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp GD-ĐT huyện nói riêng và sự phát triển cho quê hương Gò Công Tây nói chung trong thời gian tới”.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN GÒ CÔNG TÂY NGUYỄN THANH TUẤN
Thực hiện Quyết định 692 ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “XMC đến năm 2020”, Huyện ủy, UBND huyện đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể thúc đẩy công tác phổ cập giáo dục - XMC trên địa bàn như: Xây dựng Đề án Thực hiện xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình hành động về việc thực hiện Chỉ thị 10 ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả giáo dục tiểu học và trung học cơ sở (THCS), tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và XMC cho người lớn... Đến nay, huyện đã đạt mức 2 trong công tác XMC (mức cao nhất), trên 96,04% dân số từ 15 - 60 tuổi biết đọc và viết.
PHÁT TRIỂN CẢ QUY MÔ VÀ CHẤT LƯỢNG
Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững, Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, huyện tập trung thực hiện quyết liệt các chính sách chuyển đổi các loại hình trường, lớp, đầu tư CSVC, xóa phòng học tạm, phát triển giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.
Dù ngân sách còn khó khăn, nhiều lĩnh vực cần sự đầu tư, nhưng hằng năm huyện đã dành cho GD-ĐT khoản kinh phí nhất định để đầu tư CSVC, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ở các trường. Nhờ có sự quan tâm đầu tư đúng mức của huyện nên diện mạo trường, lớp trên địa bàn huyện thay đổi về cơ bản. Hệ thống trường, lớp được hoàn thiện hơn theo quy hoạch; CSVC khang trang, sạch, đẹp; trang thiết bị được đầu tư tương đối đồng bộ, tạo điều kiện cho thầy dạy tốt, trò học tốt.
Chúng tôi trở lại Trường THCS Nguyễn Văn Thiều trong một ngày trung tuần tháng 11 khi nhà trường vừa được đầu tư xây dựng thêm hạng mục khu nhà làm việc cho cán bộ, giáo viên khang trang. Vừa tất bật dọn dẹp, trang trí sân trường, hội trường chuẩn bị cho ngày 20-11, thầy Châu Ngọc Toàn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, nhà trường đã được đầu tư ngày càng đồng bộ, CSVC hiện đại, tạo được nơi làm việc khang trang cho đội ngũ nhà giáo. Đây là động lực để thầy và trò nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống dạy tốt - học tốt, luôn là ngọn cờ đầu trong huyện, tạo niềm tin đối với phụ huynh học sinh và sự tin tưởng của lãnh đạo ngành.
Dưới sự quan tâm của lãnh đạo huyện, sự nỗ lực của toàn ngành, từ xuất phát điểm chỉ có 4 trường kiên cố, bán kiên cố, phòng học tạm sau ngày tái thành lập huyện, đến nay phòng học kiên cố của các cấp học đạt 100%. Các xã, thị trấn có trường kiên cố hóa đạt 100%. Các loại hình trường, lớp từ cấp mầm non đến giáo dục phổ thông phát triển mạnh.
Năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 39 trường, tăng 16 trường so với năm học 1992 - 1993. Số trường trên địa bàn huyện phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, với 34/37 trường công lập được công nhận trường chuẩn quốc gia, đạt trên 92%; phấn đấu cuối năm 2023, trường đạt chuẩn quốc gia tăng trên 97%. Không chỉ hệ thống trường công lập được các cấp chính quyền chú trọng đầu tư, với chủ trương XHH giáo dục, hệ thống trường ngoài công lập cũng được hình thành và phát triển mạnh với chính sách đa dạng hóa trong giáo dục ở nhiều cấp học.
Với thành tích trên, thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Gò Công Tây đã có 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều lượt tập thể và cá nhân cán bộ quản lý, giáo viên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác của Bộ GD-ĐT và của tỉnh, huyện.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành tăng về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, đảm bảo yêu cầu trong công tác dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. So với ngày đầu tái thành lập huyện chỉ có hơn 900 giáo viên, đến nay toàn ngành hiện có trên 1.120 giáo viên, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhìn chung đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Toàn ngành hiện có 22 thạc sĩ và trên 80% giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định mới. Từ đó, chất lượng giáo dục các cấp học đã chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng theo từng năm học. Đặc biệt, năm học 2021 - 2022, trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện Gò Công Tây đạt 33 giải.
Quyền Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gò Công Tây Ngô Thị Kim Hương chia sẻ: Có được kết quả trên là do sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành cho sự nghiệp phát triển giáo dục của huyện.
Phát huy những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung của ngành.
Ngành rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp; đề xuất lãnh đạo tăng cường CSVC và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đổi mới cơ chế quản lý, công tác quản lý và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục.