Bức tranh ngành công nghiệp tham quan xác tàu Titanic

Trước OceanGate, nhiều công ty đã vận hành dịch vụ tham quan xác tàu Titanic, với giá mỗi vé tham quan là vài chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn USD.

Không nhiều người được tận mắt nhìn thấy xác tàu Titanic, vì để có thể có cơ hội đó, họ phải là người có tiềm lực tài chính, có quan hệ với các chuyên gia và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Nhưng đối với những người có đủ điều kiện, các công ty nghiên cứu, thám hiểm sẵn sàng chào đón họ tham gia chuyến du lịch dài ngày, lặn xuống độ sâu gần 4 km để ngắm xác tàu Titanic. Theo đài CNN, dạng du lịch mạo hiểm này đang dần trở thành một xu hướng của những người muốn tìm kiếm cảm giác mạnh, vượt qua giới hạn của những cảnh thức du lịch thông thường.

“Những gì tôi đã thấy là với những người cực kỳ giàu có, tiền không phải là vấn đề khi nói đến trải nghiệm. Họ muốn có thứ gì đó mà họ sẽ không bao giờ quên” - ông Nick D’Annunzio, chủ sở hữu một công ty quan hệ công chúng chuyên tổ chức các sự kiện đặc biệt, cho biết.

Một phần xác tàu Titanic. Ảnh: NEW YORK POST

Một phần xác tàu Titanic. Ảnh: NEW YORK POST

Khám phá xác tàu

Hơn 1 thế kỷ sau khi tàu Titanic bị chìm xuống đáy Đại Tây Dương, sự quan tâm dành cho con tàu huyền thoại này chưa bao giờ hạ nhiệt. Để thỏa mãn trí tò mò về con tàu, nhiều người đã đi đến các bảo tàng, triển lãm và tìm các bộ sưu tập để nhìn ngắm các hiện vật liên quan đến con tàu. Và đối với nhiều người, họ muốn tận mắt nhìn thấy xác con tàu.

Bất chấp những lo ngại về đạo đức và nguy cơ làm hư hại thêm xác tàu đắm, hoạt động lặn tàu tham quan xác Titanic đã tồn tại hơn 20 năm.

Năm 1985, một đoàn thám hiểm do nhà thám hiểm Robert Ballard và nhà hải dương học người Pháp Jean-Louis Michel dẫn đầu đã tìm ra nơi xác tàu Titanic bị chìm.

Ngay sau đó, ông Ballard đã kêu gọi Quốc hội Mỹ chỉ định xác tàu là một "đài tưởng niệm hàng hải".

Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Tưởng niệm Hàng hải RMS Titanic năm 1986, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về nỗ lực bảo tồn xác tàu, thăm dò và trục vớt. Vào tháng 7-1986, ông Ballard đã đặt một tấm biển lên con tàu, yêu cầu không để địa điểm này bị xáo trộn để tưởng nhớ hơn 1.500 người đã chết sau thảm họa đắm tàu.

Tuy nhiên, mong muốn của ông Ballard không thành hiện thực.

Nhiều người bắt đầu tranh nhau thực hiện các chuyến thám hiểm thu thập hiện vật từ tàu Titanic. Không ít người tham gia hoạt động này vì mong muốn có thể bảo tồn những hiện vật trên con tàu lịch sử. Nhưng với nhiều người khác, họ xem đây là một cơ hội kiếm tiền khi mang các hiện vật đi bán hoặc thu tiền từ các buổi triển lãm.

Năm 1987, công ty Titanic Ventures xin được quyền đồng tài trợ cho một cuộc khảo sát và trục vớt xác tàu Titanic. Cuối cùng, công ty này được trao quyền sở hữu cho các hiện vật tìm thấy trên tàu, theo tờ New York Post.

Một bộ sưu tập đồ dùng trên tàu Titanic, được trưng bày ở New York (Mỹ) vào năm 1987. Ảnh: AFP

Một bộ sưu tập đồ dùng trên tàu Titanic, được trưng bày ở New York (Mỹ) vào năm 1987. Ảnh: AFP

Vào tháng 5-1996, Titanic Ventures đã bán quyền lợi của mình cho công ty trục vớt RMS Titanic. Cho đến nay, công ty RMS Titanic đã thực hiện 8 chuyến thám hiểm tới tàu Titanic và đã bán đấu giá hơn 5.000 hiện vật được lấy từ tàu. Trong số đó có các đồ trang sức và một phần cầu thang lớn của con tàu.

Tuy nhiên, vì xác tàu Titanic nằm trong vùng biển quốc tế, nên nó đủ điều kiện để được bảo vệ theo Công ước của UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Dưới nước. Năm 2020, Anh và Mỹ đã đồng ý hợp tác trong việc quản lý những đoàn thám hiểm có mong muốn tiếp cận và lấy hiện vật từ xác tàu.

Những chiếc vé đắt đỏ

Các nhà nghiên cứu, những người mong muốn trục vớt và thậm chí cả các nhà làm phim như đạo diễn James Cameron đã thực hiện vô số chuyến đi đến xác tàu Titanic. Những chuyến đi như vậy tiêu tốn chi phí không nhỏ. Theo tạp chí Time, cho đến nay, khoảng 250 người đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến xác tàu Titanic thông qua các chuyến thám hiểm.

Năm 1998, công ty Deep Ocean Expeditions của Anh là một trong những công ty đầu tiên bán vé cho người dân tham quan xác tàu Titanic. Giá mỗi vé tham quan là 32.500 USD.

Vào thời điểm chấm dứt dịch vụ thám hiểm tàu xác Titanic, Deep Ocean Expeditions đã thực hiện khoảng 200 lần tham quan xuống xác tàu. Trong những chuyến thám hiểm cuối cùng vào năm 2012, mỗi chuyến kéo dài 12 ngày và chở 20 hành khách, với giá 59.000 USD/người.

Bắt đầu từ năm 2002, công ty du lịch Bluefish có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) cũng điều hành các chuyến lặn thám hiểm xác Titanic. Nhưng trong 4 năm tiếp theo, công ty chỉ nhận 8 khách. Vào năm 2012, công ty bắt đầu nhận đặt vé tham quan trở lại, với giá vé là 59.680 USD/người.

Vào năm 2019, công ty Blue Marble có trụ sở tại London (Anh) đã bán vé tham quan xác Titanic với giá 105.129 USD/người.

Blue Marble cũng đã hợp tác với công ty OceanGate Expeditions - công ty sở hữu tàu Titan - để tổ chức các chuyến tham quan. Trong năm 2021 và năm 2022, OceanGate đã thực hiện những chuyến tham quan thành công và dự kiến tổ chức 18 chuyến lặn tính đến cuối năm 2023.

Tàu Titan phát nổ vừa qua là tàu ngầm thám hiểm của công ty OceanGate Expenditions. Chuyến thám hiểm kéo dài 8 ngày 7 đêm. Công ty OceanGate Expeditions cho biết tour tham quan này có giá 250.000 USD/người.

Tuy nhiên, những gì các du khách thám hiểm nhìn thấy ngày nay đã khác xa so với hình ảnh của con tàu Titanic năm xưa. Theo National Geographic, tàu Titanic đã bị hư hại đáng kể khi chìm xuống đáy biển. Dần dần, vi khuẩn ăn sắt đã làm cho phần còn lại của con tàu không còn nguyên vẹn.

Chưa đầy một thập niên sau khi xác tàu được tìm thấy, người ta nhận thấy con tàu đã xuống cấp nhanh chóng. Vào năm 2019, các nhà thám hiểm xác nhận phần lớn con tàu đang bị sập.

OceanGate là một trong những công ty vận hành dịch vụ thám hiểm xác tàu Titanic. Ảnh: OCEANOGRAPHIC

OceanGate là một trong những công ty vận hành dịch vụ thám hiểm xác tàu Titanic. Ảnh: OCEANOGRAPHIC

Ngày nay, khu vực xung quanh xác tàu Titanic ngập các loại rác thải như vỏ bia, chai nước, quả cân, dây xích và lưới chở hàng từ những tàu trục vớt. Tuy nhiên, ngay cả khi những người sử dụng dịch vụ lặn tham quan không có ý định chạm vào xác tàu, họ cũng có thể khiến cho con tàu bị hư hại thêm. Vào năm 2019, một đoàn thám hiểm đã đâm vào xác tàu Titanic và làm hư hại tàu.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/buc-tranh-nganh-cong-nghiep-tham-quan-xac-tau-titanic-post739530.html