Tân An và khát vọng đô thị loại I

TP.Tân An, tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I, được công nhận trước năm 2030. Qua 15 năm xây dựng và phát triển với nhiều khát vọng đổi mới, thành phố nỗ lực không ngừng để 'thay da, đổi thịt,' xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đầu mối giao thông của tỉnh.

TP.Tân An đặt mục tiêu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và được công nhận trước năm 2030

TP.Tân An đặt mục tiêu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và được công nhận trước năm 2030

Đô thị trẻ chuyển mình

Cách đây 15 năm, TP.Tân An là đô thị loại III, xuất phát điểm còn thấp, tiềm lực kinh tế và kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều hạn chế, đời sống người dân chưa được cải thiện,...

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố không ngừng nỗ lực, tiếp tục phát huy truyền thống Long An trung dũng kiên cường, đoàn kết, bản lĩnh, vươn lên bằng ý chí và khát vọng phát triển.

Tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành tỉnh, Đảng bộ thành phố toàn tâm, toàn ý cho công cuộc xây dựng và phát triển Tân An trở thành đô thị loại II vào năm 2019.

Thời gian qua, thành phố ưu tiên phát triển thành đô thị thông minh, gắn kết chặt chẽ với việc phát triển TP.Tân An trở thành vùng kết nối giữa TP.HCM và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có dự án Trung tâm điều hành thông minh được hoàn thành, đưa vào sử dụng (ngày 22/4/2023, TP.Tân An ra mắt Trung tâm điều hành thông minh).

Đây là bước đầu trong việc triển khai xây dựng Tân An trở thành đô thị thông minh đầu tiên của tỉnh. Đồng thời cũng là cơ sở để Tân An phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Hiện thành phố đã và đang tích hợp các dịch vụ giám sát. Đó là giám sát an ninh, trật tự; an toàn giao thông; chiếu sáng thông minh; giám sát hành chính công, chỉ tiêu KT-XH;...

Qua 15 năm, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển và tốc độ tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng, lấy ngành thương mại - dịch vụ là “mũi nhọn”. Hoạt động thương mại - dịch vụ ổn định và phát triển, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Văn hóa - xã hội được quan tâm lãnh đạo và đạt nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, thành phố lắp đặt 134 camera tại 24 vị trí giao thông trên địa bàn, với tổng mức đầu tư 60 tỉ đồng. Hoàn thành Dự án Quản lý chiếu sáng thông minh (iLCS) và thay thế đèn led. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 120 tỉ đồng.

Song song đó, thành phố hoàn thành dự án “Đầu tư hệ thống một cửa điện tử hiện đại cho xã, phường” và Trung tâm Hành chính công với tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng.

Thành phố đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy tính, máy bấm số và máy scan tại Trung tâm Hành chính công thành phố và bộ phận “một cửa” của xã, phường. Từ đó đã phát huy hiệu quả, người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến năm sau luôn cao hơn năm trước,...

Hành trình đến đô thị loại I

TP.Tân An hiện là đô thị loại II, được xác định hành trình trở thành đô thị loại I với mục tiêu tổng quát: Xây dựng và phát triển TP.Tân An trở thành một trong những trung tâm đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, thông minh, có điểm nhấn trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, được công nhận trước năm 2030.

Về định hướng quy hoạch phát triển thành phố, cần bảo đảm diện tích tự nhiên từ 150km2 trở lên, ưu tiên lan tỏa đô thị theo hướng Đông Nam gắn với hành lang phát triển phía Nam. Đó là lấy tuyến sông Vàm Cỏ Tây làm trục cảnh quan chính và lấy đường Vành đai TP.Tân An là trục động lực.

Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị hài hòa, đa trung tâm, giữ vững cảnh quan sông nước đặc thù kết hợp hình thành các đô khu thị mới.

Ngoài ra, tiếp tục khai thác kết nối hành lang Đông Tây, hình thành trục liên kết giữa các phân khu đô thị kết hợp với nghiên cứu địa giới hành chính, bảo đảm phù hợp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện trạng TP.Tân An có 81,73km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số trên 158.000 người; có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 9 phường và 5 xã.

Căn cứ 63 tiêu chuẩn của 5 tiêu chí đô thị loại I được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 thì TP.Tân An tự đánh giá đạt 71,13/100 điểm, gần tiệm cận với mức đạt 75/100 điểm.

Tuy nhiên, có 2 tiêu chí không đạt điểm tối thiểu theo quy định, đó là: Tiêu chí số 2 về quy mô dân số và tiêu chí số 3 về mật độ dân số.

TP.Tân An đã xác đinh mục tiêu đạt các tiêu chí đô thị loại I, là đô thị hiện đại; có lối sống sinh thái; có bản sắc; có kết cấu hạ tầng xanh và bền vững; có hệ thống quản lý chất thải thông minh;...

Giai đoạn tới, thành phố cần triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp ưu tiên sau:

Nhóm ưu tiên 1: Công tác lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án. Đó là hoàn thiện phương án mở rộng không gian đô thị TP.Tân An để bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích đơn vị hành chính thành phố tối thiểu 150km2. Lập nhiệm vụ, quy hoạch chung đô thị Tân An đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lập chương trình phát triển đô thị TP.Tân An; lập đề án đề nghị công nhận TP.Tân An là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Long An.

Nhóm ưu tiên 2 là các giải pháp về đầu tư: Gồm các dự án có khả năng khắc phục các tiêu chuẩn còn yếu và còn thiếu so với tiêu chuẩn của đô thi loại I. Các dự án cấp thiết tác động đến quá trình phát triển KT-XH, dự án dân sinh. Các dự án có khả năng huy động được ngay nguồn lực từ cộng đồng: Khu trung tâm thương mại, Khu đô thị dịch vụ, đô thị sinh thái. Cụ thể hóa các công trình tạo điểm nhấn ấn tượng trong đô thị, hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan.

Nhóm ưu tiên 3: Tiếp tục triển khai các dự án nằm trong danh mục dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn TP.Tân An được xác định trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn của đô thị loại I.

Ngoài ra, thành phố cũng tập trung các giải pháp khác như giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài; giải pháp bảo tồn các giá trị về lịch sử văn hóa; giải pháp kêu gọi và xúc tiến thu hút đầu tư phát triển đô thị.

Một trong những giải pháp rất quan trọng giải “bài toán” quy mô dân số và đạt tiêu chuẩn diện tích đơn vị hành chính tối thiểu 150km2 đó là nghiên cứu mở rộng không gian đô thị cho TP.Tân An trong giai đoạn tới. Đây được xem là nhiệm vụ cấp thiết và là giải pháp khắc phục tiêu chí dân số toàn đô thị, tạo lập không gian bảo đảm để TP.Tân An phát triển bền vững trong tương lai./.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tan-an-va-khat-vong-do-thi-loai-i-a182158.html