Bức tranh không màu

Vừa ngang qua tôi là một gương mặt khắc khổ và buồn. Người đàn bà ấy ngồi bên một mớ củ sen vừa lấy được ngoài đồng, đựng trong cái rổ cũ kỹ. Đôi bàn tay xù xì đen đúa với những đốt thô kệch đầy vết xước rớm máu. Những ngón tay cứng khòng không gợi cho tôi chút nào quen thuộc nhưng gương mặt có đôi mắt buồn khiến trí nhớ của tôi mệt nhoài vì những rượt đuổi trong quá khứ. Ánh mắt tôi đã gặp rồi, ở đâu đó và chất giọng là của người làng bên cạnh...

Cúc họa mi. Ảnh: Đức Quang.

Cúc họa mi. Ảnh: Đức Quang.

Rốt cuộc, trí nhớ chớm già cũng giúp tôi tìm ra gương mặt ấy ở một ngôi nhà nhỏ trong xóm cũ, bên những bó nan đan quạt và chồng quạt đã đan xong cao chất ngất. Những bó nan nhuộm màu sặc sỡ nhưng trong bức tranh cũ u ám, nó trở nên nhợt nhạt, không màu.

Phải rồi, người phụ nữ ấy về sống ở xóm tôi một quãng thời gian, đủ để những câu chuyện chị hay kể in sâu vào trí óc non nớt của tôi, và bởi chị hay cho bọn tôi phẩm màu nhuộm giấy thủ công. Chị là người làng bên có nghề đan quạt lá đề nên trong nhà lúc nào cũng sẵn phẩm màu đủ loại rất đẹp để nhuộm nan. Tôi thích nhìn đôi tay lem màu nhưng thon thả lướt trên những nan quạt để một lát sau, chiếc quạt tròn trĩnh hoàn thành, mười cái giống nhau như một.

Đan quạt nan là nghề phụ, công việc ấy chỉ làm những lúc đồng áng nhàn rỗi, thu nhập chẳng đáng là bao, chỉ là “lấy công làm lãi”. Riêng quạt lá đề của người làng bên thì thu nhập tốt hơn nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Cánh phụ nữ trong xóm hay tập trung ở nhà chị học đan và tán chuyện trên trời dưới bể. Chị gái tôi cũng mang nan đến đấy học, tôi đi theo và bắc cái ghế nhỏ ngồi bên cạnh, sung sướng nhặt những mẩu nan màu sặc sỡ và thế nào cũng được ăn một thứ gì đó. Tôi thích đi theo không hẳn vì được nhặt nan màu, được ăn… mà còn được nghe rất nhiều chuyện hấp dẫn. Chẳng hạn, ở cống đá lớn ngoài đồng tối qua, chỗ cái vó bè của chú Tám có chuyện lạ lùng.

Lần nào chú kéo vó lên cũng rất nặng mà sáng ra mang giỏ lên lại chẳng được con cá nào. Vó bè của chú được bắc trên một cái chuôm rộng, ngay trên dòng chảy của cống thoát nước ra đồng. Cứ khoảng mươi phút chú lại cho kéo vó lên, tôm cá cứ tự động rơi vào cái giỏ đặt sẵn ở dưới đáy vó lưới. Thật vô lý. Rồi đêm nào chú ngủ trên bè cũng thấy có cái bóng áo trắng đứng ở đầu giường, có lúc lại nghe một bàn tay lạnh ngắt sờ vào mặt. Ghê hơn, hôm trước đang ngủ chú tự nhiên nhảy ùm xuống chuôm, bơi một lúc, tỉnh ngủ hẳn rồi lại trèo lên bè ngủ tiếp. Hoặc chuyện xóm tôi dạo này về khuya hay có một con chó trắng rất lớn đi lang thang ngoài đường, đêm hôm trước đi xuống chơi nhà mẹ về muộn, nó đi theo chị miết về tận cổng nhà… Những câu chuyện đại khái như thế khiến tôi không bao giờ dám ngủ một mình.

Ngày chị rời khỏi xóm cũ, tôi còn bé tí chả hiểu gì chỉ biết hình như hai vợ chồng chị giận dỗi hiểu lầm nhau và chị dứt áo ra đi.

Về sau tôi nghe mọi người nói chị vẫn không gặp may mắn trong lần đi bước nữa. Những câu chuyện trong đêm nào đan quạt cũng dần phai nhạt, đến nỗi đi ngang cái cống đá cũ tôi cũng không còn nhớ ở đó từng có những câu chuyện đã nghe chị kể. Chỉ có chiều nay, đôi tay rớm máu vì gai sen cào nát cùng một đôi mắt buồn khó tả lướt qua trí nhớ, kéo tôi trở về với câu chuyện năm nào.

Thời gian quả là khắc nghiệt khi biến một bàn tay mềm mại thành đen đúa già nua và đôi mắt tươi tắn trở nên u buồn. Những câu chuyện buồn vui trong bức tranh không màu ngày cũ, chẳng biết chị đã quên chưa hay vẫn canh cánh trong lòng?

THÁI HƯƠNG LIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/buc-tranh-khong-mau-5741951.html