Bức tranh "Mona Lisa" là một trong những kiệt tác nổi tiếng nhất của danh họa Leonardo da Vinci. Ông đã bắt đầu vẽ bức họa này từ năm 1503 và hoàn thành sau hơn 10 năm.
Những câu chuyện về bức tranh này khiến giới chuyên gia và công chúng vô cùng quan tâm. Theo các nhà nghiên cứu, bức họa "Mona Lisa" bắt đầu nổi tiếng và được công chúng chú ý nhiều hơn sau khi nó bị đánh cắp năm 1911.
Cụ thể, vào ngày 21/8/1911, dư luận rúng động khi báo chí đưa tin bức họa "Mona Lisa" bị đánh cắp khỏi bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris, Pháp. Sau khi xảy ra vụ trộm tranh này, giới chức trách và cảnh sát nhanh chóng bắt tay mở cuộc điều tra quy mô lớn nhằm tìm ra thủ phạm và kiệt tác của Leonardo da Vinci.
Về sau, lực lượng chức năng xác định được danh tính của kẻ trộm đã đánh cắp bức tranh "Mona Lisa" là Vincenzo Peruggia - một người đàn ông Italy từng làm việc trong bảo tàng Louvre.
Theo điều tra của cảnh sát, trong thời gian làm việc ở bảo tàng Louvre, Vincenzo nảy ra ý định trộm tranh. Theo đó, Vincenzo thực hiện trót lọt vụ trộm tranh bằng cách trốn vào trong một phòng chứa đồ dọn dẹp vệ sinh khi bảo tàng đóng cửa lúc cuối ngày.
Sau khi mọi người tan làm, Vincenzo rời khỏi chỗ trốn rồi đánh cắp bức tranh "Mona Lisa". Gã giấu bức tranh bên dưới chiếc áo khoác rộng rồi rời khỏi bảo tàng mà không bị ai phát hiện.
Vincenzo trộm bức tranh của danh họa Leonardo da Vinci vì muốn đưa bức họa này được trưng bày trong các bảo tàng, triển lãm ở Italy.
Do vậy, Vincenzo đã cất giấu bức tranh "Mona Lisa" trong căn hộ của mình ở Paris suốt hơn 2 năm. Đến năm 1913, khi đem bức tranh tới Florence (Italy) để bán cho giám đốc của một triển lãm, Vincenzo bị cảnh sát bắt. Với những bằng chứng không thể chối cãi, Vincenzo Peruggia bị tòa tuyên phạt 6 tháng tù giam vì tội trộm tranh.
Sau 2 năm bị đánh cắp khỏi bảo tàng Louvre, giới chức Pháp vô cùng vui mừng vì đã tìm thấy bức tranh quý trong tình trạng nguyện vẹn.
Sau đó, bức tranh "Mona Lisa" được trưng bày tại Italy trong 2 tuần trước khi được đem trả lại cho bảo tàng Louvre. Từ đây, bức hạo càng được công chúng và giới chuyên gia quan tâm, chú ý hơn.
Mời độc giả xem video: Trở về Hà Nội xưa qua bức tranh giao thông thú vị năm 1973.
Tâm Anh (theo Ancient origins)