Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 dần hé lộ
Nhóm Big4 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank ghi nhận kết quả kinh doanh sơ bộ đạt kỷ lục. Trong khi đó, MB hiện đang dẫn đầu với lãi hợp nhất gần 29.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Theo thống kê của Mekong ASEAN, tính đến ngày 20/1, nhiều ngân hàng đã bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh tích cực, với lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, với nhóm Big4, tổng lợi nhuận ước tính đạt trên 126.000 tỷ đồng, mức cao nhất lịch sử.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024, ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 27.567 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm trước. Tổng tài sản tăng 10%, đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng, trong khi huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,5%. Dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng 170.000 tỷ đồng, đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,56%.
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) cho biết trong năm 2024 ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, tính đến hết năm 2024, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 13,7%, tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng duy trì ở mức thấp 0,97%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%.
Đặc biệt, dù chưa công bố con số lợi nhuận cụ thể, với mức kế hoạch được tiết lộ tại đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4/2024 là 42.000 tỷ đồng, con số lợi nhuận của Vietcombank được nhận định sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới và tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) đã vượt kế hoạch đề ra với lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm trước và ghi nhận mức cao kỷ lục của ngân hàng.
Quy mô tổng tài sản tăng trưởng 17%, doanh thu tăng mạnh với khoản thu ngoài lãi đóng góp 27% tổng thu nhập hoạt động. Dư nợ tín dụng tăng 16,88%, cao hơn các ngân hàng trong nhóm Big4. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023, tỷ trọng CASA đạt 24,1%. VietinBank đã nộp 8.600 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tăng 33% so với năm trước.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 30.006 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 13,1%. Dư nợ tín dụng đạt trên 2,01 triệu tỷ đồng, tăng 15,3%, dẫn đầu thị phần tín dụng với 13,1%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%. BIDV đã nộp ngân sách hơn 9.412 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 136.320 tỷ đồng, tăng 18,4% tính đến 31/12/2024.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ngân hàng năm 2024 tăng khoảng 12% so với năm 2023 và đạt 27.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng khoảng 9-10%, đạt gần 29.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024, ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 110,1%, đạt 1.080 tỷ đồng, trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 38,7%, đạt 674 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt 239.532 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%. Dư nợ cấp tín dụng tăng 19,72%, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn duy trì ở mức 24% - 25%, tỷ lệ LDR ở mức 82% - 84%, và tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 12% - 13%.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra tại Đại hội đồng cổ đông. Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của TPBank duy trì ở mức trên 17%.
Kết thúc năm 2024, dư nợ tín dụng của TPBank, bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp, đạt 261.500 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng hơn 20% so với năm trước, vượt xa mức tăng trưởng trung bình của ngành ngân hàng. Tổng tài sản vượt 418.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và vượt kế hoạch 7%.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, HoSE: NAB) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.545 tỷ đồng, vượt 13,6% so với kế hoạch và tăng gần 38% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối năm đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng gần 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Huy động vốn ghi nhận gần 179.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tín dụng của Nam A Bank trong năm 2024 cũng tăng trưởng mạnh, đạt gần 168.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18,34% so với đầu năm.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank, HoSE: LPB) cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2023 và thực hiện được 116% kế hoạch đề ra. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của ngân hàng này và là lần đầu tiên LPBank đạt lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối năm đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng gần 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Huy động vốn ghi nhận gần 179.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tín dụng của Nam A Bank trong năm 2024 cũng tăng trưởng mạnh, đạt gần 168.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18,34% so với đầu năm.
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với thu nhập lãi thuần đạt gần 428 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đà tăng trưởng mạnh của thu nhập lãi thuần và các nguồn thu ngoài lãi, nên dù chi phí hoạt động tăng 30% lên 330 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 1,5 lần năm trước lên hơn 144 tỷ đồng, ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế đạt 76 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng đạt 61 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 5 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 1.659 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm trước. Năm 2024, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 554 tỷ đồng, tăng 57,7% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc năm, ngân hàng mới thực hiện được khoảng 76% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.