'Bức tranh' kinh tế 6 tháng đầu năm: Duy trì tăng trưởng, tạo đà cán đích, bài 2 - Nỗ lực cao nhất để hoàn thành mục tiêu

Năm 2024 được xác định là năm 'nước rút', có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2020-2025. Vì vậy, để có thể 'cán đích' các mục tiêu đặt ra trong năm cần có sự nỗ lực rất lớn và nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đây là lợi thế, cơ hội để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: N.N

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đây là lợi thế, cơ hội để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: N.N

Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra

Mặc dù được dự báo là rất khó khăn, nhưng Thái Nguyên quyết tâm hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ của năm 2024. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 3,5%...

Theo tính toán, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024, tăng trưởng 6 tháng cuối năm cần đạt 8,75%. Trong đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng cần đạt 9,9% (riêng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cần tăng từ 10,2%), tăng trưởng khu vực dịch vụ cần đạt 8%.

Kịch bản theo từng quý cần đạt là: Tăng trưởng quý III đạt 9%, trong đó tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 10,3% (giá trị tăng thêm ngành công nghiệp từ 10,5%), tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,5%; tăng trưởng quý IV cần đạt 8,52%, trong đó tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng là 9,53% (giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp từ 9,9%), tăng trưởng khu vực dịch vụ cần đạt 8,4%.

Với chỉ tiêu về công nghiệp, để hoàn thành kế hoạch thì giá trị sản xuất 6 tháng cuối năm cần đạt 631 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ và tăng 48,7% so với 6 tháng đầu năm. Trong đó, công nghiệp địa phương cần đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ và tăng 49,1% so với 6 tháng đầu năm. Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản phải đạt trên 8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Dự báo trong thời gian tới, kinh tế của tỉnh còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức, nhất là các yếu tố bên ngoài do Thái Nguyên là tỉnh có độ mở kinh tế lớn. Đó là, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu…

Ở trong tỉnh, ngành Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh - rất khó để bứt phá do chưa có năng lực mới với quy mô đủ lớn; khu vực dịch vụ có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng tỷ trọng nhỏ, không thể bù đắp thiếu hụt của ngành Công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn do các yếu tố không thuận lợi như mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, khả năng tiếp cận vốn hạn chế. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, có nhiều cơn bão đổ bộ vào đất liền… Do đó việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Lãnh đạo TP. Thái Nguyên kiểm tra việc triển khai Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm I ở xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên). Ảnh: H.C

Lãnh đạo TP. Thái Nguyên kiểm tra việc triển khai Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm I ở xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên). Ảnh: H.C

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Mặc dù phải đối diện với không ít thách thức, song nếu biết nắm bắt và chuyển hóa những cơ hội, điều kiện thuận lợi; có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, thì mục tiêu đặt ra trong những tháng cuối năm vẫn có cơ sở để hoàn thành. Bởi vậy, tại Phiên họp toàn thể của UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 16/5/2024 của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển KT-XH năm 2024.

Để hoàn thành chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, để “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” tạo sự tăng trưởng đột phá. Điều này sẽ tác động tích cực đến sự tăng trưởng của một số ngành công nghiệp như: sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó là tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến đầu tư; tăng cường đối thoại giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án công trình quan trọng...

Cùng với vai trò của cơ quan nhà nước, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần chú trọng và đề cao việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, thay thế cho sản phẩm xuất khẩu vẫn phải mang tên của các thương hiệu lớn khác trên thế giới; chú trọng tới chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh...

Với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế nếu 6 tháng cuối năm tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, điều kiện thời tiết thuận lợi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt thì mục tiêu kế hoạch cả năm 2024 sẽ được hoàn thành.

Sản lượng lương thực có hạt vụ xuân năm 2024 của tỉnh ước đạt gần 215 nghìn tấn. Trong ảnh: Nông dân xã Úc Kỳ (Phú Bình) thu hoạch lúa xuân. Ảnh: V.C

Sản lượng lương thực có hạt vụ xuân năm 2024 của tỉnh ước đạt gần 215 nghìn tấn. Trong ảnh: Nông dân xã Úc Kỳ (Phú Bình) thu hoạch lúa xuân. Ảnh: V.C

Bởi thế, ngành Nông nghiệp đã đặt ra một số giải pháp để thực hiện, như: Tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa, có kế hoạch cho sản xuất vụ đông; hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vắc-xin và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phân hạng, đánh giá đối với các sản phẩm OCOP; nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp…

Cụ thể hóa những giải pháp đó, ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi, đơn vị đang tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hướng an toàn VietGAP, hữu cơ…

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thông tin: Trên địa bàn tỉnh hiện có 240 sản phẩm OCOP. Để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương; tổ chức các phiên chợ livestream cho các chủ thể OCOP, nhất là vào dịp cuối năm khi lượng mua của người dân tăng cao...

Từ thực tế có thể thấy, để vượt khó "cán đích" các chỉ tiêu còn lại trong những tháng cuối năm nay là nhiệm vụ không dễ dàng. Sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đã được đưa ra, các giải pháp cũng đã được nêu cụ thể. Việc còn lại là cần có sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để "về đích" mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Nhóm P.V Kinh tế

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202407/buc-tranh-kinh-te-6-thang-dau-nam-duy-tri-tang-truong-tao-da-can-dich-bai-2-no-luc-cao-nhat-de-hoan-thanh-muc-tieu-0550ff8/