Bức tranh ngày Tết
Tết là dịp mà người ta sẽ dọn dẹp lại nhà cửa cho ngăn nắp và chắc chắn kèm theo đó sẽ là những trang trí cho căn nhà trở nên khác biệt hẳn với ngày thường. Nói chung, dịp Tết là dịp để con người ta được đẹp hơn, sống đẹp hơn và cũng thu xếp lại cho nơi mình sinh sống được đẹp hơn.
Nhưng cái đẹp của ngày Tết không chỉ đến từ hoa Tết, thứ mà chắc chắn nhà nào cũng phải có. Vài năm trở lại đây, người Việt thuộc tầng lớp trung lưu, trí thức bắt đầu ưu ái đến cái đẹp văn hóa vào mỗi dịp Tết. Và mua một bức tranh Tết để tự tặng gia đình mình, để cho "vui nhà" (như cách nói của họa sỹ Đào Hải Phong) chính là lựa chọn của những người thuộc tầng lớp ấy.
Quan tâm tới tranh Tết, tôi mới để ý thấy có khá nhiều người cũng có thú chơi tương đồng như mình. Điển hình như nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn chẳng hạn. Sơn cũng có thú mua tranh dịp Tết như tự thưởng cho mình sau một năm lao động.
Hoặc như nhạc sỹ Huy Tuấn, một người mê tranh "điên cuồng". Huy Tuấn bắt đầu thói quen mua tranh Tết cũng từ khá lâu và căn hộ của anh bây giờ gần như một Gallery với khá nhiều tranh của những họa sỹ tên tuổi như Lưu Công Nhân, Thành Chương…
Tết bây giờ không chỉ là miếng ăn, miếng uống sao cho nó cầu kỳ, đặc biệt nữa. Mọi thứ tiện nghi ấy đã không còn ám ảnh người Việt từ lâu rồi. Nhu cầu văn hóa bắt đầu cao hơn và mua tranh trưng bày Tết là một điển hình của nhu cầu đó. Khi người Việt mua tranh Tết, hoặc mua tranh để tặng bạn bè dịp Tết, rõ ràng đó là một tín hiệu rất mới. Còn nói cũ là vì sao? Đơn giản, mua tranh Tết là truyền thống dân tộc mà tranh Đông Hồ là một ví dụ sắc nét nhất.
Xưa, ngày Tết là phải có tranh Đông Hồ, có câu đối đỏ, tức là những thứ trưng bày giúp cho ngôi nhà sáng sủa hơn, đẹp đẽ hơn vào dịp đón xuân. Cái thú mua tranh Đông Hồ ấy mai một dần theo thời cuộc và có một quãng thời gian vì kinh tế khó khăn, người Việt không thể chi tiền cho một thú chơi xa xỉ như thế khi mà đòi hỏi về lương thực, thực phẩm, trang phục ngày Tết đã đủ tạo một áp lực quá lớn rồi. Mua tranh Tết hôm nay phần nào cũng giúp gợi lại cái nét văn hóa truyền thống rất tao nhã ấy và xu hướng này đang ngày một trở nên mạnh hơn với lực lượng khách hàng đa dạng hơn.
Đã từ lâu rồi, chúng ta không còn quan tâm lắm đến việc Tết này nhà mình có món gì độc, lạ hay có chai rượu nào đặc biệt. Cái sự hưởng thụ ẩm thực ngày Tết bây giờ đơn giản hơn rất nhiều. Khía cạnh tinh thần đã bắt đầu được chăm sóc kỹ lưỡng hơn dịp Tết khi nhiều người Việt trẻ nghĩ tới việc sẽ đi du lịch ở đâu, sẽ đi xem phim gì, sẽ mua sách Tết nào…
Và mỗi sản phẩm phục vụ nhu cầu tinh thần ấy sẽ tương thích với văn hóa của khách hàng lựa chọn sản phẩm. Với việc nhiều người Việt quan tâm đến mỹ thuật hơn, có thể nói nền tảng văn hóa của người Việt trẻ ở các đô thị hôm nay đang có những tín hiệu rất tích cực. Mua tranh cho riêng mình, cho gia đình mình cũng mới chỉ thể hiện được nét văn hóa của cá nhân mình mà thôi. Mua tranh tặng bạn bè dịp Tết lại cho thấy cả nét văn hóa của ít nhất là một mạng lưới hẹp: mạng lưới bạn bè của người mua.
Đơn giản, tặng ai món quà gì thì cũng phải suy xét tới tính phù hợp của người nhận. Không thể tặng tranh cho một người không mê tranh, chỉ mê rượu thịt được. Và nếu bạn của mình cũng là một người cùng một "ngôn ngữ văn hóa" như mình, chắc chắn sự đồng điệu ấy có thể giúp phần nhỏ thôi trong việc xây dựng nên một xã hội văn hóa hơn, tao nhã hơn, lịch lãm hơn.
Và vượt trên hết, việc người Việt mua tranh Tết cho thấy chúng ta đang "giàu" lên. Cái "giàu" ấy không chỉ là vật chất, mà còn cả văn hóa. Có tiền thì mới mua được tranh. Nhưng có tiền cũng chưa chắc đã biết mua tranh nếu như chúng ta chưa có văn hóa. Vậy thì tại sao không tự thưởng cho mình một bức tranh Tết nhỉ? Món quà tự thưởng ấy thực chất là một ý kiến không tồi chút nào.
Hà Quang Minh
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/buc-tranh-ngay-tet-577888/