Bức tranh kinh tế sáng hơn, nhưng chưa hết lo

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với những diễn biến mới trên thị trường toàn cầu trong những ngày gần đây thì các áp lực từ nay đến cuối năm sẽ không hề nhỏ, đặc biệt là xuất khẩu...

Tăng trưởng đồng đều, vĩ mô ổn định

Theo số liệu Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố ngày 29/8, các chỉ số kinh tế tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang vận hành tốt. Đặc biệt kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 8 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Bên cạnh đó, mặc dù tháng 8 chịu ảnh hưởng nhiều của mưa bão, cũng là tháng trùng với tháng 7 âm lịch khiến tâm lý người dân hạn chế mua sắm nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng chỉ tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước. Thế nhưng tính chung 8 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,5%), thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tiếp tục tăng vững chắc.

Cũng do trùng với tháng 7 âm lịch người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh nên số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8/2019, cả nước có 11.177 DN thành lập mới, giảm 9,5% về số DN.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong tháng là 151,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một DN đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 20,1%. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm mạnh (52%); DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và DN hoàn tất thủ tục giải thể cũng giảm đáng kể (lần lượt giảm 15,2% và 9,7%) so với tháng trước.

Về sản xuất công nghiệp, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2019 ước tính tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,3%. Tính chung 8 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 10,8% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 8,2% và 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%.

Dòng vốn FDI tiếp tục xu hướng tích cực. Trong đó, mặc dù tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng năm nay chỉ đạt gần 13,12 tỷ USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vốn thực hiện 8 tháng ước đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Đặc biệt, mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, song hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục diễn biến khá ổn định và tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 336,56 tỷ USD, ghi nhận mức xuất siêu 3,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,9 tỷ USD), trong đó riêng tháng 8 ghi nhận mức xuất siêu 1,7 tỷ USD - tương đương với giá trị xuất siêu của cả 7 tháng trước đó.

Ngoài ra, các số liệu khác của TCTK về tình hình kinh tế 8 tháng cũng cho thấy sự tích cực, như tiến độ thu NSNN duy trì ổn định và chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN cũng có cải thiện khi 8 tháng đạt 189,2 nghìn tỷ đồng, bằng 53,1% kế hoạch năm.

Vẫn nhiều áp lực

Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với những diễn biến mới trên thị trường toàn cầu trong những ngày gần đây thì các áp lực từ nay đến cuối năm sẽ không hề nhỏ, đặc biệt là xuất khẩu. “Tôi cho rằng xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam. Thế nhưng việc đồng NDT tiếp tục mất giá và khả năng Trung Quốc có thể tiếp tục lập các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông, thủy sản sẽ khiến các DN xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn.

Trong khi về phía Mỹ, việc nhập khẩu bao nhiêu là tùy theo sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Nhưng trước nguy cơ kinh tế Mỹ sụt giảm vì thương chiến thì nhiều khả năng sức mua cũng sẽ sụt giảm, kéo theo nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm đi.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân, thuộc Công ty SSI cho rằng, xuất khẩu từ nay đến cuối năm cũng đáng lo vì có thể hàng hóa vào thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục khó khăn. Trong khi đó với thị trường Mỹ thì sức cầu cũng chỉ ở mức như hiện nay. Hơn nữa tiêu chuẩn vào Mỹ rất cao, hàng hóa Việt Nam không dễ đáp ứng. Chưa kể, không cẩn thận là có thể bị kiện tụng và bị xem xét áp thuế chống bán phá giá ngay.

Theo báo cáo mới nhất của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV về tác động từ tình hình căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, trong ngắn hạn xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động tiêu cực, chủ yếu vì cầu giảm do Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng và bảo hộ thị trường trong nước nhiều hơn, trong khi hoạt động dịch chuyển đầu tư đòi hỏi thời gian. Trong dài hạn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tích cực hơn khi đối tác tìm kiếm hàng hóa thay thế và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư bắt đầu kinh doanh và xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, tỷ giá, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay cũng như xu hướng hạ lãi suất của nhiều NHTW trên toàn cầu sẽ gây ra những áp lực với lãi suất và tỷ giá trong nước.

Trong khi ông Nguyễn Đức Hùng Linh lại có quan điểm trái ngược khi cho rằng, hiện áp lực với tỷ giá là chưa có hoặc không lớn, và việc nói điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu là không có cơ sở. “Tỷ giá hiện ổn định trong khi xuất khẩu vẫn tăng thì tại sao phải điều chỉnh giá?”, ông Linh nêu vấn đề. Nói cách khác, theo ông Linh, áp lực là có nhưng vấn đề là chúng ta đang kiểm soát tốt và có nguồn cung ngoại tệ dồi dào nên chưa có vấn đề gì.

“Đặt tình huống là nếu nguồn cung ngoại tệ khó khăn hơn, ví dụ nếu xuất khẩu chững mạnh lại thì vẫn có các cách thức để hạn chế các tác động tiêu cực. Chẳng hạn, chúng ta sẽ tìm cách hạn chế nhập khẩu đi, như hạn chế nhập khẩu ô tô và các mặt hàng tiêu dùng khác”, ông Linh nói.

Theo chuyên gia này, trong những trường hợp như vậy, muốn kiểm soát được ổn định thì tất cả các bộ, ngành phải cùng phối hợp ra tay chứ không chỉ một mình NHNN làm được.

“Để kiểm soát được lãi suất và tỷ giá, ngoài vai trò chính của NHNN thì các bộ ngành phải phối hợp. Mấu chốt ở đây là phải kiểm soát được tỷ giá. Để kiểm soát được tỷ giá thì cần quan tâm đến tổng thể, nhất là cán cân thanh toán mà cái đó nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN. Hay một yêu cầu nữa là không thể phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu được mà cần sử dụng các công cụ hành chính về bảo hộ. Vấn đề bảo hộ thì hiện nay nhiều nước làm, nên trong trường hợp cần thiết, Việt Nam có thể dùng chính sách bảo hộ để hạn chế nhập khẩu, ưu tiên sử dụng hàng nội địa”, ông Linh nói.

Với lãi suất, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, hiện thanh khoản vẫn tốt, và không có áp lực đáng phải quan ngại. “Thực tế lãi suất chỉ tăng ở một số kỳ hạn dài của một số NHTM nhỏ để đáp ứng quy định về an toàn vốn của NHNN. Còn với các NH lớn như Vietcombank đâu có cần như vậy. Và ngay ở các NHTM nhỏ, nếu đẩy lãi suất lên quá đà cũng sẽ bị NHNN soi và chấn chỉnh ngay. Vì hiện NHNN đã kiểm soát bằng các chỉ tiêu an toàn nên nếu NH nào tăng quá đà có nghĩa là chỉ tiêu an toàn có vấn đề mà như thế NHNN sẽ can thiệp ngay, như giảm hạn mức tăng trưởng tín dụng”, chuyên gia này phân tích.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không nên giảm lãi suất vì như thế có thể làm bùng phát lạm phát và khiến tỷ giá biến động. “Hiện lạm phát đang trong tầm kiểm soát nhưng nếu điều chỉnh là nó có thể thay đổi ngay. Hơn nữa, hiện nay lãi suất hiện không phải là quá cao và ngay cả Fed khi họ muốn giảm lãi suất cũng phải tính toán nhiều yếu tố. Còn NHTW các nước khác họ giảm lãi suất là vì muốn hỗ trợ cho xuất khẩu, trong khi đó với Việt Nam thì như đã phân tích nhiều lần, mối quan hệ giữa tỷ giá và xuất khẩu tác động đến nhau không nhiều”, TS. Lực cho biết. Về tỷ giá, chuyên gia này cho rằng, cách điều hành như hiện nay là đã đảm bảo linh hoạt.

Cũng theo chuyên gia này, những phần việc cần tập trung hiện nay là cần phải quan tâm “gia cố ngay trong nhà mình”, theo đó những gì còn yếu kém, tồn tại thì phải tập trung vào giải quyết, từ vấn đề tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng dự trữ ngoại hối… Thậm chí, phải xây dựng kịch bản cụ thể để biết là bộ nào, ngành nào phải làm gì nếu kịch bản xấu nhất xảy ra là hai bên Mỹ - Trung làm đúng như những gì mà họ tuyên bố mới đây.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/buc-tranh-kinh-te-sang-hon-nhung-chua-het-lo-91594.html