Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024: Sáng cửa tăng trưởng
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và bất thường, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung, vị thế quốc tế không ngừng được nâng tầm.
Điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch
Việt Nam bước vào năm 2023 với những thuận lợi cơ bản từ đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022: trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, năng động và có độ mở cao, với quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới, xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN.
Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam tiếp tục nhận được sự đánh giá cao và cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế: "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên Hiệp Quốc năm 2023. Đồng thời, Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính ngày 5/9/2023, đã nhấn mạnh: Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản lý kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.
Năm 2023, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, nổi bật là sự kiện Việt Nam và Israel đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA); Việt Nam đang khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam với Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (CEPA); Việt Nam và 13 đối tác trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) cũng đã công bố kết thúc đàm phán về Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên giữa các thành viên.
Đặc biệt, với việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, đến nay Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước phát triển nhất thế giới (G20).
Năm 2023, Chính phủ tiếp tục Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm soát được sự ổn định vĩ mô, sự tăng trưởng cao của thị trường trong nước, duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát an toàn lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước.
Theo Tổng cục Thống kê tăng trưởng GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mức tăng GDP trung bình thế giới và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Cả nước có hơn 200 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; đồng thời, có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 549,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 74,9% và tăng 20,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 9,6% (trừ yếu tố giá tăng 7,0%). Khách quốc tế đến nước ta đến hết tháng 11 đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam đang và sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ và sâu hơn vào một số chuỗi cung ứng mới của thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao. Tính đến ngày 20/11/2023 tổng thu hút FDI đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8%; FDI thực hiện ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm 2023 đang có làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, chip bán dẫn, thực phẩm, sản xuất kho bãi, tài chính ngân hàng… Truyền thông số, Thanh toán số và kinh tế số cũng là một điểm sáng của kinh tế số Việt Nam, với tổng khối lượng hàng hóa (GMV) kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022. Nông nghiệp phát triển ổn định, là trụ đỡ của nền kinh tế. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động.
Giải ngân vốn đầu tư công tăng so với năm trước cả về số tuyệt đối và tương đối, góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước, trong đó có việc đưa gần 700 km đường bộ cao tốc vào sử dụng.
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023; Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.
Tính riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023, nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt 78,31 nghìn tỷ đồng, đạt 100,02% kế hoạch năm 2023. Như vậy, Petrovietnam đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2023 trước 5 tháng. Năm 2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,8% GDP cả nước), tăng 11,6 nghìn tỷ đồng, phá kỷ lục năm 2022.
Những kết quả đạt được của Tập đoàn đã và đang đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tích cực bù đắp cho khó khăn mà nền kinh tế đất nước đang phải hứng chịu, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP cả năm 2023.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024
Bước vào năm 2024 với những thuận lợi cơ bản từ sự ổn định vĩ mô chung và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu hậu COVID-19; Nền kinh tế từng bước được phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2023 quý sau cao hơn quý trước; thị trường trong nước tiếp tục mở rộng; tăng thu hút khách quốc tế và gia tăng mạnh mẽ cả hút FDI mới và FDI giải ngân, với nhiều bứt phá dự án lớn vào lĩnh vực công nghệ cao và không ngừng nâng tầm vị thế quốc tế.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá cao và ghi nhận cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế của Việt Nam. ngày 8/12/2023, Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam từ mức BB lên BB+, với triển vọng ổn định; dù thâm hụt ngân sách tăng từ ước tính 4,1% GDP năm 2023 lên trung bình khoảng 4,3% GDP giai đoạn 2024-2025); Đồng thời, khẳng định sự tin tưởng vào triển vọng sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới của nền kinh tế nước ta, với mức tăng trưởng trung hạn hàng năm khoảng 7% GDP.
Theo Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, môi trường bên ngoài yếu đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại, cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh.
Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo. Tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước và những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo sẽ giảm dần từ cuối năm 2023 đến năm 2024, khi nền kinh tế Hoa Kỳ và EU bắt đầu phục hồi.
Về tổng thể, có thể thấy giai đoạn khó khăn nhất trên hành trình phục hồi kinh tế sau đại dịch đã qua, nhất là với một số lĩnh vực như bất động sản và dệt may, gia dày và công nghiệp điện tử… Hầu hết các chỉ số tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tích cực hơn năm 2023.
Tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, với tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% GDP; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%....
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt ưu tiên điều hành nền kinh tế vào việc tạo hợp lực và phát huy động lực mạnh mẽ từ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu; ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm lãi suất tín dụng cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu; phấn đấu năm 2024 tăng trưởng tín dụng trên 15% và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch; tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 5% so với thực hiện năm 2023; cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội; xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; Coi trọng phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phục hồi và phát triển các loại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ; Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng…
Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế; phát triển kinh tế số (theo Google, kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 45 tỷ USD năm 2025 so với 30 tỷ USD năm 2023), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi; phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn.
Tập trung cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm đề cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ dự án; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Chú trọng phát triển kinh tế tập thể, triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023. Phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu…
Đặc biệt, tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương, đi đôi với phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo tăng năng lực phản ứng chính sách theo hướng linh hoạt, đa dạng, đồng bộ, thiết thực và hiệu quả cao; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì lợi ích chung của đất nước, địa phương, người dân, doanh nghiệp…