Bức tranh thị trường cà phê Việt Nam và thế giới

Dự báo cà phê xuất khẩu có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Dự kiến cà phê có thể đạt khoảng 4,5 đến 5 tỷ USD trong năm 2024.

Gía cà phê xuất khẩu

Giá cà phê robusta trên sàn London, kỳ hạn tháng 7 tăng 44 USD lên 4.240 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 33 USD lên 4.86 USD/tấn, kỳ hạn tháng 11 tăng 16 USD xuống 3.918 USD/tấn.

Giá cà phê arabica trên sàn New York cũng tăng, kỳ hạn tháng 7 tăng 83,6 USD lên 4.950 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 74,8 USD lên 4.960 USD/tấn và kỳ hạn tháng 12 tăng 70,4 USD lên 4.930 USD/tấn.

Tại Brazil giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tiếp tục giảm 24,2 USD xuống 6.063 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 giảm 11 USD xuống 5.943 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 tăng 58,3 USD lên 5.973 USD/tấn.

Về tình hình giá cà phê trong nước cũng biến động. Cụ thể giá cà phê Tây nguyên tăng nhẹ 500 đồng/kg, tại Đắk Nông 124.500 đồng/kg, Đắk Lắk 124.000 đồng/kg, Gia Lai 123.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 123.000 đồng/kg.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) ước tính, trong tháng 5 xuất khẩu cà phê đạt 95.000 tấn, trị giá 400 triệu USD; so với cùng kỳ năm trước giảm 36,5% về lượng nhưng tăng 3,9% về trị giá.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 5 đạt mức 4.208 USD/tấn, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin trên báo Thanh Niên theo một số doanh nghiệp, thời gian qua, khi nguồn cung khan hiếm và dự báo còn kéo dài nên thị trường đã hình thành mặt bằng giá mới. Dù sản lượng vụ thu hoạch cà phê Brazil được dự báo tăng nhẹ nhưng tổng nguồn cung cà phê trên thế giới vẫn thấp hơn nhu cầu tiêu thụ. Đặc biệt ở nhiều nước châu Á, nhu cầu tiêu thụ cà phê đang tăng nhanh. Chính vì vậy, khi giá cà phê giảm liên tiếp nhiều ngày thì thị trường sẽ bắt đầu tăng mua trở lại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguồn cung cà phê của Việt Nam đang cạn dần?

Theo báo Công Thương nguồn cung cà phê của Việt Nam đang cạn dần trong khi triển vọng vụ mùa tới cũng không mấy khả quan. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây dự báo giá cà phê sẽ tăng trở lại, chủ yếu đến từ việc giới đầu tư gia tăng lo ngại đối với triển vọng nguồn cung từ Việt Nam.

Hiện các quỹ đầu cơ đã gia tăng vị thế mua ròng với dự báo nguồn cung Robusta từ Việt Nam sẽ còn tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Thông tin từ nhà giao dịch Volcafe, sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024/2025 của Việt Nam ước đạt 24 triệu bao, mức thấp nhất trong vòng 13 năm, do thời tiết không thuận lợi.

Thời gian qua, giá cà phê trong nước liên tục tăng cao, nhiều nông dân đã đầu tư trồng mới hoặc phá bỏ cây khác để trồng cà phê. Điển hình như ở tỉnh Gia Lai, hiện có khoảng 100.600 ha cà phê, trong đó, 90.000 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, năng suất bình quân đạt trên 3,1 tấn nhân/ha, sản lượng hơn 281 ngàn tấn/năm.

Việc nhiều hộ dân đua nhau trồng mới, tái canh cà phê khiến giá cây giống ở địa phương này tăng cao và khan hiếm nguồn cung.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 được dự báo vào khoảng 26,85 triệu bao (GBE), giảm khoảng 5% so với niên vụ trước. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống 26,5 triệu bao trong niên vụ tới.

Nguyên nhân là tồn kho cà phê của Việt Nam giảm mạnh từ mức 3,6 triệu bao của niên vụ 2022-2023 xuống chỉ còn 892 nghìn bao trong niên vụ 2023-2024 và chỉ còn 492 nghìn bao vào niên vụ 2024-2025.

Tiêu thụ cà phê trên thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng

Dự báo về tình hình tiêu thụ cà phê trên thế giới đang tích cực hơn, tiêu thụ cà phê đang được dự báo sẽ tăng trưởng từ 2% đến 3% trong thời gian vụ thu 2024/2025. Mức tăng tiêu thụ cà phê toàn cầu nói chung được nhiều nhà dự báo độc lập cho rằng sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 0,95% so với năm trước, có thể đạt tổng cộng 171,50 triệu bao trong niên vụ 2024/25 sắp tới.

Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường tiêu dùng cà phê tương đối mới và các nước sản xuất như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Trung Đông và Việt Nam, những nước đã ghi nhận mức tiêu thụ cà phê nội địa tăng.

Trong khi đó, thị trường cà phê cũng có sự thay đổi vai của hai loại hàng hóa chính. Cách đây 2 năm, giá cà phê Robusta xuất khẩu chỉ bằng một nửa cà phê Arabica thì nay, mọi việc đã đổi khác hoàn toàn. Theo Vicofa, Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê Robusta (chiếm hơn 94% diện tích và sản lượng) còn cà phê Arabica (chủ yếu giống Catimo) chiếm tỉ trọng thấp. Điều này có nghĩa ngành cà phê Việt Nam đã hưởng lợi từ diễn biến mới của giá 2 loại cà phê chính trên thế giới.

Nhu cầu cà phê trên thế giới tăng theo giới chuyên gia dự đoán, lượng tồn kho còn lại rất ít và giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì mức cao. Trong khi đó, dự báo sản lượng cà phê niên vụ sắp tới tiếp tục giảm khoảng 20% do vừa qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt. Điều này gây ra nhiều vấn đề trong “cung – cầu”.

Trong bối cảnh này, các giải pháp như nâng cao hiệu quả sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước đang được đề xuất nhằm giảm thiểu tác động của việc giảm sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ phía Nhà nước để giúp nông dân đối phó với khó khăn.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/buc-tranh-thi-truong-ca-phe-viet-nam-va-the-gioi-a668534.html