Bức tranh 'Sợi dây thừng đỏ'

Về nhà tôi cứ băn khoăn mãi về bức tranh 'Sợi dây thừng đỏ' (The Scarlet Rop) mà ông Khan muốn nói tới. Vài lần tôi đã nghe lỏm bố tôi nói đó là bức tranh giá trị và đắt tiền nhất trong sự nghiệp cầm cọ của ông. Đã nhiều khách hàng đến hỏi mua nhưng ông vẫn làm cao chưa bán vì vẫn hy vọng nó sẽ bán được một món tiền lớn hơn.

Một buổi sáng, có nhóm người của cơ quan tòa án và một cảnh sát đến gặp mẹ. Mẹ tôi là một y tá và tôi 7 tuổi, học sinh tiểu học. Vì là ngày lễ nên hôm nay hai mẹ con đều được nghỉ. Bố tôi là họa sĩ tự do, thi thoảng ông đi làm thêm ở Hội đồng giám tuyển trường phổ thông để có thêm thu nhập nhưng không kiếm được bao nhiêu. Hôm nay, bố tôi đến phòng trưng bày tranh của ông. Em trai nuôi của tôi là Mickey 6 tuổi đang loay hoay làm bài tập toán. Tôi không thích môn toán nên dành nhiều thời gian để xem phim hoạt hình trên tivi.

Khi những người đàn ông gõ cửa, mẹ tôi ra đón rồi dẫn họ qua đường cửa bếp đến phòng ăn cạnh bếp. Mẹ mời họ uống cà phê nhưng họ từ chối. Họ ngồi xuống ghế xếp, một người lấy trong cặp ra một xấp giấy tờ để trên bàn. Đó là các văn bản, tài liệu, các biểu mẫu lời khai, chứng cứ để mẹ điền vào.

“Bà có thể cho chúng tôi biết chi tiết cụ thể hơn được không?”. Người nhiều tuổi nhất có vẻ là người chỉ huy cao nhất của nhóm hỗn hợp yêu cầu. Trước đó ông đã giới thiệu ông là Luật sư trưởng của một công ty luật có tiếng.

Mẹ tôi kể ngày giờ cụ thể những trận bị bố tôi đánh đập. Ông hay rút tiền của bà để đi lang thang uống rượu ở các quán trong thị trấn - thường đêm khuya ông mới về nhà trong tình trạng say xỉn. Ông là người Nam Phi ở đất nước xa xôi di cư bất hợp pháp đến đất nước tôi. Quê ông nghèo đói, bệnh tật, lạc hậu, kém nhân quyền và bình đẳng giới nên quen thói nóng nảy, thô bạo với phụ nữ mà không bị lên án.

Minh họa: Tô Chiêm

Minh họa: Tô Chiêm

- Chuyện đó xảy ra trong bao nhiêu năm rồi? - luật sư hỏi.

- Đã gần 4 năm, đặc biệt thường xuyên hơn 2 năm nay - mẹ tôi cúi mặt xuống trả lới buồn bã.

- Với những tố cáo đó bà nói rõ hơn, bà muốn chúng tôi làm gì?

- Tôi không thể chịu đựng hơn nữa. Tôi muốn ly hôn - mẹ tôi trả lời kiên quyết.

Thấy đứng đó bất tiện nên tôi xin phép mẹ đi thăm một người bạn thân và mẹ đã đồng ý. Tôi đạp xe xuyên qua những dòng người xuôi ngược, những đám trẻ đang chơi đùa trên phố dẫn đến phố Berkley. Đó là khu phố khá vắng vẻ với những ngôi nhà, căn hộ cũ kỹ lở lói tồn tại lâu đời nhất của thị trấn. Nhiều ngôi nhà bỏ hoang, giá thuê nhà rất rẻ nhưng không ai muốn đến đó ở bởi lẽ đó là khu ổ chuột chứa chấp bọn giang hồ, buôn bán, sử dụng ma túy ẩn náu.

Ông Khan, người bạn già thân thiết với tôi sống trong một căn hộ xập xệ ở đó. Ông tuổi trung niên nhưng nhìn già như tuổi 60. Shongi Khan là người châu Á. Ông đã kể cho tôi nghe lý do ông lưu lạc tới đây vì bố mẹ ông xung đột, cãi vã, đánh nhau liên miên khiến ông rất đau khổ không chịu nổi. Rồi họ ly dị, cả hai đi tìm xây dựng gia đình mới bỏ mặc ông cô đơn. Ông lay lắt đầu đường xó chợ nay đây mai đó, phiêu bạt xuyên qua các quốc gia để kiếm sống. Cuối cùng ông đã trụ tại đây khi cảm thấy cuộc sống mới tạm ổn - với cái nghĩa là có miếng ăn hằng ngày và nơi để sinh hoạt, ban đêm có giường để ngủ.

Khan thật kỳ lạ. Ông hiếm khi và không thích nói chuyện với ai - vì ông không muốn cho ai biết về thân phận của mình. Tôi đoán có lẽ chỉ tôi là bạn duy nhất của ông - vì dẫu sao ông đang làm thuê cho bố tôi nên ông cũng rộng lòng chia sẻ vài điều về cuộc đời mình. Tuy tính tình có phần hơi kỳ dị nhưng ông kể chuyện dân gian châu Á rất hấp dẫn. Tôi hay đòi ông kể cho tôi nghe vì tôi rất mê chuyện cổ tích, dân gian châu Á.

Căn phòng ông ở có rất nhiều chuột và gián sống hòa bình với ông, mạng nhện chăng đầy mọi nơi. Ông không vợ con nên chẳng ai giúp ông nấu ăn, quyét dọn nhà cửa… - Thậm chí nếu ông ốm chết nằm queo trong ngôi nhà này cũng chẳng ai biết tới. Tôi rất thương ông, thường lén lấy trộm một vài viên thuốc trong túi thuốc cứu thương của mẹ mang đến cho ông phòng khi ông bị ốm đau. Ông gầy gò, nếp nhăn đầy mặt, tôi hy vọng và cầu Chúa phù hộ cho ông luôn có sức khỏe và không bị cha tôi sa thải.

- Cậu là đứa bé tốt và thông minh hơn tuổi và là người bạn tốt nhất của tôi cậu có biết không? - ông ngắm nhìn tôi mỉm cười nói tiếp - Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi ta làm được một việc gì đó cho những người khác. Những khó khăn, thiếu thốn trắc trở luôn rình rập ta, nhưng đó là thứ vật chất không đáng giá. Cái cao quý nhất là sống là làm thế nào cho linh hồn ta thanh thản khi ta thoát khỏi mọi khổ đau - ông đặt bàn tay lên vai tôi.

Tôi rất cảm động vì ông đánh giá cao hành động nhỏ mọn của tôi. Tôi vòi vĩnh:

- Ông kể chuyện con rồng cổ đại khổng lồ nuốt chửng công chúa của nhà vua đi.

- Không, không phải lúc này - ông lắc lắc đầu vừa uống nốt nước coca còn dở trong chai của mình - Ngày mai cậu đến đây, tôi sẽ kể một câu chuyện bí mật cho cậu nghe về bức tranh “Sợi dây thừng đỏ”. Nhưng nhớ chỉ đi một mình thôi nhé! - Ông giao hẹn rồi vẫy tay tiễn tôi ra khỏi phòng.

*

Về nhà tôi cứ băn khoăn mãi về bức tranh “Sợi dây thừng đỏ” (The Scarlet Rop) mà ông Khan muốn nói tới. Vài lần tôi đã nghe lỏm bố tôi nói đó là bức tranh giá trị và đắt tiền nhất trong sự nghiệp cầm cọ của ông. Đã nhiều khách hàng đến hỏi mua nhưng ông vẫn làm cao chưa bán vì vẫn hy vọng nó sẽ bán được một món tiền lớn hơn. Tôi về tới nhà trời đã gần tối, tôi nghe tiếng đồ dùng vỡ loảng xoảng trong gian bếp. Mẹ và bố tôi đang đánh nhau kịch liệt. Mẹ tôi đòi bồi thường thiệt hại một khoản tiền lớn vì hành hung phụ nữ và lợi dụng trẻ em của bố tôi. Nếu không bà sẽ đưa ra chứng cứ để cảnh sát bắt và trục xuất bố tôi về Nam Phi.

Từ lâu bố tôi đã rất sợ điều đó và nhiều lần cầu xin mẹ vì ông không thể có số tiền lớn như mẹ đòi hỏi. Nhưng lần này đã đến cao điểm nên mẹ tôi rất kiên quyết: “Tôi không biết và không quan tâm hoặc có nghĩa vụ phải biết số tiền đó ông lấy từ đâu”. Mẹ tôi la hét rồi đi thẳng về phòng mình đóng sầm cửa lại bỏ bố tôi đang quỳ rất tội nghiệp. Rồi ông đứng dậy nhìn tôi quát: “Chúng mày đứng đó làm gì hả!”. Tôi vội vàng chạy đến chỗ Mickey nắm tay em kéo nó chạy về phòng của chúng tôi.

*

Bốn ngày sau chúng tôi cùng nhau ngồi ăn bữa sáng. Tôi có cảm giác bố mẹ tôi đã thỏa thuận xong xuôi câu chuyện của họ. Tôi đã đọc hai số báo địa phương có đăng bài về bức tranh “Sợi dây thừng đỏ” có liên quan tới Khan kèm theo ảnh của ông. Tôi hỏi bố có phải Khan thực sự đã làm việc đó. Bố tôi giải thích rằng ông ta đang bị cảnh sát truy nã. “Tại sao? Vì lý do gì?” - Tôi tò mò để biết rõ hơn vì không muốn cho bố biết tôi rất thân với ông và lén thường xuyên đến chơi với ông.

Bố tôi nói bức tranh đắt tiền của mình bị mất và không ai khác là Khan đã đánh cắp. Tôi vô cùng sửng sốt, bồn chồn lo lắng nhưng nghi ngờ. Liệu đó có phải là bí mật mà Khan đã tiết lộ với tôi mấy ngày trước? Ông nói rằng có mấy người đàn ông lạ vào phòng tranh của bố. Họ thì thầm bàn bạc với nhau. Ông nghi bố tôi đã bán bức tranh đó cho họ để lấy tiền bồi thường cho mẹ.

Thấy tôi đăm chiêu bố tôi hỏi: “Con có sao không? ổn chứ!” - Ông biết tôi đang sốt ruột. Tôi gật đầu cho xong chuyện nhưng trong lòng vô cùng ấm ức. Khan là một người đàn ông tốt và chân thực. Đã là người đàn ông tốt thì không bao giờ đi ăn cắp của người khác - đặc biệt là những thứ có giá trị và đắt tiền. Tôi rất đau lòng. Mẹ tôi giục: “Ăn nhanh lên mà đến trường, nếu không sẽ muộn giờ học”. Tôi ăn vội miếng cuối cùng rồi tất bật lấy xe đạp đi ngay.

Trên đường đi tôi quyết định ghé vào chỗ Khan ở xem sao. Căn hộ của ông yên tĩnh đến rợn người. Tôi nghĩ chắc cảnh sát đã bắt ông đưa đi khỏi nơi cư trú? Tôi gọi toáng tên ông rồi đẩy cửa bước vào. Một mùi xú khí kinh khủng xộc vào mũi khiến tôi suýt ngạt thở. Tới một góc phòng tôi thấy ông lơ lửng trên không trung - một sợi dây thừng đỏ buộc vào xà ngang quấn quanh cổ ông. Lưỡi ông thè lè tím đen, đôi mắt lồi ra đang bắt đầu thổi rữa trông khủng khiếp. Tôi nôn ọe ngã vật xuống sàn nhà vì quá hoảng hốt. Một lát sau đôi chân vẫn còn run muốn khựu xuống nhưng tôi cố chống tay mấy lần mới đứng dậy được. Tôi lao ra khỏi nhà đạp xe một mạch tới lớp muộn mất ít phút.

Cô chủ nhiệm thấy tôi mặt cắt không còn giọt máu, mồ hôi vã ra như tắm hốt hoảng cho rằng tôi bị cảm lạnh đột ngột nên điện thoại ngay cho mẹ tôi yêu cầu đến đón tôi về nhà. Tôi ngồi ghế sau, mẹ tôi im lặng lái xe. Một lúc sau tôi rón rén hỏi: “Mẹ ơi!...”. “Hừm! Gì đấy?”. “Có phải bố đã bồi thường cho mẹ rồi phải không?”. “ Hừm! Tại sao không? Mày thật rách chuyện, không phải chuyện của mày. Trẻ con biết gì chuyện của người lớn”. Bà quát lên rồi không nói thêm lời nào nào nữa.

Trong xe tôi nhớ lại những chuyện Khan đã kể về cuộc đời ông, và những chuyện ông biết về gia đình tôi và tình cảm thương mến ông dành cho tôi. Tôi lắp ráp những sự kiện, câu chuyện đó lại với nhau và khẳng định: Chắc chắn rằng ông không phải là kẻ ăn cắp bức tranh. Ông không chống đối, không biện minh cho sự vô tội của mình là nhằm để cứu vãn cuộc hôn nhân của bố mẹ tôi. Đặc biệt là không muốn tôi rơi vào hoàn cảnh bố mẹ ly dị bị quẳng ra xã hội thân cô, thế cô không nơi nương tựa phải lang thang, vật lộn tự kiếm sống?

Ông là một người bạn tốt. Một con người có tấm lòng nhân hậu, tâm hồn cao cả. Ông đã thầm lặng nhận cái chết về mình vì người khác. Tôi rất nhớ ông. Hình ảnh sợi dây thừng đỏ buộc trên cổ ông là bức tranh sống động và đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trên đời này. Tôi sẽ mãi nhớ ông cho tới khi tôi không còn tồn tại trên thế gian này…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/buc-tranh-soi-day-thung-do--i661232/