Bức tranh cuộc sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Là cửa ngõ vùng Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình có dân số trên 83 vạn người, với 6 dân tộc chủ yếu là: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông… trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 74,31%. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quan tâm, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã có nhiều giải pháp, hoạt động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy KT - XH phát triển, góp phần đảm bảo ANCT - TTATXH địa phương. Bài 1: Ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Your browser does not support the audio element.
Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, nước sạch cung cấp đến từng hộ gia đình, nhà văn hóa thôn, xóm được xây mới… tại các vùng đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đặc biệt, việc hỗ trợ sản xuất được đánh giá là "đúng, trúng, phù hợp” đã từng bước giúp người dân vùng đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, thu hẹp khoảng cách về thu nhập với vùng thuận lợi.
Màu xanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đường vào xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong (Cao Phong) nay đã được bê tông hóa kiên cố, khang trang. Dọc hai bên đường là những vườn rau màu, cây ăn quả sai trĩu cành, mía, ngô phủ xanh đất trống, đồi trọc…, cảm nhận được sự khởi sắc trong cuộc sống của bà con. Đây là xóm 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống.
Xóm Tiến Lâm đã từng là xóm thuộc diện khó khăn của xã Bắc Phong. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và các chương trình, dự án lồng ghép đầu tư, nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Ông Triệu Tiến Nghiêm, Trưởng xóm Tiến Lâm chia sẻ: "Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đời sống Nhân dân trong xóm có nhiều khởi sắc. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn xóm đạt 22 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,7%; dự kiến năm 2020, thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người. Hiện, xóm không có nhà tạm, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch đạt 100%. Trong phát triển kinh tế, Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Theo đó, đã cải tạo, duy trì diện tích đất nông nghiệp đạt khoảng 30 ha. Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phát triển hiệu quả.
Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, chính quyền các cấp đã kịp thời quan tâm, hỗ trợ, động viên các hộ dân vùng đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong đó, tập trung nguồn kinh phí xây dựng khu tái định cư, nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Như tại xóm Kế, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) là 1/36 thôn, xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh. Năm 2017, nhiều hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Trước thực tế đó, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư xây dựng khu tái định cư. Mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà mới, 10 triệu đồng xây dựng công trình phụ trợ, tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng CSXH không lãi suất. Ông Bùi Văn Thượng, xóm Kế chia sẻ: "Mưa lũ năm 2017 khiến cuộc sống của gia đình tôi cũng như các hộ trong xóm lao đao, thiệt hại nặng nề về kinh tế, đời sống bị đảo lộn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã yên tâm sinh sống trong căn nhà mới kiên cố, được hỗ trợ cây, con giống, áp dụng hiệu quả KHKT vào sản xuất, từng bước khôi phục kinh tế".
Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cụ thể hóa các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh ưu tiên bố trí lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác nhau như: Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, vốn Dự án giảm nghèo do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, vốn Chương trình 135 hỗ trợ trên 687 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế và nâng cao năng lực cộng đồng cho cán bộ cơ sở. Chính phủ Ailen viện trợ không hoàn lại cho Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (2016 - 2020) dự kiến tổng mức là 58,8 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 58 danh mục công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 6 huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Mai Châu, khoảng 2.000 hộ được hưởng lợi. Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016 - 2019) đạt gần 11.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi (giai đoạn 2017 - 2020); chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn (giai đoạn 2015 - 2018); chính sách hỗ trợ, động viên người có uy tín…
Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, trong đó, đặc biệt quan tâm đến người dân sinh sống ở vùng sâu, xa, vùng ĐBKK. Theo rà soát năm 2013, toàn tỉnh có 36 thôn, bản thuộc diện khó khăn nhất tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo bình quân gần 61%; thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/năm, bằng 25 - 30% mức thu nhập bình quân chung của tỉnh. Trước tình hình đó, ngày 20/1/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản ĐBKK nhất tỉnh. Trong đó, chú trọng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện chất lượng đời sống, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng ĐBKK”.
Từ sự thống nhất vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai đồng bộ các chương trình, dự án lồng ghép đã đem lại hiệu quả tích cực. Kết quả giai đoạn 2014 - 2019, toàn tỉnh có trên 29.000 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,36%. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã ĐBKK còn 28,3%, bình quân mỗi năm giảm 3,6%. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo tại 2 huyện Kim Bôi và Đà Bắc giảm còn 28,59%, tương ứng với mỗi năm giảm từ 4 - 5%. Đến hết năm 2017, huyện Kim Bôi đã được phê duyệt thoát khỏi tình trạng ĐBKK.
Đến nay, 100% xã có trạm y tế, 68% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia. 100% người dân thuộc hộ nghèo, vùng đồng bào DTTS được cấp phát thẻ BHYT. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM được triển khai rộng khắp, với 80% gia đình văn hóa, 68% làng, bản, tổ dân phố, 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa. Hàng năm, bình quân giải quyết việc làm cho 16.000 - 16.500 lao động.
(Còn nữa)