'Bức tranh' kinh tế trong tháng đầu năm ghi nhận những điểm sáng

Các đánh giá cho rằng tình hình kinh tế-xã hội ghi nhận nhiều điểm sáng song trong công tác, quản lý điều hành cần năng động, chủ động thích ứng trước những diễn biến phức tạp từ quốc tế.

Trong tháng Một, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: TTXVN)

Trong tháng Một, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: TTXVN)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng Một diễn ra trong bối cảnh cả nước đón Tết Nguyên đán Quý Mão đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 6/1) của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

Nhiều điểm sáng

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê chỉ ra những gam màu sáng trong "bức tranh" kinh tế tổng thể của tháng đầu năm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến độ gieo cấy lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam tăng so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh đó hoạt động chăn nuôi ổn định cùng với nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh thu hoạch. Những yếu tố này đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Điểm nhấn khác là hoạt động dịch vụ có mức tăng cao do đáp ứng nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân trong dịp Tết.

Trên thị trường, bà Ngọc cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một năm 2023 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước là mức được kiểm soát phù hợp, khi nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán dồi dào song giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Trên thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

(Nguồn: TCTK)

(Nguồn: TCTK)

Ngoài ra, ngành du lịch cũng góp phần tô sáng “bức tranh” với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đạt 870 nghìn lượt người, tăng 23% so với tháng trước đó và gấp 44 lần cùng kỳ năm trước (nhờ các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế được đẩy mạnh khi dịch COVID-19 được kiểm soát).

Trong đầu tư, tỷ lệ vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ đồng thời vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 3 lần.

"Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam," bà Ngọc nói.

(Nguồn: TCTK)

(Nguồn: TCTK)

Đánh giá chung, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng tình hình kinh tế - xã hội trong tháng Một ghi nhận nhiều kết quả tích cực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

"Mặc dù trong tháng có kỳ nghỉ Tết kéo dài, song các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ vẫn khả quan. Đặc biệt là sự phục hồi của ngành du lịch đón đón hơn 9 triệu khách nội địa và gần 900 nghìn khách quốc tế," ông Phú nhấn mạnh.

Đề xuất sáu giải pháp phát triển kinh tế

Bên cạnh nhưng điểm đạt được, bà Ngọc cũng chỉ ra một số điểm tồn tại hạn chế. Trong đó đáng lo ngại là khi chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn. Nguyên nhân chủ yếu do số ngày làm việc của tháng ít hơn khoảng 10 ngày (do kỳ nghỉ lễ) cộng thêm tình hình lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng trong tháng giảm do biến động kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.

Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU giảm 32,7%; Hoa Kỳ giảm 24,5%; Hàn Quốc giảm 14,9%; ASEAN giảm 13,4%; Nhật Bản giảm 8,9%.

Trong bối cảnh đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (25,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước) đã thấp hơn nhiều số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (43,9 nghìn doanh nghiệp).

"Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp," bà Ngọc nói.

Trên cơ sở đó, bà Ngọc cho biết Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp.

Một là theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam.

Hai là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế đồng thời thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.

Ba là quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023. Cụ thể là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023 và đầu năm 2024.

Bốn là phát triển mạnh thị trường nội địa, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao đồng thời triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Năm là tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch và chủ động phương án phòng chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Sáu là nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn, công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú lưu ý thêm về tình trạng ách tắc giao thông tiếp tục gia tăng thêm vào đó các vụ việc về tai nạn giao thông vẫn còn khá cao. Trên thị trường, vấn nạn về hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp.

“Hơn nữa, thời điểm đầu năm nhiều lễ hội, các cấp, ngành, cơ quan nên tăng cường công tác quản lý nhằm hạn chế công chức, viên chức lạm dụng giờ công đi lễ hội, du lịch cá nhân. Để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra, tại các doanh nghiệp, cơ quan – các cán bộ, công chức phải phấn đấu lao động ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt không nên chủ quan với gì đã đạt được trước đó đồng thời lưu ý tính hình kinh tế, chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường với những tác đông trực tiếp và gián tiếp đến nước ta,” ông Phú nhấn mạnh./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-kinh-te-trong-thang-dau-nam-nghi-nhan-nhung-diem-sang/843845.vnp