Bức tranh điểm chuẩn năm 2023: Nhiều bất ngờ
Sau 3 ngày công bố, tổng quan về điểm chuẩn vào đại học (ĐH) đã định hình với khá nhiều bất ngờ. Trong đó, điểm chuẩn vào nhiều trường ĐH năm nay vẫn rất cao khiến nhiều thí sinh dù đạt 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1; nhiều thí sinh điểm thấp trung bình vẫn đỗ ĐH.
Điểm chuẩn cao nhưng không chạm trần
Khác với những năm trước, mùa tuyển sinh ĐH năm 2023 không ghi nhận ngành/chuyên ngành nào có điểm chuẩn trúng tuyển kịch trần như các mùa tuyển sinh trước. Cụ thể, ngành có điểm chuẩn cao nhất cả nước năm nay là Khoa học máy tính (ĐH Bách khoa Hà Nội) với 29,42 điểm. Thứ hai là ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến cũng của trường này (28,8 điểm). Tiếp theo đó là ngành Quan hệ công chúng (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) 28,78 điểm.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm nay áp dụng việc tính điểm ưu tiên mới nên hạn chế được điểm kịch trần. Cụ thể, với những thí sinh đạt tổng điểm thi từ 22,5 điểm trở lên (tính theo thang điểm 30) thì điểm ưu tiên được tính lùi dần theo công thức: (30 - tổng điểm thi)/7,5 x điểm ưu tiên.
Nguyên nhân thứ 2 là do phần mềm tự chọn tổ hợp tối ưu cho thí sinh. Cụ thể, một ngành của một trường tuyển 2 khối thi, mỗi khối 50 chỉ tiêu. Nếu thí sinh tự chọn tổ hợp, điểm chuẩn sẽ phụ thuộc nhiều vào số lượng các em đăng ký ở mỗi tổ hợp. Nhưng nếu để phần mềm tự chọn sẽ tối ưu hóa tương tự như mỗi em đều chọn cả 2 tổ hợp, trượt tổ hợp này sẽ sang tổ hợp khác và vì thế điểm chuẩn sẽ công bằng hơn, khả năng trúng tuyển của thí sinh đó sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc sẽ khó có tổ hợp nào điểm quá cao.
Dẫu vậy, vẫn có hiện tượng mức điểm trúng tuyển cao đến nỗi “thủ khoa toàn quốc vẫn trượt nguyện vọng 1” như trường hợp của 2 thí sính là thủ khoa tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) trượt nguyện vọng 1 ngành Khoa học máy tính (ĐH Bách khoa Hà Nội) khiến nhiều người băn khoăn. Theo PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh (ĐH Bách khoa Hà Nội), năm nay số thí sinh trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính của trường theo phương thức thi tốt nghiệp THPT gần 10 thí sinh. Do chỉ tiêu ít trong khi tỷ lệ đăng ký cao nên sức cạnh tranh cũng cao. Năm 2022, ngành này không tuyển thí sinh theo phương thức thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển theo phương thức đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Một lý do khác khiến dù điểm cao nhưng thí sinh vẫn có thể trượt là do ĐH Bách khoa Hà Nội có phương thức xét tuyển khác với thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, trường tính theo công thức [(Môn 1 + Môn 2 + Môn 3 + Môn chính) x3/4] + Điểm ưu tiên. Theo cách tính này, thí sinh tổ hợp A00 có điểm Toán cao hơn sẽ có lợi hơn.
PGS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay trường đã áp dụng việc coi Toán là môn chính (nhân hệ số 2) với hàng loạt ngành khi xét tuyển ĐH do chủ trương yêu cầu thí sinh có tư duy toán học tốt. Điều này tương tự như với ngành ngôn ngữ sẽ nhân 2 điểm môn ngoại ngữ. Trong đề án tuyển sinh hàng năm của trường cũng công khai, minh bạch cách tính điểm này, không phải đến nay mới thông báo.
Dù không đạt trên 29 điểm như các năm trước nhưng điểm chuẩn khối C00 (Văn, Sử, Địa) và các tổ hợp khoa học xã hội khác năm nay cũng có nhiều trường có điểm chuẩn cao. Trong đó phải kể đến ngành Lịch sử khi điểm chuẩn ở hầu hết các trường Sư phạm đều cao, thậm chí là cao nhất như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (28,58 điểm), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (28,42 điểm), Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội (28,17 điểm)… Riêng ngành Lịch sử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền lấy đến 28,56 điểm.
Độ “hot” của ngành này được đẩy lên cao được các chuyên gia tuyển sinh lý giải là vì Lịch sử đã chính thức trở thành môn học bắt buộc và có mặt trong danh sách 4 môn thi bắt buộc theo đề án thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GDĐT vừa công bố, nên nhận được sự quan tâm cao của thí sinh và phụ huynh…
Chênh lệch điểm chuẩn giữa các ngành, trường
Giữa cơn bão điểm chuẩn được công bố, vẫn có những ngành của các trường có điểm chuẩn chỉ từ 15 điểm, như Trường ĐH Gia Định năm 2023 có điểm chuẩn các ngành chủ yếu là 15-16 điểm. Đối với chương trình tài năng, điểm chuẩn là 18 điểm.
Cũng có những trường mà điểm chuẩn chênh lệch đáng kể giữa các ngành như tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), trong khi ngành có điểm chuẩn cao nhất là 28,05 (Khoa học máy tính) thì cũng có ngành điểm chuẩn chỉ ở mức 17 điểm, như Khoa học Môi trường, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật địa chất…
Điểm chuẩn các trường quân đội năm 2023 cũng bất ngờ giảm so với trước. Năm 2022, không trường nào trong khối các trường quân đội có điểm chuẩn dưới 17. Năm nay, Trường Sĩ quan Công binh có điểm đầu vào thấp nhất khối trường quân đội với 16,25 điểm đối với thí sinh nam ở miền Bắc. Tuy nhiên, cũng trường này ở phía Nam lấy điểm chuẩn 23,20 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất trong khối quân đội là ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (dành cho nữ) với 27,97 điểm, trong khi thí sinh nam lấy 24,73 điểm.
Có sự chênh lệch giữa điểm chuẩn trong cùng một trường, thậm chí trong cùng một ngành theo các chuyên gia lý giải là do độ hot của ngành đó cũng như lượng thí sinh đăng ký vào nhiều hay ít so với chỉ tiêu nhà trường đặt ra. Ngay tại ĐH Bách khoa Hà Nội, trong khi các ngành IT lấy điểm rất cao thì điểm chuẩn các ngành kỹ thuật mang tính truyền thống chỉ ở mức khiêm tốn, thậm chí có ngành 21 điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thực tế ngành đếm không xuể, ngành phải “vét” thí sinh đã tồn tại từ nhiều năm qua. Đặc biệt, khối ngành khoa học cơ bản có xu hướng giảm lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khiến nhiều trường trăn trở. Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong 3 năm liền (2020-2022) ở lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Ngay cả ở những trường ĐH top đầu, kết quả tuyển sinh những ngành khoa học cơ bản cũng không mấy khả quan.
Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân bày tỏ trăn trở về tình trạng mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau ĐH. Điều này về lâu dài sẽ gây hệ lụy không tốt cho nền giáo dục, nền khoa học cũng như phát triển nhân lực quốc gia.
Cân nhắc phương thức tuyển sinh phù hợp
Từ thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy các trường ĐH đã chủ động nhiều phương án tuyển sinh để lựa chọn các thí sinh đáp ứng yêu cầu của nhà trường, của ngành học thay vì phụ thuộc duy nhất vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù điều này có thể gây ra những băn khoăn với một số trường hợp thí sinh nhưng theo nhiều chuyên gia, không có phương án nào thỏa mãn được tất cả. Trong quá trình tuyển sinh qua từng năm, các trường cần tiếp tục hoàn thiện và điều chỉnh để đảm bảo công bằng, khách quan nhất đối với các thí sinh và cần công khai, minh bạch ngay từ đề án tuyển sinh để người học và xã hội được biết.
Hiện khối trường ĐH y dược vẫn đang tuyển sinh chủ yếu theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, trong khi các trường khối kỹ thuật, công an, sư phạm… đã có một kỳ thi riêng. Mặc dù đại diện nhiều trường ĐH y dược đã bày tỏ mong muốn có một kỳ thi riêng để tuyển thí sinh phù hợp nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc, các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Hiện một số trường cho rằng điểm thi tốt nghiệp THPT không phù hợp với những ngành mà việc tuyển chọn có tính cạnh tranh cao trong khi có những trường khác vẫn đang áp dụng phương thức này là chuyện bình thường. Nếu các trường muốn thay đổi, điều chỉnh thì phải sớm công bố công khai phương án tuyển sinh trong đề án để thí sinh nắm được. Cũng cần cân nhắc đến việc tổ chức kỳ thi riêng có trở thành rào cản với các thí sinh, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa… Hoặc có thể áp dụng thí điểm ở một ngành có tính đặc thù, mức cạnh tranh cao hoặc áp dụng cho lưu học sinh, tuyển sinh người nước ngoài… sau đó có đánh giá cụ thể trước khi áp dụng, triển khai đại trà.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, điểm yếu lớn nhất của kỳ thi tuyển sinh 2023 là giữa các phương thức tuyển sinh chưa bảo đảm sự công bằng nhất định. Nhiều thí sinh được xét tuyển trúng tuyển sớm có lẽ dễ dãi hơn so với các thí sinh được trúng tuyển theo kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Sơn yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có việc đánh giá phân tích tương quan giữa đầu vào và kết quả quá trình học tập, từ đó hoàn thiện phương thức tuyển sinh cho năm học mới, đồng thời từng bước chuẩn bị phương thức tuyển sinh từ năm 2025 để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/buc-tranh-diem-chuan-nam-2023-nhieu-bat-ngo-5726900.html