Tái cơ cấu vùng trồng bưởi tại Hà Nội
Cận Tết, các vùng trồng bưởi tại Hà Nội vào vụ thu hoạch chính, tuy nhiên người dân phải đối mặt nỗi lo giá thấp và khó tiêu thụ, dù sản lượng đã giảm mạnh vì bão số 3.
Cây bưởi được xem là cây trồng chủ lực hơn 20 năm qua tại các huyện ngoại thành Hà Nội, như Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Sóc Sơn… Tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ), diện tích bưởi đã mở rộng lên 50 ha, với 20 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, tình trạng giá bưởi giảm mạnh trong 3 năm qua đã khiến nhiều nông dân lao đao.
Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp Trần Phú, ông Đinh Tố Hữu, chia sẻ: “Vụ bưởi năm nay, sản lượng đạt gần 100 tấn, nhưng giá bán tại vườn chỉ dao động từ 5.000 - 15.000 đồng/quả, kể cả đối với bưởi trồng theo VietGAP. Trong khi đó, những năm trước, giá bưởi chất lượng cao có thể lên tới 40.000 - 50.000 đồng/quả.”
Tại xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức), tình cảnh tương tự diễn ra khi thương lái chỉ trả 5.000 - 7.000 đồng/quả bưởi Diễn. Ông Lưu Tiến Ly, một nông dân lâu năm thở dài: “Gia đình tôi có 50 gốc bưởi Diễn đang vào kỳ thu hoạch, nhưng nhà nào cũng có bưởi, rất khó bán.”
Nguyên nhân giá bưởi xuống thấp được xác định là do cung vượt cầu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Thành phố hiện có khoảng 7.500 ha trồng bưởi, sản lượng đạt hơn 100.000 tấn/năm. Trong đó, gần 81% diện tích trồng bưởi Diễn - giống bưởi có thời điểm thu hoạch dồn vào cuối năm, khiến thị trường bão hòa.
Trước tình hình khó khăn, nhiều nông dân đã tìm cách thay đổi mô hình canh tác. Một số hộ tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) đã ghép chanh tứ quý, chanh đào vào cây bưởi, tận dụng lá chanh để cung cấp cho các nhà máy sản xuất bánh kẹo. Lá chanh, đặc biệt vào dịp Tết Trung thu, có thể bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Ông Bùi Bá Cự (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Mô hình canh tác của gia đình trên diện tích 2.700 m2, tôi trồng xen bưởi với chè và rau má. Thu nhập từ chè và rau má chiếm phần lớn. Cụ thể, mỗi ngày cắt lá chè mang lại 300.000 đồng, còn rau má thu hoạch mỗi hai tháng đem về khoảng 4 triệu đồng.”
Nhiều hộ đã kết hợp chăn nuôi dưới tán cây bưởi, mô hình này không chỉ tận dụng được không gian mà còn cải thiện hệ sinh thái vườn. “Tán bưởi che nắng mưa cho gà, trong khi gà giúp làm sạch cỏ vườn”, ông Lưu Tiến Ly tại xã Đại Hưng nhận định.
Một số nông dân khác lựa chọn cải tạo cây bưởi lâu năm bằng cách ghép mắt giống bưởi chín sớm để rải vụ, giảm áp lực tiêu thụ vào cuối năm. Việc ghép giống bưởi chín sớm còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Một số giống bưởi chín sớm, như bưởi Phúc Trạch hay bưởi đỏ Tân Lạc khi được ghép trên gốc bưởi lâu năm vừa giữ được đặc tính ngon ngọt của giống gốc vừa mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Tương tự,tại huyện Phúc Thọ, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Trồng bưởi kết hợp với các cây trồng khác mang lại thu nhập ổn định và giảm thiểu rủi ro do biến động giá cả hoặc thời tiết. Gia đình tôi đã thử nghiệm trồng xen mướp đắng và dưa leo dưới tán bưởi. Chỉ trong một mùa, lợi nhuận từ những cây trồng phụ này đã tăng thêm khoảng 10 triệu đồng.”
Mô hình canh tác đa tầng này giúp tối ưu hóa nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là nguồn nước và phân bón. Theo ông Hòa, nước tưới cho bưởi đồng thời cung cấp độ ẩm cần thiết cho các cây trồng xen, trong khi lá cây rụng được tận dụng làm phân hữu cơ tự nhiên, giúp cải tạo đất mà không cần sử dụng nhiều hóa chất. “Chúng tôi đang dần hướng tới một mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị thương hiệu nông sản địa phương.” ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để giải quyết triệt để bài toán đầu ra, các vùng trồng bưởi cần đa dạng hóa giống cây, chuyển từ bưởi Diễn sang trồng thêm các giống đặc sản như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương...
Đồng thời, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm. Các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết bền chặt từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc hợp tác với doanh nghiệp để đưa bưởi vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, sàn thương mại điện tử hoặc xuất khẩu là hướng đi khả thi.
Một số hộ nông dân tại huyện Chương Mỹ đã cải tạo vườn bưởi sạch đẹp, thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh. Đây là một cách kết hợp nông nghiệp và du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập. Với bối cảnh nhu cầu trải nghiệm thiên nhiên ngày càng tăng, mô hình này được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới cho vùng trồng bưởi Hà Nội.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tai-co-cau-vung-trong-buoi-tai-ha-noi-d241563.html