'Bức tranh kinh doanh u ám', cổ phiếu xi măng khó làm nên chuyện

Thị trường tiêu thụ khó khăn cùng nhiều yếu tố không thuận lợi đang làm cho 'bệnh tình' của các doanh nghiệp xi măng khó có thể thuyên giảm trong một sớm một chiều. Cũng chính vì vậy, nhóm cổ phiếu này vẫn khó có thể làm nên chuyện trong giai đoạn cuối năm 2024.

Mùa báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2024, nhiều doanh nghiệp xi măng báo lợi nhuận giảm, thậm chí có công ty còn thua lỗ. Có thể nói, gam màu xám đã bao trùm hầu hết các công ty xi măng trên sàn chứng khoán.

Gam màu xám của doanh nghiệp xi măng

Điển hình, quý II/2024, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) báo lỗ 36,5 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ của doanh nghiệp xi măng này từ quý IV/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vicem Bút Sơn lỗ ròng 92 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 32 tỷ đồng. Tính đến ngày ngày 30/06/2024, tổng tài sản của Vicem Bút Sơn giảm 3% so với đầu năm, còn gần 3.407 tỷ đồng.

 Gam màu xám bao trùm hầu hết các công ty xi măng trên sàn chứng khoán (Ảnh minh họa)

Gam màu xám bao trùm hầu hết các công ty xi măng trên sàn chứng khoán (Ảnh minh họa)

Hay như CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) báo lãi ròng quý II/2024 đạt hơn 270 triệu đồng, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bán niên, công ty lỗ gần 40 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2024, Vicem Hoàng Mai ghi nhận lỗ sau thuế chưa phân phối âm gần 65,3 tỷ đồng.

Chung cảnh ngộ, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) với doanh thu thuần đạt 1.909 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, Xi măng Hà Tiên báo lãi ròng gần 46 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Xi măng Hà Tiên ghi nhận 3.403 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với nửa đầu năm 2023. Công ty báo lãi sau thuế đạt 21 tỷ đồng do thua lỗ trong quý đầu năm, song đã cải thiện so với mức lỗ gần 27 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, tổng sản lượng sản xuất xi măng 6 tháng đầu năm nay ước đạt 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ. Các nhà máy chỉ chạy 70 - 75% tổng công suất thiết kế, tồn kho lũy kế tới 5 triệu tấn.

Việc thị trường tiêu thụ khó khăn cùng nhiều yếu tố không thuận lợi càng làm cho mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xi măng càng trở nên gay gắt, đặc biệt ở thị trường miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, khó thu hút nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt phải kể đến xi măng.

Cùng với đó, thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc dự báo sẽ dư thừa và cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu ở Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi…, thì việc “sức khỏe” doanh nghiệp nhóm xi măng suy giảm là khó tránh khỏi. Và tình trạng này có thể kéo dài tới hết năm 2024.

Khó có thể hồi phục “một sớm một chiều”

Trong bối cảnh bức tranh toàn ngành xi măng hiện vẫn còn thiếu những gam màu tươi sáng khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có phần đi lùi so với năm ngoái, tuy nhiên có thời điểm bộ đôi HT1 và BCC (Xi măng Bỉm Sơn) là một trong số ít cổ phiếu “vượt qua nghịch cảnh”, ghi nhận đà tăng vượt trội so với VN-Index.

Các chuyên gia cho rằng, đà tăng này “chạy trước” do kỳ vọng của dòng tiền vào việc cả 2 doanh nghiệp đã tạo đáy lợi nhuận, bởi thực tế “sức khỏe” của 2 doanh nghiệp này vẫn còn kém.

Trước khó khăn của toàn ngành, Xi măng Bỉm Sơn và Xi măng Vicem Hà Tiên đều lên kế hoạch kinh doanh một cách đầy thận trọng. Thậm chí, Xi măng Bỉm Sơn còn không dám "mơ" đến viễn cảnh có lãi mà chỉ hy vọng giảm lỗ: Doanh nghiệp đặt mục tiêu lỗ sau thuế 159 tỷ đồng.

Mặt khác, xét trên góc nhìn kỹ thuật, hai cổ phiếu HT1 và BCC đều đã xác nhận tạo đáy trên thị trường chứng khoán. Do đó, việc dòng tiền tìm đến giúp 2 cổ phiếu bật tăng tích cực dù kết quả kinh doanh vẫn kém cũng là điều dễ hiểu.

Tuy vậy, nhìn rộng hơn, nhóm cổ phiếu xi măng nói chung vẫn khó có thể làm nên chuyện trong giai đoạn cuối năm 2024.

Theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, bên cạnh việc xuất khẩu xi măng và clinker sẽ gặp trở ngại do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa phục hồi và nguồn cung xi măng Trung Quốc dư thừa như đã nêu trên, thì tại thị trường nội địa cũng ảm đạm với mức tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn/năm, trong khi khả năng sản xuất thực tế có thể đạt tới 130 triệu tấn. Nếu không thể xuất khẩu, nguy cơ phá sản sẽ gia tăng. Ngược lại, khi kinh tế phục hồi và nhu cầu tăng, có thể xảy ra tình trạng thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho biết đầu ra của ngành xi măng tập trung chủ yếu vào đầu tư công, bất động sản và xây dựng dân dụng, trong đó đầu tư nhà nước đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt các lĩnh vực khác cùng phát triển. Tuy nhiên, hai năm gần đây, không có nhiều dự án công nghiệp lớn được triển khai ngoài các dự án giao thông sử dụng xi măng không nhiều. Ngành xi măng đã đầu tư cho sản xuất theo quy hoạch được Chính phủ duyệt, trên cơ sở dự báo nhu cầu của các ngành, của đất nước, nhưng việc triển khai các dự án trên thực tế còn chậm, dẫn đến tiêu thụ xi măng thấp.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành bất động sản vẫn còn nhiều thách thức, đó là nhu cầu ở các phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng chưa thực sự hồi phục; áp lực nợ trái phiếu tại một số doanh nghiệp còn lớn; hành lang pháp lý mới cần thời gian để “thẩm thấu” vào cuộc sống... Do đó, xi măng vẫn sẽ là nhóm ngành chịu ảnh hưởng đáng kể trong giai đoạn tới, gây tác động kém tích cực đến nhóm cổ phiếu xi măng nói chung.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/buc-tranh-kinh-doanh-u-am-co-phieu-xi-mang-kho-lam-nen-chuyen-1102110.html